Biện pháp hữu hiệu loại bỏ lợi ích nhóm trong BOT

Thứ ba, 30/10/2018 09:26 AM - 0 Trả lời

(CLO) BOT - Cụm từ gây nên khủng hoảng truyền thông, làm mất niềm tin của dân chúng đối với công tác quản lý nhà nước về chuyên ngành giao thông, tạo nên tâm điểm dư luận ngược chiều với chủ trương tích cực của Đảng và Nhà nước. Trong công luận báo chí và mạng xã hội dường như vẫn còn nặng nề những góc nhìn định kiến, thiếu thiện chí, một bộ phận lớn nhân dân vẫn xem BOT là ung nhọt nhức nhối của xã hội cần được cắt bỏ.

Tuy có nhiều tác phẩm báo chí phân tích sâu, dẫn lời đánh giá của các chuyên gia, các nhà khoa học, quản lý để định hướng dư luận, nhưng xem ra sự giải thích đúng về BOT vẫn chưa tác động mạnh làm lay động lòng dân. Tại cuộc hội thảo “BOT - Từ góc nhìn đa chiều” do báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh cùng với Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam, tạp chí Việt Nam Logictics phối hợp tổ chức đã phần nào lý giải thoả đáng câu hỏi tại sao BOT lại có hiệu ứng kiểu Domino gây bão tố truyền thông trong thời gian qua.

Hợp tác công tư, nhưng “công” bỏ mặc “tư”

Lâu nay, nhiều doanh nghiệp, cơ quan nhà nước khi tiến hành xây dựng và thực hiện dự án BOT, hiểu thì đúng nhưng làm chưa đúng, hoặc thậm chí hiểu mù mờ, làm sai lệch. Căn nguyên gốc rễ vẫn là do thể chế chúng ta còn nhiều bất cập, mà nguyên nhân trực tiếp vẫn là sự thao túng của nhóm lợi ích.

Để tiếp tục thực hiện BOT đúng theo chủ trương của Đảng và nhà nước, khâu đột phá trước hết là loại bỏ lợi ích nhóm. Hiện nay, nếu không từ bỏ được lợi ích nhóm, doanh nhân và công chức tham gia BOT dễ vào tù, ngược lại những doanh nhân, nhà đầu tư làm ăn minh bạch, tử tế dễ bị nản lòng. Lợi ích nhóm trong BOT thường có các biểu hiện cụ thể như sau:

Một là, không kiểm soát được tổng mức đầu tư của dự án. Thường tổng mức đầu tư quá cao so với chi phí thực. Có những dự án nhà đầu tư không có vốn, nhưng họ đã biến hoá thành có vốn do họ kê khống mức đầu tư, hợp thức hoá các chứng từ để chứng minh họ bỏ vốn ra, họ còn tính cả lãi vay phần vốn họ kê khống. Có nhiều dự án, nhân sự tham gia trong tất cả các khâu từ xây dựng, thẩm định, phê duyệt, triển khai thực hiện... đều được hưởng một khoản thu nhập gấp hàng chục, hàng trăm lần tiền lương, tiền công, tiền thù lao hợp pháp.

Hai là, không đối xử công bằng theo hình thức hợp tác công tư. Lẽ ra giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư phải hợp tác bình đẳng. Và cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải động viên, khích lệ, cùng chia sẻ khó khăn tạo thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án, nhưng trên thực tế nhà đầu tư vẫn bị gây khó dễ, nhiều việc, nhiều khâu nhà đầu tư “không chạy không được”. Nhiều lúc nhà đầu tư bị cơ quan nhà nước đối xử như nhà thầu.

Việc đối xử không công bằng còn thể hiện ở việc thực hiện một số chỉ đạo của Chính phủ còn thiếu nhất quán. Thí dụ, Chính phủ cho phép được thực hiện chính sách áp dụng phụ cấp không ổn định sản xuất trong các dự án giao thông từ 2005 đến 2015, thế nhưng Bộ Xây dựng viện dẫn, chỉ doanh nghiệp nhà nước mới áp dụng? Như vậy, nhà đầu tư BOT tư nhân không được quyết toán phần phụ cấp này như các Doanh nghiệp Nhà nước?! Trên thực tế cùng làm trên một tuyến đường, nếu là Doanh nghiệp Nhà nước hoặc dùng vốn Nhà nước để thực hiện thì được quyết toán phụ cấp không ổn định sản xuất, còn doanh nghiệp BOT tư nhân lại không được áp dụng? Chính sự đối xử bất bình đẳng nói trên đã dẫn tới việc không khuyến khích và thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài (châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc) còn vắng bóng tham gia BOT ở Việt Nam.

Ba là, việc đối xử không công bằng không chỉ nhận thấy sự thiên lệch từ hai phía công tư. Không công bằng ở đây còn thể hiện việc đối xử khác nhau giữa nhà nước với các nhà đầu tư, các hoạt động đầu tư mang tính chất đặc thù. Thí dụ, thông tư 35/2016/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ Giao thông Vận tải không qui định mức giá tối đa đối với dịch vụ sử dụng hầm đường bộ. Trong khi, hầm đường bộ là loại hình có suất đầu tư cao hơn rất nhiều so với các loại hình công trình giao thông khác. Nhà đầu tư kiến nghị nhiều lần nhưng thông tư trên vẫn không được sửa đổi phù hợp. Thông tư này đã đánh đồng nhà đầu tư hầm và đường.

Bốn là, thường là nhóm lợi ích gây khó dễ cho nhà đầu tư chân chính. Các nhà đầu tư phải chấp nhận thói quen lâu nay của cán bộ công chức của cơ quan nhà nước có chức năng thẩm quyền. Đó là thói quen có lợi ích mới làm. Vậy nếu nhà đầu tư làm ăn minh bạch, chịu sự kiểm soát, giảm chi phí đầu tư, kiểm soát được tổng mức đầu tư thì phần gọi là “lợi ích nhóm” lâu nay không còn, có chăng chỉ là “chi phí cám ơn”. Đây là vấn đề nan giải mà các nhà đầu tư chân chính phải đối mặt.

Báo Công luận
 Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả nhận dự án Hầm Đèo Cả, tổng mức đầu tư ban đầu được xác định là 15.603 tỷ đồng. Quá trình triển khai thực hiện dự án Tập đoàn này đã kiểm soát tốt chi phí đầu tư. Tổng mức đầu tư khi tổng quyết toán công trình hoàn thành là 11.377.921 tỷ đồng. 

Giải pháp nào để phá bung vòng kim cô đang bảo vệ cho nhóm lợi ích? 

Hay nói một cách khác là muốn loại bỏ được “lợi ích nhóm” trong lĩnh vực BOT cần phải sửa đổi các qui định của các luật và nghị định liên quan. Khi chưa sửa đổi được các văn bản pháp luật cần phải kiểm soát được tổng mức đầu tư của từng dự án. Chưa kiểm soát được quyền thì phải kiểm soát tiền để hạn chế lạm quyền. Kiểm soát tổng mức đầu tư là việc quan trọng, then chốt của dự án BOT. Tiến hành chuẩn mực việc xác định chi phí đầu tư cho một dự án là biện pháp chính để loại bỏ lợi ích nhóm. Xin dẫn chứng: 

(1) Có nhà đầu tư đã mời kiểm toán nhà nước vào cuộc khi mới xây dựng dự án. Kiểm toán sẽ giúp họ xác định cụ thể chi tiết chi phí từng khoản mục, hạng mục đầu tư. Khi đã xác định sát giá thị trường từng khoản chi phí và xác định đúng tổng mức đầu tư thì không có nhà đầu tư, nhà thầu nào có thể vung tiền để chạy lo lót cho hệ thống nhóm lợi ích tham gia lập, thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu, quyết toán... như lâu nay. Có thể chấp nhận chỉ định thầu nếu mức đầu tư sát giá thì trường, còn hơn tổ chức đấu thầu mà dự án lại đội vốn đầu tư.

(2) Việc kiểm soát tổng mức đầu tư cũng cần được công khai trên báo chí, thông báo cho chính quyền, các cơ quan chức năng và nhân dân trong vùng dự án biết để giám sát và kiểm soát chi phí đầu tư. Hơn ai hết, người dân tại chổ họ sẽ biết được đường làm mới hay nâng cấp, để triển khai dự án phải giải phóng huỷ bỏ bao nhiêu nhà cửa, ruộng nương, công trình phúc lợi, đào lấp, san ủi bao nhiêu m3 đất đá... Mặt khác, cơ quan có trách nhiệm và nhà đầu tư cần tạo thuận lợi để người dân tiếp cận thông tin về dự án, nhằm công khai minh bạch chi phí đầu tư sẽ góp phần kiểm soát tổng mức đầu tư, tạo được dư luận và sức ép để ngăn chặn lợi ích nhóm.

Nguyễn Hòa Văn

Tin khác

Trên 200 công nhân ngành đường sắt nỗ lực khắc phục sự cố hầm Bãi Gió

Trên 200 công nhân ngành đường sắt nỗ lực khắc phục sự cố hầm Bãi Gió

(CLO) Ngành đường sắt đã huy động hơn 200 kỹ sư, công nhân cùng nhiều máy móc nỗ lực đào đất, khắc phục sự cố sạt lở đất, đá tại hầm đường sắt Bãi Gió nhưng đến nay vẫn chưa thể thông hầm.

Giao thông
Quảng Ninh: Xe đầu kéo va chạm mạnh với xe máy, 2 người thương vong

Quảng Ninh: Xe đầu kéo va chạm mạnh với xe máy, 2 người thương vong

(CLO) Một vụ va chạm giữa ô tô đầu kéo và xe máy trên quốc lộ 18, đoạn qua thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đã khiến một nam thanh niên đi xe máy tử vong tại chỗ.

Giao thông
Không tự ý từ chối cung cấp dịch vụ kiểm định với phương tiện cải tạo

Không tự ý từ chối cung cấp dịch vụ kiểm định với phương tiện cải tạo

(CLO) Trong văn bản gửi các đơn vị đăng kiểm về việc triển khai Thông tư 43/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 85/2014/TT-BGTVT, Cục Đăng kiểm yêu cầu không được từ chối cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới, nghiệm thu xe cải tạo trái quy định.

Giao thông
Vietnam Airlines tăng gấp đôi chuyến bay dịp Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Vietnam Airlines tăng gấp đôi chuyến bay dịp Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Hướng đến Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Vietnam Airlines sẽ khai thác 3 chuyến bay mỗi ngày từ Hà Nội đi Điện Biên và chiều ngược lại trong thời gian từ ngày 3/5 đến 8/5/2024.

Giao thông
Kon Tum: Xe tải bất ngờ mất lái lao xuống mương, 2 người tử vong tại chỗ

Kon Tum: Xe tải bất ngờ mất lái lao xuống mương, 2 người tử vong tại chỗ

(CLO) Chiếc xe tải do anh Nguyễn Quang Nhãn đang lưu thông trên đường Hồ Chí Minh thì bất ngờ mất lái, lao xuống mương thoát nước. Vụ tai nạn khiến 2 người tử vong tại chỗ.

Giao thông