Bệnh viện Thủ Đức được “tiếp sức” phát triển thành hạng 1
(CLO) Ngày 11/4, Sở Y tế TP HCM cho biết 7 bệnh viện đầu ngành tại thành phố đã ký kết hợp tác, hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức phát triển chuyên sâu và hoạt động hiệu quả trong giai đoạn 2025–2030.
7 đơn vị tham gia ký kết gồm: Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bình Dân, Mắt, Nhi đồng 2, Ung Bướu, Răng Hàm Mặt Trung ương và Viện Tim TP HCM. Các bệnh viện sẽ đồng hành, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo chuyên môn và hỗ trợ phát triển các chuyên khoa mũi nhọn tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức.
Hiện bệnh viện này có quy mô 1.000 giường bệnh, tổng vốn đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng và đội ngũ khoảng 1.100 nhân viên y tế. Cơ sở phục vụ người dân trên địa bàn TP Thủ Đức cũng như các tỉnh giáp ranh như Bình Dương, Đồng Nai.
Bệnh viện được định hướng trở thành bệnh viện đa khoa hạng 1, đóng vai trò trung tâm cấp cứu và điều trị chấn thương khu vực. Các chuyên khoa trọng điểm bao gồm cấp cứu, hồi sức, nội khoa, nhi khoa, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, giải phẫu bệnh và can thiệp nội mạch (tim mạch, thần kinh...). Bệnh viện cũng là nơi thực hành lâm sàng của sinh viên các trường đại học y, dược trên địa bàn.

Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, TP Thủ Đức là đô thị loại 1 đến năm 2040, đóng vai trò trung tâm giao thông và kinh tế khu vực Đông Nam Bộ. Thành phố hiện có khoảng 1,8 triệu dân, dự kiến tăng lên hơn 3 triệu người sau năm 2040.
Không gian đô thị Thủ Đức được quy hoạch thành 9 phân vùng với 11 trọng điểm phát triển, trong đó có cụm y tế chuyên sâu. Diện tích đất dành cho cơ sở y tế tại đây sẽ được tăng gấp hơn 10 lần so với hiện tại, tạo điều kiện kết nối các bệnh viện và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Hiện TP HCM có tổng cộng 132 bệnh viện, bao gồm 12 bệnh viện trực thuộc bộ, 32 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, 19 bệnh viện quận, huyện và TP Thủ Đức cùng 69 bệnh viện tư nhân. Ngoài ra, hệ thống y tế cơ sở còn có 310 trạm y tế và hơn 7.000 phòng khám tư.
Thành phố cũng đang đẩy mạnh đầu tư y tế, với 150 dự án xây dựng và trang bị y tế được triển khai giai đoạn 2026–2030, tổng vốn dự kiến hơn 52.000 tỷ đồng. Các dự án tập trung vào nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại và ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều trị.