Bếp Việt: Thương hiệu Việt Nam thành danh tại Nhật quyết định "hồi hương" chinh phục người Việt
(CLO) Mong muốn của Bếp Việt chính là người Việt được sử dụng các sản phẩm tốt nhất, do người Việt làm chủ, nhưng công nghệ, chất lượng đạt tiêu chuẩn cao nhất của thế giới.
Là một trong những thương hiệu “made in Việt Nam” hiếm hoi đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản, từ tháng 10 năm nay, các sản phẩm gia vị, hạt nêm, cháo mang thương hiệu Bếp Việt, của Công ty TNHH CN Thực phẩm Bếp Việt đã chính thức “hồi hương” và chinh phục thị trường nội địa.

Ông Nguyễn Hồng Văn, Giám đốc kinh doanh khu vực miền Bắc của Bếp Việt.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Hồng Văn, một lãnh đạo của Công ty TNHH CN Thực phẩm Bếp Việt cho biết: Trước khi “hồi hương”, các sản phẩm của Bếp Việt đã gây được tiếng vang và nhận được đánh giá rất cao của người tiêu dùng Nhật Bản.
“Chúng tôi tự tin, Bếp Việt là một trong những nhà máy sản xuất gia vị lớn nhất Việt Nam và là nhà sản xuất Việt Nam duy nhất được phép xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản. Nhưng với tư cách là một người Việt Nam, một doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi quyết định đưa các sản phẩm gia vị, cháo về kinh doanh trong nước, chinh phục thị trường nội địa”, ông Văn nói.
Theo ông Hồng Văn, mong muốn của Bếp Việt chính là người Việt được sử dụng các sản phẩm tốt nhất, do người Việt làm chủ, nhưng công nghệ, chất lượng đạt tiêu chuẩn cao nhất của thế giới.
“Nhật Bản là một trong những quốc gia khó tính, có tiêu chuẩn rất cao trong việc nhập khẩu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thực phẩm. Tuy nhiên, chúng tôi đã làm được, chứng tỏ rằng, hàng do người Việt làm ra không hề thua kém so với các thương hiệu nước ngoài. Và khi đã chứng minh được chất lượng, chúng tôi mong muốn, người Việt cũng sẽ được sử dụng các sản phẩm tốt nhất”, ông Văn cho biết.
Lợi thế của các sản phẩm Bếp Việt, chính là tiêu chuẩn chất lượng đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, khi “hồi hương”, các sản phẩm này lại có giá rất cạnh tranh, phù hợp với túi tiền của người Việt. Ông Văn tiết lộ, nếu so với cùng phân khúc, các sản phẩm của Bếp Việt có giá “mềm hơn” 15% - 20% so với các thương hiệu khác.
Tuy nhiên, các sản phẩm của Bếp Việt đang gặp rất nhiều thách thức khi phân phối ra thị trường.
Ông Văn cho biết: Là một “tân binh” trên thị trường, khó khăn lớn nhất của chúng tôi đó là chưa xây dựng được kênh phân phối hoàn chỉnh. Nếu như các thương hiệu nước ngoài, họ đã có tiếng tăm trên thị trường, thì việc đưa sản phẩm vào các kênh phân phối truyền thống như siêu thị, tạp hóa khá dễ dàng. Thậm chí, các kênh phân phối đó còn trải thảm đỏ mời các doanh nghiệp này.
Ngược lại, với các “tân binh”, nhất là các doanh nghiệp Việt Nam, ít nổi tiếng hơn, việc đưa sản phẩm vào siêu thị lớn phải thông qua nhiều bước, tốn kha khá thời gian.
“Với những nhà bán lẻ quốc tế, việc đưa một sản phẩm Việt Nam, thương hiệu chưa mạnh vào chuỗi siêu thị của họ là điều khó khăn so với các thương hiệu nước ngoài. Vì họ còn xem xét nhiều yếu tố, bản thân các nhà bán lẻ quốc tế chưa chủ động trong việc chào mời các thương hiệu Việt”, ông Văn chia sẻ.
Do đó, để chứng minh thực lực, Bếp Việt đã đưa ra chính sách phát các gói ăn thử, để người tiêu dùng đánh giá.
“Người tiêu dùng chính là giám khảo đánh giá công tâm, chân thực nhất. Sản phẩm tốt, chất lượng, chắc chắn sẽ được đánh giá cao. Từ những phản hồi tốt của người tiêu dùng, việc đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị cũng sẽ dễ dàng hơn”, ông Văn nói.
Trong thời gian tới, Bếp Việt có tham vọng đưa sản phẩm vào tất cả các kênh bán lẻ truyền thống, để chinh phục thị trường nội địa.
“Với một thương hiệu Việt Nam, chúng tôi mong muốn đưa sản phẩm tốt cho người Việt Nam sử dụng. Đây chính là chiến lược xuyên suốt của Bếp Việt”, ông Văn nhấn mạnh.