Bầu cử Mỹ 2020: Donald Trump, hãy cứ tự hào!

Chủ nhật, 08/11/2020 15:51 PM - 0 Trả lời

(CLO) Khi bang Pennsylvania công bố kết quả, cũng là lúc Donald Trump xác định thua cuộc. Đây được xem là thất bại vĩ đại của nhà lãnh đạo 74 tuổi. Còn gì có thể mô tả hết nỗi buồn của người đàn ông cá tính, giàu cảm xúc, tham vọng và không bao giờ chấp nhận thua cuộc như Tổng thổng Donald Trump.

Trump11
Bài liên quan

Từ những chỉ trích và áp lực...

Trong ngày Bầu cử Mỹ, khi được hỏi quốc gia nào là khó đối phó nhất, Nga, Trung Quốc hay Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump thắng thắn trả lời rằng, “nước Mỹ là quốc gia khó đối phó nhất. Các nước khác không thể so sánh được”.

Câu trả lời của ông Trump có phần dí dỏm, nhưng lại vô cùng sâu sắc, bởi đó là sự thật. Nước Mỹ chưa bao giờ dễ đối phó, nhất là trong thời điểm hiện tại, khi mà đại dịch COVID-19 đang làm trầm trọng thêm vết rạn nứt, khắc sâu những mâu thuẫn tồn tại trong lòng xã hội. Hình ảnh một quốc gia lãnh đạo bị đe dọa và một siêu cường thế giới bị lung lay từ cội rễ, khi mọi giá trị bị thay đổi đến mức đảo lộn chỉ bởi một loại virus mà những người Mỹ vốn chỉ xem như cúm mùa.

Ở giữa cuộc khủng hoảng, Donald Trump là người bị “cả thế giới” nhìn vào. Họ phán xét, chỉ trích những điều Tổng thống không làm được, hoặc chưa có giải pháp tròn trịa thay vì đặt niềm tin, cho cơ hội và chờ đợi ông thể hiện, như cách ông đã vực dậy nền kinh tế, giúp nước Mỹ có chuỗi tăng trưởng dài nhất sau nhiều năm và đạt tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 50 năm.

Suốt nhiều tháng gần đây, các cuộc thăm dò trước bầu cử đều cho thấy sự áp đảo của Joe Biden. Nó phản ánh tâm lý của cử tri Mỹ, những người đã quá thất vọng với cách xử lý đại dịch của chính quyền Tổng thống Trump, cũng như thái độ giải quyết những xung đột xã hội, xuất hiện mạnh mẽ trở lại sau cái chết của George Floyd, người đàn ông Mỹ gốc Phi bị một cách sát da trắng ghì cổ đến chết ngày 25/05/2020 ở thành phố Minneapolis, tiểu bang Minnesota.

Những cuộc biểu tình phong trào Black Lives Matter đã xảy ra trên khắp nước Mỹ hồi tháng 6 và 7, đòi bình đẳng chủng tộc - Ảnh: AP

Những cuộc biểu tình phong trào Black Lives Matter đã xảy ra trên khắp nước Mỹ hồi tháng 6 và 7, đòi bình đẳng chủng tộc - Ảnh: AP

Phong trào đòi bình đẳng chủng tộc Black Lives Matter xảy ra trên khắp nước Mỹ, kéo theo bạo lực, đập phá và cướp bóc là kết quả của bức bối và giận dữ với chính quyền Tổng thống Trump, được cho là có sự kích động thêm từ phe Dân chủ và từ chính thái độ cứng rắn trước bạo lực và tội phạm của Tổng thống, bằng tuyên bố “Pháp luật và trật tự”.

Những người theo phe Dân chủ có lý do để đổ lỗi cho Donald Trump vì quá tập trung vào tham vọng tái cử, hơn là một hành động sáng suốt để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, giữ cho những mạng sống không bị cướp đi bởi COVID-19.

Dễ hiểu làn sóng phản đối Trump ngày một tăng trên khắp nước Mỹ, nhất là ở nhóm cử tri trẻ tuổi, những người bắt đầu cảm thấy sự khắc nghiệt của đại dịch khi việc làm bị mất, bệnh dịch hoành hành cùng với sự mất mát người thân, điều mà ứng viên Joe Biden đã làm rất tốt trong việc bày tỏ sự cảm thông với cảm xúc của họ.

Trước những thách thức rất lớn, Donald Trump, một tỷ phú doanh nhân giàu kinh nghiệm, vẫn kiên quyết sự lựa chọn của mình: mở cửa kinh tế và khôi phục mọi hoạt động xã hội bất chấp sự lây lan nhanh chóng của đại dịch.

Nước Mỹ của ông Trump buộc phải đánh đổi giữa việc làm và sự an toàn trước dịch bệnh. Số lượng các ca nhiễm được ghi nhận tăng kỷ lục ở Mỹ, nhưng đổi lại nền kinh tế ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, làm chệch đường suy thoái chung trong cả năm 2020, với mức tăng 33,1% trong quý III, tạo đà cho một sự hồi sinh mạnh mẽ hậu đại dịch, khi mà vắc xin COVID-19 có thể sẽ được sản xuất và tiêm chủng trên diện rộng.

... đến tâm lý phân cực của cử tri Mỹ

Tính chất căng thẳng của cuộc bầu cử năm 2020 phản ánh một cách rõ nét những thách thức mà nước Mỹ phải đối mặt. Ở đó, cuộc đối đầu giữa đại diện của một chính đảng có lập trường cứng rắn và diều hâu, với một chính đảng mềm mỏng và ôn hòa, làm nổi bật việc định hình nước Mỹ trong 4 năm tới, theo cách của từng chính đảng. 

Bình luận về cuộc bầu cử Mỹ 2020, nhà báo kỳ cựu người Mỹ Carl Bernstein ví von gọi đây là cuộc “nội chiến lạnh”, bởi sự đối lập đến kỳ lạ giữa chiến dịch bầu cử của Tổng thống Trump và Joe Biden. Mỗi bên đều có lý lẽ riêng để khẳng định cho chính sách của mình, đảm bảo sẽ đưa nước Mỹ vượt qua khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng năm 1930.

Newt Gingrich, cựu diễn giả của Đảng Cộng hòa, bình luận: “Đất nước đang ngày càng phân cực, giữa những người muốn hạ gục các bức tượng, cướp phá cửa hàng và đốt các tòa nhà, và những người tin tưởng đứng hát quốc ca, chào cờ và nói lời cam kết của lòng trung thành. Đây là những bất đồng sâu sắc, cơ bản và nó sẽ chỉ kết thúc khi một bên giành chiến thắng một cách cách biệt”.

Nhiều người ảo tưởng cho rằng, một chiến thắng của Joe Biden sẽ hút hết “chất độc” qua đêm. Khi đó, Donald Trump, chủ nghĩa Trump, những cảm giác bất bình về chủng tộc và bất công sẽ xoa dịu. Tuy nhiên, đó là một sự lạc quan không thực tế. Các đường đứt gãy về kinh tế, xã hội và chủng tộc đã có trước vị tổng thống thứ 45 và sẽ tiếp tục tồn tại.

Leon Panetta, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và Giám đốc CIA, cho rằng “sự chia rẽ, hận thù và nỗi sợ hãi, thất vọng và tức giận sẽ không biến mất vào ngày sau cuộc bầu cử”, ngay cả khi Joe Biden giành chiến thắng.

Tờ báo New York Post thì cho rằng: “Việc bầu lại ông Trump là lựa chọn tốt nhất cho Hoa Kỳ”. Trong khi đó, viết trên tờ National Review vào tháng 10, Rich Lowry đã mô tả Trump là "biểu tượng quan trọng nhất của sự phản kháng đối với làn sóng văn hóa thức giấc đang tràn qua" đất nước. “Nói một cách dễ hiểu, đối với nhiều người, ông ấy (Trump) là ngón giữa duy nhất hiện có, để vung tiền chống lại những người cho rằng họ có bàn tay bạo lực trong văn hóa Mỹ”.

Ông Donald Trump hãy cứ tiếp tục tự hào - Ảnh: Getty

Ông Donald Trump hãy cứ tiếp tục tự hào - Ảnh: Getty

... và sự lựa chọn của thời đại

Trong những ngày cuối trước cuộc bầu cử chính thức, Donald Trump có những cuộc vận động bầu cử dày đặc. Sự lựa chọn của chiến dịch bầu của Trump phản ánh tính cách của chính ông. Đó là sự không đầu hàng trước thách thức và nghịch cảnh - khi mà hầu hết các cuộc thăm dò trước bầu cử đều cho thấy, Joe Biden thắng thế và ông Trump phải đối mặt với thực tế khó khăn, thậm chí chuẩn bị tâm thế cho một tuyên bố thất bại.

Khi những hòm phiếu đầu tiên được mở, Joe Biden giành được cả 5 phiếu bang New Hampshire, báo hiệu một điềm dữ với Donald Trump. Nhưng điều này không lay động được tâm lý của Tổng thống. Càng về cuối ngày 3/11, theo giờ Mỹ, Tổng thống Donald Trump càng cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ khi những bang chiến trường công bố kết quả. Ở những bang quan trọng như Florida, South Carolina, Texas… ông Trump đã có chiến thắng ngoạn mục.

Cũng dễ hiểu cho sự vượt lên của Tổng thống, bởi điều này cho thấy các cử tri Mỹ vẫn tin tưởng vào sự điều hành của Donald Trump. Trong suốt 4 năm qua, ông Trump đã nỗ lực thực hiện đúng cam kết như trong chiến dịch bầu cử năm 2016, mà điều ấy được thể hiện ở nền kinh tế đạt mức tăng khoảng 3%, cao hơn dưới thời cựu Tổng thống Obama, cùng với rất nhiều việc làm được tạo ra.

Tuy nhiên, mọi chuyện đảo chiều nhanh chóng vào cuối Ngày Bầu cử. Sắc xanh bắt đầu đảo ngược ở nhiều bang quan trọng, tạo sự ganh đua quyết liệt với màu đỏ. Một ngày, rồi hai và sau đó, khoảng cách giữa ông Trump và Joe Biden đã được thiết lập rõ ràng. Ứng viên đảng Dân chủ giành 264 phiếu đại cử tri dù vẫn còn 4 bang quan trọng chưa kiểm phiếu, trong khi ông Trump chỉ có 214 phiếu đại cử tri.

Nếu giành chiến thắng ở Pennsylvania với 20 phiếu đại cử tri, ông Joe Biden sẽ chính thức giành chiến thắng và đây là kịch bản tồi tệ nhất mà ông Trump có thể phải đối mặt. Và, rạng sáng 8/11 theo giờ Việt Nam, điều ấy đã xảy ra, ông Biden giành chiến thắng với 49,7%, nhỉnh hơn đối thủ chỉ 0,06%, đồng nghĩa với việc ông Trump sẽ trở thành cựu Tổng thống Mỹ từ ngày 20/1/2021.  

Ông Trump từng nói rằng mình có thể không phải là “Tổng thống của đại đa số cử tri” và là “Tổng thống bị chỉ trích nhiều nhất lịch sử nước Mỹ”, nhưng ông là Tổng thống làm được nhiều nhiều cho nước Mỹ. Thực sự, không ai phủ nhận thành quả của chính quyền ông Trump suốt 4 năm qua. Chỉ có điều trong bối cảnh một cuộc bầu cử, lựa chọn người xứng đáng cho những năm tiếp theo, cử tri Mỹ cần một người phù hợp nhất để ngăn chặn đại dịch và sau đó là “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. 

Đó là lý do Joe Biden được chọn.

Ông Trump có thể nói đã hoàn thành trách nhiệm lịch sử của mình. Dù có thể không đánh bại được Joe Biden trong cuộc chiến này, nhưng ông vẫn được xem là người chiến thắng, có thể tự hào với hơn 70 triệu cử tri ủng hộ - con số cao nhất mà một ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa nhận được. 

Hoài Đức

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế