Bệnh tay chân miệng tăng vọt tại TP.HCM
(CLO) TP.HCM ghi nhận 916 ca tay chân miệng trong một tuần, tăng 40% so với trung bình 4 tuần trước, một số ca nặng phải thở máy.
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), chỉ riêng tuần qua, thành phố đã ghi nhận 916 ca mắc mới, tăng 40% so với mức trung bình của 4 tuần trước.
Từ đầu năm đến nay, tổng số ca bệnh đã lên tới hơn 6.700, cao hơn gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, số bệnh nhân phải nhập viện cũng tăng 15%, cho thấy mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát này, dù rất may mắn là chưa có ca tử vong nào.
Các khu vực như Quận 1, 5, 7, 12, Bình Chánh, Bình Tân, Tân Bình và TP. Thủ Đức đang là những điểm nóng có số ca nhiễm tăng cao đáng báo động.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến, TS.BS Lê Nguyễn Thanh Nhàn, cho biết riêng ngày 22/5, bệnh viện đang điều trị 30 ca tay chân miệng, trong đó có 3 trẻ phải thở máy do tình trạng bệnh nặng.
BS.CK1Trần Ngọc Lưu Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng nhấn mạnh rằng, tháng 4 hàng năm thường đánh dấu sự khởi đầu của mùa dịch tay chân miệng, với đỉnh điểm vào tháng 3-5 và tháng 9-12 và trẻ em dưới 5 tuổi luôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Các bệnh viện nhi đồng tại thành phố cho biết lượng bệnh nhi đến khám và điều trị đang tăng.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus đường ruột gây ra, rất dễ lây lan và bùng phát thành dịch. Trẻ nhỏ thường bị lây nhiễm chủ yếu qua đường tiêu hóa, thông qua tiếp xúc với bàn tay, đồ dùng, đồ chơi bị nhiễm virus từ phân hoặc dịch tiết của người bệnh. Bệnh cũng có thể lây trực tiếp qua dịch đường hô hấp hoặc nước bọt khi trẻ tiếp xúc gần nhau.
Dấu hiệu ban đầu của bệnh thường bao gồm sốt (từ nhẹ đến cao), loét miệng và nổi ban dạng mụn nước ở lòng bàn tay, chân, gối, khuỷu tay hoặc mông. Điều đáng lưu ý là trẻ đã từng mắc bệnh vẫn có thể tái nhiễm do miễn dịch không kéo dài. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám hoặc liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn kịp thời.
Tay chân miệng có thể gây ra những biến chứng cực kỳ nguy hiểm nếu không được xử lý kịp thời, bao gồm viêm não, viêm thân não, viêm màng não, hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tim mạch, hô hấp và thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng. Do đó, các biện pháp phòng ngừa vẫn là chìa khóa để bảo vệ trẻ. Phụ huynh nên hạn chế tối đa việc để trẻ tiếp xúc với nguồn lây nhiễm, cho trẻ nghỉ học nếu mắc bệnh, đồng thời giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, thường xuyên khử trùng đồ chơi và các bề mặt tiếp xúc.
Việc rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, thay quần áo hoặc tã, hoặc sau khi tiếp xúc với dịch tiết của trẻ bệnh, là một trong những biện pháp hiệu quả nhất.
Một tín hiệu tích cực là vaccine EV-A71 phòng tay chân miệng do Đài Loan phát triển đã được Viện Pasteur TP.HCM thử nghiệm thành công trên 2.700 trẻ em trong ba năm, cho hiệu quả bảo vệ lên tới 99,21% mà không ghi nhận biến chứng hay ca nhập viện. Vaccine này hiện đang chờ Bộ Y tế cấp phép lưu hành.