Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10:

“Bí quyết vượt dịch của May 10 là tăng lương, xây nhà trẻ để giữ chân người lao động”

Thứ năm, 03/02/2022 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022, phóng viên Báo NB &CL đã có cuộc trao đổi với ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, xung quanh vấn đề doanh nghiệp dệt may thích nghi với đại dịch COVID-19.

Mặc dù ngành dệt may đã phải gánh chịu rất nhiều tác động của đại dịch COVID-19, thế nhưng, vẫn có một số doanh nghiệp vượt qua nghịch cảnh và đạt được kết quả kinh doanh rất thành công trong năm 2021.

Nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, xung quanh vấn đề doanh nghiệp dệt may thích nghi với đại dịch COVID-19.

Khó khăn chồng chất khó khăn

+ Thưa ông, trong 2 năm vừa qua, đại dịch COVID-19 đã tác động tới tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của May 10 thế nào?

- Trong gần 2 năm xuất hiện đại dịch, các ngành nghề sản xuất sử dụng nhiều lao động, như may mặc, giày dép và thủy sản đã vướng phải vô vàn khó khăn. Riêng với May 10, tôi sẽ chia sự khó khăn thành 2 giai đoạn.

bi quyet vuot dich cua may 10 la tang luong xay nha tre de giu chan nguoi lao dong hinh 1

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng Tổng công ty May 10 vẫn đạt mức tăng trưởng doanh thu lên đến 30% trong năm 2021.

Giai đoạn thứ nhất là trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đặc biệt, trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh lần thứ 4, một số địa phương đã áp dụng Chỉ thị 16 trong việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.

Trong giai đoạn này, chúng tôi đã gặp rất nhiều vướng mắc liên quan tới sự chống dịch không thống nhất giữa các địa phương.

Ví dụ, tại Hà Nội, dù thực hiện giãn cách, nhưng chúng tôi vẫn được sản xuất theo mô hình 1 cung đường, 2 điểm đến, tạm gọi là ổn. Thế nhưng, tại Quảng Bình, khi có dịch, tỉnh này lập tức cấm hết, bất luận điều gì, các hoạt động sản xuất cũng phải ngừng.

Cho dù chúng tôi đã trình bày rất nhiều phương án phòng chống dịch, đảm bảo an toàn sản xuất, tạo vùng xanh, tất cả các phương án đều không được chấp nhận.

Ngoài sự thiếu thống nhất giữa các địa phương, May 10 còn gặp trở ngại do chưa có sự  đồng bộ giữa các cấp chính quyền.

Cụ thể, trong nhiều cuộc họp, lãnh đạo của một địa phương khẳng định không hề cấm doanh nghiệp hoạt động sản xuất, thế nhưng khi người lao động đi qua các chốt kiểm dịch, thì xã, thôn, phường lại không cho họ đi, bắt ở nhà, ai ở yên đó. Như vậy, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kiểu gì.

Giai đoạn 2 là khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 vào đầu tháng 10/2021. Có thể gọi, giai đoạn này chúng tôi bắt đầu bước vào giai đoạn “bình thường mới”, nhưng trên thực tế khó có thể gọi là “bình thường”.

Tôi đồng tình rằng, Nghị quyết 128 đã cởi trói nhiều nút thắt, giúp nhiều doanh nghiệp “dễ thở” hơn trước. Thế nhưng, May 10 có tính đặc thù là sử dụng nhiều lao động, lên tới hàng chục nghìn người nên rất khó kiểm soát được công tác phòng chống dịch.

Vì vậy, mỗi khi trong cộng đồng có những ca F0, F1, thì May 10 vẫn cho F2, F3 có nguy cơ lây nhiễm cao ở nhà tự cách ly. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu lực lượng sản xuất, năng lực sản xuất cũng thiếu khoảng 10% - 15%.

Bên cạnh đó, cũng do đặc điểm có nhiều lao động, nên chi phí xét nghiệm đang là “gánh nặng” của May 10. Ngay cả khi chúng tôi áp dụng mô hình xét nghiệm mang tính xác suất, nhưng chi phí chống dịch vẫn tăng rất cao.

Tiếp đến là công tác chống dịch tại một số địa phương vẫn chưa thật sự “trơn tru”, ngay cả khi Nghị quyết 128 đã có hiệu lực từ lâu. Một số địa phương vẫn làm rất chặt công tác phòng chống dịch bệnh. Mỗi khi có ca F0 trong cộng đồng, là yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn tạm thời đóng cửa vài ngày để xét nghiệm. Điều này đã khiến công suất làm việc bị giảm.

Nói tóm lại, một số nhà máy của May 10 vẫn phải tạm thời đóng cửa, do các địa phương quản lý dịch khác nhau.

bi quyet vuot dich cua may 10 la tang luong xay nha tre de giu chan nguoi lao dong hinh 2

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc, Tổng Công ty May 10.

Tăng lương để giữ chân người lao động

+ Được biết, sau khi Nghị quyết 128 được ban hành, rất nhiều doanh nghiệp dệt may phải đối mặt với làn sóng lao động nghỉ việc để về quê, dẫn đến việc thiếu hụt lao động trầm trọng. Tại May 10 có xảy ra hiện tượng này không, thưa ông?

- Đây cũng là khó khăn mà tôi định nói. Tuy nhiên, đây là khó khăn chung của nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp trong suốt thời gian qua. Ngay cả khi Nghị quyết 128 có hiệu lực, vẫn còn rất nhiều người chưa quay trở lại làm việc 100% so với thời điểm trước dịch.

Trong khi đó, tại May 10, trước khi dịch bệnh xuất hiện, doanh nghiệp chúng tôi đã luôn ở trong tình trạng thiếu lao động. Và ở thời điểm hiện tại, chúng tôi cũng rất khó tuyển được lao động, vì phải cạnh tranh với nhiều ngành nghề khác.

Tuy nhiên, một điều đáng mừng và là thành quả của chúng tôi, chính là việc trong thời gian dịch bệnh bùng phát liên tục vừa qua, tỷ lệ người lao động xin nghỉ việc tại May 10 rất thấp. Do đó, quá trình tuyển dụng lao động của May 10 không bị áp lực nhiều giống như các doanh nghiệp khác.

+ Điều gì đã giúp tỷ lệ người lao động xin nghỉ việc tại May 10 rất thấp, thưa ông?

-  Một trong những giải pháp giữ chân người lao động của May 10 chính là tăng lương. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2021, thu nhập của người lao động tại May 10 đã tăng 8,5% so với năm 2020.

Bên cạnh đó, chúng tôi khuyến khích người lao động làm thêm giờ, tăng thêm phụ cấp để giữ chân người lao động. Đồng thời, tại các nhà máy của May 10, chúng tôi phát triển đồng bộ nhà ở, nhà trẻ để người lao động an tâm làm việc.

Trên thực tế, trong năm tới, May 10 có dự tính mở rộng thêm sản xuất, nên việc giữ chân người lao động rất quan trọng. Chúng tôi tuyệt đối tránh trình trạng, tuyển dụng mới chưa xong, mà đã gặp phải cảnh người lao động ồ ạt xin nghỉ việc.

Chuyển đổi số, giải pháp “cấp cứu” cho ngành dệt may

+ Được biết, trong năm 2021, May 10 có sự tăng trưởng đáng ghi nhận, với mức tăng lên tới 30% so với năm 2020. Ông có thể chia sẻ thêm về sự tăng trưởng này?

-  Thực ra, năm 2020 là năm đầu tiên Việt Nam và cả thế giới phải đối mặt với thảm họa đại dịch, nên May 10 bị giảm mạnh về đơn đặt hàng. Vì vậy, sự tăng trưởng của năm 2021 bắt đầu từ sự khởi điểm thấp.

Nhưng nếu xét về tổng doanh thu, thì năm 2020, May 10 có sản phẩm khẩu trang bán rất chạy, nên tổng doanh thu của 2 năm 2021 và năm 2020 tương đương nhau.

Tuy nhiên, nếu so với năm 2019, thời điểm trước khi dịch bệnh xuất hiện, doanh số của May 10 vẫn tăng 5%. Đây là sự thành công rất đáng ghi nhận của chúng tôi.

Năm nay, các nước kiểm soát dịch bệnh rất là tốt đã giúp kim ngạch xuất khẩu của May 10 tăng, đó chính là châu Âu, Nhật Bản. Nhu cầu về sản phẩm may mặc tại các thị trường này đang tăng, nên May 10 đang có thuận lợi hơn về đơn hàng và thị trường xuất khẩu.

+ Vậy điều gì đã tạo ra sự thành công của May 10, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp vừa qua?

-  Tôi cho rằng, ngoài những giải pháp nêu trên như giữ chân người lao động, để đảm bảo sản xuất đủ các đơn hàng. Chúng tôi cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong thời gian vừa qua, nhằm tăng hiệu suất làm việc.

Đơn cử, chúng tôi có bộ phận kiểm định hàng hóa online. Tức là, từng chiếc áo, từng bộ vest phải chụp lại, gửi hình ảnh cho bộ phận kiểm định online thẩm định trước khi xuất khẩu.

Tuy nhiên, việc kiểm định online có rủi ro rất lớn, nếu doanh nghiệp để xảy ra sai sót có thể bị đền hàng triệu USD, thậm chí chục triệu USD cho phía khách hàng. Vì vậy, chúng tôi bắt buộc phải chuyển đối số nhanh, đồng bộ, tránh rủi ro cho doanh nghiệp.

+ Xin chân thành cảm ơn ông!

Văn Định (Thực hiện)

Tin khác

Châu Âu đang gián tiếp nhập khẩu các sản phẩm dầu Nga thông qua Thổ Nhĩ Kỳ

Châu Âu đang gián tiếp nhập khẩu các sản phẩm dầu Nga thông qua Thổ Nhĩ Kỳ

(CLO) Theo báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) và Trung tâm Nghiên cứu Dân chủ (CSD), Liên minh châu Âu (EU) đã nhập khẩu 3 tỷ euro sản phẩm dầu từ các cảng của Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu xử lý các sản phẩm dầu của Nga.

Thị trường - Doanh nghiệp
Tổng thống Nga: Xe điện Trung Quốc khiến Mỹ 'lo lắng'

Tổng thống Nga: Xe điện Trung Quốc khiến Mỹ "lo lắng"

(CLO) Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp báo ở thành phố Cáp Nhĩ Tân trong chuyến đi hai ngày tới Trung Quốc: Chính quyền Mỹ đã áp đặt thuế đối với xe điện (EV) do Trung Quốc sản xuất vì chúng đã trở nên tốt hơn, đồng thời nhấn mạnh đây là hành động ngăn chặn đối thủ mạnh xâm nhập vào thị trường nội địa nước này.

Thị trường - Doanh nghiệp
IMF: Mỹ nên tiếp tục mở cửa thương mại, hợp tác với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp

IMF: Mỹ nên tiếp tục mở cửa thương mại, hợp tác với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp

(CLO) Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói rằng, Mỹ sẽ tốt hơn nếu duy trì hệ thống thương mại mở thay vì áp đặt các mức thuế trừng phạt mới đối với hàng hóa Trung Quốc, đồng thời cho biết thêm rằng Washington và Bắc Kinh nên hợp tác cùng nhau để giải quyết căng thẳng thương mại.

Thị trường - Doanh nghiệp
Từ vụ trả lại bộ bikini đã mặc sau một tuần, nhiều người bán hàng bức xúc với chính sách của Shopee

Từ vụ trả lại bộ bikini đã mặc sau một tuần, nhiều người bán hàng bức xúc với chính sách của Shopee

(CLO) Xoay quanh sự việc một cửa hàng kinh doanh bikini tố khách trả hàng khi đã mặc được một tuần gây nên nhiều tranh cãi về chính sách hoàn hàng trong vòng 15 ngày của Shopee.

Thị trường - Doanh nghiệp
Giới phân tích thế giới dự báo xu hướng giá vàng, bạc, bạch kim

Giới phân tích thế giới dự báo xu hướng giá vàng, bạc, bạch kim

(CLO) Giá vàng, bạc và bạch kim đã tăng vọt từ đầu năm đến nay và các chiến lược gia cho rằng các kim loại quý này có thể tiếp tục đạt mức cao kỷ lục mới trong những tháng tới.

Thị trường - Doanh nghiệp