Sức khỏe

Bệnh án điện tử: Đích đến rõ, đường đi còn xa?

Văn Hiền 17/07/2025 09:49

(NB&CL) Thời hạn triển khai bệnh án điện tử đã được ấn định tại Thông tư 13/2025/TT-BYT hạn chót đến ngày 30/9/2025 với bệnh viện và ngày 31/12/2026 với các cơ sở khám chữa bệnh khác. Tuy nhiên, với hơn 200 trong số 1.800 bệnh viện đã chuyển đổi thành công, liệu ngành y tế có thể “về đích” đúng hạn?

Trong bối cảnh ngành y đang gấp rút chuyển mình với Đề án 06, số hóa toàn diện dữ liệu sức khỏe người dân, hồ sơ bệnh án điện tử được xem là nền móng quan trọng. Nhưng thực tế cho thấy, hành trình từ “giấy” sang “số” vẫn còn nhiều chông gai. Tại nhiều bệnh viện, không khó để bắt gặp hình ảnh người bệnh, đặc biệt là người cao tuổi, mắc bệnh mạn tính mang theo một xấp giấy khám, đơn thuốc, phiếu chỉ định, kết quả xét nghiệm… mỗi lần đi khám.

“Nếu hồ sơ sức khỏe và bệnh án được lưu trữ số hóa, người bệnh sẽ không còn lo thất lạc giấy tờ, không cần ghi nhớ lịch sử bệnh tật mỗi lần đến viện. Cán bộ y tế cũng giảm được khối lượng công việc giấy tờ khổng lồ để tập trung chuyên môn”, một cán bộ y tế tuyến tỉnh chia sẻ.

3(1).jpg
Bệnh án điện tử sẽ rút ngắn thời gian thăm khám, giúp bệnh viện theo dõi tình trạng bệnh nhân dễ dàng và hiệu quả hơn.

Là bệnh viện thứ 11 tại Hà Nội triển khai thành công bệnh án điện tử, Bệnh viện Nhi Hà Nội đã trở thành điểm sáng trong chuyển đổi số y tế. ThS. BS Phạm Văn Hòa, Phụ trách Phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện khẳng định: “Ngay từ những ngày đầu thành lập, chúng tôi xác định công nghệ thông tin là trụ cột để xây dựng mô hình bệnh viện thông minh”. Bệnh viện đã đầu tư đồng bộ hệ thống quản lý tổng thể HIS, hệ thống xét nghiệm LIS, lưu trữ và truyền tải hình ảnh PACS và hồ sơ bệnh án điện tử EMR.

“Nhưng công nghệ tiên tiến đến đâu cũng không thể thành công nếu thiếu sự thay đổi tư duy từ đội ngũ y bác sĩ. Chúng tôi đã tổ chức các chương trình đào tạo, hướng dẫn thực hành, và quan trọng nhất là giúp nhân viên y tế hiểu rõ lợi ích thiết thực mà bệnh án điện tử mang lại”, ông Hòa nhấn mạnh.

Theo ông Hòa, việc triển khai bệnh án điện tử không chỉ là thay giấy bằng số, mà là bước chuyển để tái định hình quy trình khám chữa bệnh. Người bệnh được hưởng lợi đầu tiên. Không còn nỗi lo mất kết quả xét nghiệm, không đọc nổi chữ bác sĩ viết tay, không mang vác cả tập hồ sơ đi khám…

Khi tích hợp với hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án sẽ theo sát người dân suốt đời từ tiền sử bệnh tật, dị ứng thuốc đến các kết quả xét nghiệm định kỳ. Bệnh án điện tử cũng mở ra cánh cửa quản trị hiện đại cho cơ sở y tế: Giảm chi phí lưu trữ, tiết kiệm giấy tờ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời tạo nên kho dữ liệu lớn để phục vụ nghiên cứu khoa học và quản lý chất lượng. Với các cơ quan quản lý, hệ thống này giúp giám sát chi phí BHYT minh bạch, hạn chế lạm dụng thuốc, đồng thời là nền tảng quan trọng để xây dựng chính sách y tế dựa trên dữ liệu số hóa.

Tuy nhiên, chuyển đổi số không thể chỉ “trông” vào thiết bị. BS Hòa chỉ rõ thách thức lớn nhất là thay đổi tư duy và thói quen của cán bộ y tế, những người đã quá quen với bệnh án giấy. Bệnh viện đã phải điều chỉnh quy trình, hỗ trợ trực tiếp, tổ chức tập huấn để đội ngũ y tế có thể tiếp cận hệ thống một cách dễ dàng và chủ động. Từ kinh nghiệm thực tiễn, ông Hòa cho rằng các bệnh viện tuyến dưới hoàn toàn có thể triển khai bệnh án điện tử hiệu quả nếu có định hướng đúng: “Ba yếu tố cốt lõi cần được đầu tư đồng bộ là: hệ thống – con người – quy trình. Nếu linh hoạt điều chỉnh theo quy mô và đặc thù từng đơn vị, thì kể cả bệnh viện tuyến xã/phường cũng có thể thực hiện thành công”.

Không dừng lại ở bệnh án điện tử, Bệnh viện Nhi Hà Nội đang tiến xa hơn với các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Trước đó, bệnh viện tổ chức buổi tập huấn chuyên đề “Ứng dụng AI hiệu quả tại Bệnh viện Nhi Hà Nội”, đặt nền móng cho việc sử dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh, hỗ trợ ra quyết định điều trị và y học cá thể hóa.

“Chúng tôi cũng triển khai sáng kiến phác đồ điều trị điện tử tích hợp trong bệnh án, giúp bác sĩ tra cứu và áp dụng phác đồ chuẩn hóa, rút ngắn thời gian ra quyết định lâm sàng”, ông Hòa cho biết.

Chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn, mà là yêu cầu sống còn với ngành y. Trong hệ sinh thái y tế thông minh đang dần hình thành, bệnh án điện tử sẽ là “cột sống số” kết nối toàn bộ quá trình chăm sóc sức khỏe của người dân thông minh hơn, chính xác hơn, nhân văn hơn. “Tương lai, bệnh án điện tử không chỉ là nơi lưu trữ thông tin khám chữa bệnh, mà còn là điểm kết nối dữ liệu xuyên suốt, phục vụ cả người bệnh, thầy thuốc lẫn nhà quản lý”, BS Hòa tin tưởng.

Đã đến lúc, bệnh án điện tử không chỉ nằm trên giấy... mà phải sống động trong từng ca khám chữa bệnh mỗi ngày. Và quan trọng nhất, người dân sẽ là trung tâm của sự thay đổi ấy và họ cũng sẽ là đối tượng được hưởng quyền lợi từ chuyển đổi số ngành y.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bệnh án điện tử: Đích đến rõ, đường đi còn xa?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO