Bệnh viện An Sinh. (Ảnh: TL)
Theo đó, Hội đồng chuyên môn gồm 9 thành viên, trong đó bác sỹ Bạch Văn Cam, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Thành phố Hồ Chí Minh là Chủ tịch hội đồng. Thành viên là các bác sỹ trưởng khoa của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Thanh tra Sở Y tế, Phòng Nghiệp vụ y, Chi hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh…
Sau khi nghe báo cáo của Bệnh viện An Sinh, Bệnh viện Nhân Dân 115 và xem xét hồ sơ bệnh án của bệnh nhân L.N.T, Hội đồng đã phân tích và cùng thống nhất chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ độ 4 do dị ứng thức ăn. Nguyên nhân tử vong là do tổn thương đa cơ quan (tim, phổi, gan) do sốc phản vệ.
Đối với Bệnh viện An Sinh, Hội đồng chuyên môn nhận định, ban đầu chẩn đoán bệnh nhân bị dị ứng thức ăn là đúng và đã xử lý theo đúng phác đồ của Thông tư 51/2017 của Bộ Y tế. Khi bệnh nhân có dấu hiệu sốc phản vệ, bệnh viện đã kịp thời tiêm Andrenalin nhưng lại tiêm dưới da thay vì tiêm bắp theo thông tư 51/2017. Sau đó bệnh nhân chuyển biến xấu nhanh, bệnh viện đã cấp cứu kịp thời, hiệu quả, chuyển viện an toàn có hội chẩn trước với Bệnh viện Nhân dân 115.
Tuy nhiên, Hội đồng chuyên môn yêu cầu Bệnh viện An Sinh rút kinh nghiệm, cần tiêm bắp đối với thuốc Andrenalin theo thông tư 51/2017 thay vì tiêm dưới da như Bệnh viện An Sinh đã thực hiện. Bệnh viện nên hội chẩn liên viện sớm hơn với các bệnh viện tuyến trên, ngay khi bệnh nhân ngưng tuần hoàn. Bệnh viện cũng cần tiếp tục cho bệnh nhân thở máy dù bệnh nhân có biểu hiện chống máy (bởi tình trạng bệnh nhân đang nguy kịch). Nên chụp X-quang phổi tại giường kèm siêu âm tim, đánh giá chức năng co bóp cơ tim và thể tích máu để tìm và xử trí nguyên nhân phù phổi.
Riêng Bệnh viện Nhân dân 115 đã xử trí cấp cứu sốc phản vệ, tổn thương đa cơ quan phù hợp với phác đồ, có hội chẩn liên viện, có xét nghiệm tìm thấy các thành phần thuốc mà Bệnh viện An Sinh đã sử dụng và liều lượng sử dụng cho phép.
Trước đó, ngày 18/4, sau khi ăn thịt bò, bánh tráng trộn và uống trà sữa, chị L.N.T (30 tuổi, ngụ Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh) bị nổi mề đay khắp người và đã đến Bệnh viện An Sinh (quận Phú Nhuận) để khám bệnh. Tuy nhiên, sau khi được tiêm 3 liều thuốc, chị L.N.T bắt đầu nôn ói, khó thở, trào bọt hồng qua miệng, ngưng hô hấp, được Bệnh viện An Sinh cấp cứu hồi sức tim phổi và chuyển đến Bệnh viện Nhân Dân 115. Tuy nhiên, do bệnh diễn tiến nặng không hồi phục được nên bệnh nhân tử vong vào ngày 20/4.
Theo TTXVN