Kinh doanh - Tài chính

Becamex IDC nắm 4.700 ha đất, vốn hóa gần 68.000 tỷ: Vì sao Chủ tịch TP HCM muốn 'nhân bản' mô hình?

Ánh Dương 08/07/2025 09:11

(CLO) Được mệnh danh là “gã khổng lồ” bất động sản công nghiệp, Becamex IDC hiện sở hữu gần 4.700 ha đất khu công nghiệp, vốn hóa thị trường gần 68.000 tỷ đồng và là doanh nghiệp nhà nước lớn nhất TP HCM mới sau sáp nhập. Thành công của mô hình này đang được kỳ vọng sẽ được nhân rộng để tạo thêm động lực tăng trưởng cho đô thị đặc biệt phía Nam.

Sở hữu đất đai khổng lồ, vận hành mô hình tích hợp khu công nghiệp – đô thị

Phát biểu tại buổi họp trực tuyến đầu tiên sau khi hợp nhất TP HCM với tỉnh Bình Dương cũ, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh: TP mới cần ít nhất hai tập đoàn kinh tế đủ lớn và đủ nguồn lực phát triển. Hiện nay, thành phố chỉ có một doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex IDC).

Tiền thân là Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Bến Cát, Becamex IDC được thành lập từ năm 1976, chuyển sang mô hình tổng công ty năm 2010 và cổ phần hóa từ năm 2018. Sau gần 50 năm phát triển, Becamex đã mở rộng ra 25 công ty thành viên, hoạt động đa ngành từ bất động sản, thương mại, viễn thông, vật liệu xây dựng, đến giáo dục và y tế.

Hiện Becamex IDC là chủ đầu tư của 7 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 4.700 ha – chiếm trên 30% thị phần khu công nghiệp tại Bình Dương trước sáp nhập và chiếm khoảng 3,6% thị phần cả nước. Doanh nghiệp này cũng là cổ đông sáng lập của Liên doanh Việt Nam – Singapore (VSIP), nắm giữ 49% vốn tại đơn vị sở hữu 12 khu công nghiệp – đô thị tích hợp trên khắp cả nước với tổng diện tích hơn 10.000 ha.

Bên cạnh việc phát triển khu công nghiệp, Becamex IDC cũng đầu tư mạnh vào các khu đô thị, trung tâm thương mại, khách sạn và các công trình giáo dục – y tế như Bệnh viện Mỹ Phước, Bệnh viện Quốc tế Becamex (hơn 1.000 giường) và Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU).

Tính đến cuối năm 2024, doanh nghiệp này sở hữu tổng tài sản gần 58.800 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu gần 20.500 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp nhà nước lớn nhất TP HCM mới, có quy mô tài sản gấp 2,6 lần so với Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), đơn vị xếp thứ hai.

Doanh thu giảm sâu nhưng vẫn duy trì lãi lớn nhờ liên doanh

Năm 2024, Becamex IDC ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 5.239 tỷ đồng, giảm 34% so với năm 2023 – mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn báo lãi sau thuế 2.395 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước nhờ biên lợi nhuận gộp lên đến 66,8% và gần 1.950 tỷ đồng lợi nhuận từ các công ty liên doanh – liên kết.

Kế hoạch kinh doanh năm 2025 đặt mục tiêu doanh thu đạt 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.470 tỷ đồng, tiếp tục duy trì vị thế là doanh nghiệp nhà nước có khả năng sinh lời cao dù doanh thu không thuộc nhóm dẫn đầu.

So với các doanh nghiệp nhà nước của TP HCM mới, Becamex IDC đứng thứ 10 về doanh thu nhưng lại đứng thứ hai về lợi nhuận sau thuế – chỉ sau Satra, doanh nghiệp thương mại có lợi nhuận chủ yếu từ việc nắm giữ 40% cổ phần trong các liên doanh Heineken Việt Nam.

Trên sàn chứng khoán, giá trị vốn hóa thị trường của Becamex IDC tính đến ngày 4/7/2025 đạt gần 67.800 tỷ đồng. Trong khi đó, tỷ lệ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này đang được cơ cấu lại theo Quyết định của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, từ mức 95,44% xuống trên 65% trước cuối năm 2025.

Việc TP HCM muốn “nhân bản” mô hình của Becamex IDC cho thấy tầm nhìn chiến lược trong việc hình thành những tập đoàn công – tư đủ năng lực về tài chính, đất đai và mô hình vận hành để góp phần định hình phát triển đô thị, công nghiệp và logistics của thành phố tương lai.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Becamex IDC nắm 4.700 ha đất, vốn hóa gần 68.000 tỷ: Vì sao Chủ tịch TP HCM muốn 'nhân bản' mô hình?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO