Biến thể Delta bùng phát, chiến lược không COVID của Úc và Trung Quốc bị đe dọa

Thứ hai, 09/08/2021 15:58 PM - 0 Trả lời

(CLO) Sau hơn 1 năm rưỡi bùng phát đại dịch, nhiều nước châu Á đang quay trở lại thời điểm dịch bùng phát sau nhiều nỗ lực phòng chống và tiêm phòng. Biến thể Delta bùng phát đang đe dọa tới chiến lược của nhiều quốc gia từng thành công trong việc kiềm chế đại dịch như Úc, Trung Quốc và Singapore.

Thành phố Melbourne trong thời kỳ giãn cách. Ảnh: AP

Thành phố Melbourne trong thời kỳ giãn cách. Ảnh: AP

Bài liên quan

Trong khi người Anh đến các hộp đêm sau một mùa đông dài bị hạn chế vì COVID-19, thì hàng triệu người ở Úc và Trung Quốc đang bị giãn cách. Hệ thống y tế ở Malaysia, Thái Lan và Indonesia bị quá tải. Và các quốc gia như đảo quốc Fiji ở Thái Bình Dương, nơi năm ngoái chỉ báo cáo một số ít ca nhiễm thì hiện đang phải chống chọi với các đợt bùng phát lớn.

Đối với một số người, thật khó hiểu tại sao châu Á - Thái Bình Dương lại bị ảnh hưởng nặng nề như vậy. Nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã chủ động đóng cửa biên giới với hầu hết người nước ngoài, áp đặt các biện pháp cách ly nghiêm ngặt đối với những người đến, đồng thời đưa ra các chính sách kiểm tra và truy vết tích cực để nhanh chóng dập dịch.

Các quy tắc nghiêm khắc nhất đã được áp dụng tại châu Á trong suốt thời gian qua. Kế hoạch này đã hoạt động rất tốt, ít nhất là trước khi biến thể Delta xuất hiện.

Giờ đây, những đợt bùng phát mới đang đặt ra câu hỏi về chiến lược "zero COVID" hay "không COVID" được Trung Quốc và Úc ưa chuộng, và gây ra một cuộc tranh luận lớn hơn về mức độ bền vững của phương pháp này.

Tại điểm nóng về dịch của Úc ở bang New South Wales, các nhà chức trách cho biết việc đạt tỷ lệ tiêm chủng 50% có thể sẽ là đủ để bắt đầu nới lỏng lệnh cấm nghiêm ngặt của bang, một sự thay đổi so với những nỗ lực trước đây của đất nước nhằm đưa các ca nhiễm bệnh về 0. 

Theo ông Huang Yanzhong, chuyên gia cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Trung Quốc, ngày càng có nhiều chuyên gia y tế công cộng ủng hộ cách tiếp cận giảm thiểu thay vì cực đoan như trước đây.

Các chuyên gia nói rằng việc chuyển đổi khỏi phương pháp "zero COVID" là một trong những điều mà các lãnh thổ khác như New Zealand và Hồng Kông có thể sẽ phải thực hiện khi họ không thể tiếp tục bị tách khỏi thế giới mãi mãi.

Hồng Kông đã xác nhận khoảng 12.000 trường hợp COVID-19 kể từ khi bắt đầu đại dịch, trong khi New Zealand chỉ xác nhận hơn 2.880 trường hợp và hiện tại không có bất kỳ trường hợp nào nhiễm bệnh được ghi nhận.

"Chiến lược zero COVID rõ ràng đã thành công ở một số nơi trên thế giới trong 18 tháng qua. Nhưng tôi không nghĩ mọi người sẽ muốn phương pháp này trở nên đại trà", bà Karen A. Grépin, phó giáo sư tại Đại học Hồng Kông, cho biết. "Sẽ không phải là một quá trình chuyển đổi hoàn hảo, sẽ có những bộ phận dân cư mắc bệnh và chết khi chuyển đổi sang phương pháp giảm thiểu. Vấn đề là chúng ta có thể kiểm soát được thời gian điều đó bắt đầu diễn ra".

Trung Quốc và Úc có thực hiện đúng cách tiếp cận?

Trong khi COVID-19 tràn lan ở châu Âu và Mỹ, các quốc gia như Trung Quốc và Úc đã áp dụng cách tiếp cận loại bỏ khi họ muốn không có bất kỳ ca nhiễm bệnh nào ở nước mình.

Điều này đi cùng với một số tổn thất cho nền kinh tế. Những nước phụ thuộc nhiều vào du lịch như New Zealand phải chứng kiến ngành công nghiệp không khói của mình bị tàn phá và rơi vào khủng hoảng khi những khách du lịch không thể tới vì chính sách đóng cửa biên giới khắt khe của nước này.

Nhưng cũng có một lợi ích rất lớn. Trung Quốc và Úc chưa bao giờ phải chứng kiến ​​những đợt bùng phát thảm khốc như Mỹ và Anh. Và cho đến vài tuần trước, cuộc sống phần lớn đã trở lại bình thường, với mọi người tụ tập cho các lễ hội âm nhạc và sự kiện thể thao.

Thành phố Thượng Hải trong thời kỳ giãn cách. Ảnh: AP

Thành phố Thượng Hải trong thời kỳ giãn cách. Ảnh: AP

Bà Grépin nói: “Các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương nói chung đã có một năm rưỡi cực kỳ thành công trong công tác phòng chống dịch. Sẽ rất khó để nói rằng các chiến lược được áp dụng ở khu vực này không phải là những chiến lược tốt".

Ông Dale Fisher, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: "Chiến lược của Úc và Trung Quốc tập trung vào việc đóng cửa biên giới chặt chẽ và nhanh chóng theo dõi bất kỳ trường hợp nào bị rò rỉ thông qua xét nghiệm hàng loạt. Nhưng những cách tiếp cận đó đã bị thách thức nghiêm trọng bởi biến thể Delta, được ước tính là có khả năng lây truyền tương tự như bệnh thủy đậu và có khả năng lây lan cao hơn từ 60% đến 200% so với chủng ban đầu được phát hiện ở Vũ Hán".

Khi biến thể Delta xuất hiện ở Úc, nó đã bộc lộ một lỗ hổng lớn trong chiến lược của nước này: đó là việc triển khai vắc xin chậm. Khi các quốc gia khác rầm rộ tung ra vắc xin vào đầu năm nay, chính phủ Úc lại rất bình thản.

Tính đến Chủ nhật (8/8), chỉ 17% dân số Úc đã được tiêm chủng đầy đủ, thấp hơn nhiều so với 58% của Anh hoặc 50% ở Mỹ. Điều này có nghĩa là có rất ít khả năng miễn dịch trong cộng đồng để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta.

"Đó là một sai lầm lớn", bà Alexandra Martiniuk, giáo sư tại trường y tế công cộng thuộc Đại học Sydney, cho biết. "Vì vậy, ở Úc hiện có rất ít người được tiêm phòng với một biến thể nguy hiểm đang lan truyền".

Phương pháp tiếp cận "zero COVID" còn hoạt động không?

Các nhà chức trách Trung Quốc đã kiểm soát hoạt động vận tải nội địa sau khi hơn 300 ca dương tính được phát hiện tại hơn hai chục thành phố trên khắp đất nước mới đây.

Ông Ben Cowling, giáo sư dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hồng Kông, cho biết đây là những chiến lược quen thuộc ở Trung Quốc và có thể sẽ được tiếp tục áp dụng.

“Đối với đợt bùng phát này, tôi nghĩ rằng các ca nhiễm sẽ sớm giảm về 0, nhưng nó cho thấy những rủi ro của COVID tồn tại khi áp dụng chiến lược COVID bằng không", ông Cowling nói. "Đây sẽ không phải là đợt bùng phát cuối cùng, sẽ có nhiều đợt bùng phát nghiêm trọng hơn trong những tháng tới".

Trong nhiều tháng, chiến lược "zero COVID" đã hoạt động tốt. Trong khi các quốc gia khác phải đối mặt với hệ thống chăm sóc sức khỏe quá tải và số ca tử vong cao, thì Trung Quốc và Úc lần lượt chỉ báo cáo 4.848 và 939 ca tử vong. Điều đó cho phép họ tiếp tục cuộc sống bình thường, đồng thời khiến nền kinh tế  ít bị ảnh hưởng hơn.

Tuy nhiên, về lâu dài, nhiều chuyên gia cho rằng chiến lược "zero COVID" không bền vững. Cuối cùng, tất cả các quốc gia sẽ muốn mở cửa trở lại với thế giới và khi họ làm vậy, họ có thể cần phải chấp nhận rằng một số người có khả năng mắc bệnh có thể nhập cảnh, một sự thay đổi khó khăn ở các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương đã quen với việc ngăn chặn hoàn toàn virus.

"Trừ khi bạn đã sẵn sàng để tách mình ra khỏi xã hội mãi mãi, COVID sẽ tiếp tục xuất hiện ở đất nước của bạn. Vì vậy, vấn đề là khi nào bạn cho phép nó vào và làm cách nào để sống cùng với dịch bệnh", ông Fisher nói.

Sự thay đổi đó có thể khó khăn về mặt đường lối chính sách. Ông Huang cho biết chính phủ sẽ cần phải biện minh cho quyết định của mình nếu họ chuyển từ một phương pháp "zero COVID" sang một phương pháp giảm thiểu.

"Cách tiếp cận dựa trên sự ngăn chặn này vẫn còn phổ biến trong cộng đồng dân cư Trung Quốc. Họ chấp nhận nó là cách tiếp cận hiệu quả duy nhất để đối phó với đại dịch", ông nói. "Vì vậy, chúng tôi không chỉ nói về sự thay đổi cơ cấu của các quan chức chính phủ, mà còn là sự thay đổi tư duy của người dân, để chuẩn bị cho họ cho một chiến lược mới".

Nhưng từ bỏ chiến lược "zero COVID" không phải là điều mà Úc và Trung Quốc nhất thiết phải nghĩ đến ngay bây giờ, bà Grépin nói. Trong khi đó, ông Fisher cho biết, khi hơn 80% người dân được tiêm chủng, các quốc gia có thể nới lỏng biên giới.

Ở Trung Quốc, người dân có thể cần tiêm thêm các mũi tiêm bổ sung để tăng khả năng miễn dịch khi kết quả đệ trình lên WHO cho thấy mức độ hiệu quả của vắc xin nội địa thấp hơn của Pfizer, bà Grépin cho hay. Có điều, mở cửa biên giới sớm sẽ có khả năng làm các ca nhiễm và tử vong tăng một cách đột biến và khó kiểm soát, bà nói.

Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc

Kinh nghiệm chung của Trung Quốc và Úc cũng nêu bật rủi ro rằng các quốc gia khác có các hạn chế biên giới cứng rắn có thể không thể loại bỏ Delta một cách triệt để. Ông Fisher cho biết các đợt bùng phát dịch bệnh có thể sẽ xảy ra ở các quốc gia khác chưa từng trải qua dịch bệnh này, chẳng hạn như New Zealand.

Giống như Úc, New Zealand và Hồng Kông có tỷ lệ tiêm chủng tương đối thấp với lần lượt là 16% và 39% người dân được tiêm chủng đầy đủ, tính đến Chủ nhật (8/8). Nếu biễn thể Delta xâm nhập, chúng cũng dễ gây ra các đợt bùng phát lớn.

Ông Fisher nói: “Người dân cần được tiêm phòng gấp khi chưa nhiễm bệnh vì vấn đề chỉ là thời gian khi chúng bùng phát, dù cho những chi phí của việc đóng cửa và giãn cách là vô cùng lớn".

Ông khuyến nghị duy trì một số hạn chế, như đeo khẩu trang trong nhà ngay cả khi đã phong tỏa biên giới và không có ca nhiễm tại địa phương nào được báo cáo. “Mọi quốc gia nên giữ vững cảnh giác và phải đeo khẩu trang trong nhà cũng như hạn chế tụ tập. Chắc chắn điều đó làm phiền mọi người, nhưng khi đại dịch thật sự bùng phát, mọi việc sẽ dễ chịu hơn rất nhiều", ông nói. 

Các quốc gia này cần tiếp tục học hỏi từ các quốc gia khác về cách đối phó với đại dịch, ông Fisher nói thêm. "Nếu ai đó nghĩ rằng chuyện này đã kết thúc, thì họ đã sai. Mọi người đều phải đối mặt với nó và nó vẫn chưa kết thúc đối với bất kỳ quốc gia nào", ông cho hay.

Hoàng Việt

Bình Luận

Tin khác

Chi tiêu quân sự toàn cầu tăng mạnh, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu

Chi tiêu quân sự toàn cầu tăng mạnh, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu

(CLO) Thế giới đã chi tới hơn 2 nghìn tỷ USD cho vũ khí trong năm 2023, với Mỹ và Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu cuộc chạy đua vũ trang này, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết vào ngày 22/4.

Thế giới 24h
Gói viện trợ của Mỹ có thể giúp Ukraine thay đổi cục diện trên chiến trường?

Gói viện trợ của Mỹ có thể giúp Ukraine thay đổi cục diện trên chiến trường?

(CLO) Gói viện trợ của Mỹ dự kiến thông qua trong tuần này sẽ là một cứu cánh đối với những pháo thủ Ukraine đang bất lực trong việc cầm chân lực lượng Nga gần thị trấn phía đông Kupiansk, thậm chí có khả năng thay đổi thế trận, mặc dù điều đó có thể mất một thời gian.

Thế giới 24h
Người mắc hội chứng không uống rượu bia vẫn có nồng độ cồn

Người mắc hội chứng không uống rượu bia vẫn có nồng độ cồn

(CLO) Một người đàn ông Bỉ mắc hội chứng chuyển hóa hiếm gặp, khiến cơ thể tự sản sinh nồng độ cồn cao, đã được tòa án miễn án phạt lái xe say rượu vào thứ Hai (22/4).

Thế giới 24h
Ukraine nói Nga điều tới 25.000 quân tấn công 'cao điểm' Chasiv Yar

Ukraine nói Nga điều tới 25.000 quân tấn công 'cao điểm' Chasiv Yar

(CLO) Lực lượng Nga gồm 20.000-25.000 quân đang cố gắng tấn công thị trấn chiến lược Chasiv Yar phía đông Ukraine và các làng xung quanh, theo quân đội Ukraine cho biết vào thứ Hai và nói rằng họ đang gặp rất nhiều khó khăn.

Thế giới 24h
Ngoại trưởng Mỹ bình luận gì về 'tiêu chuẩn kép' khi đề cập đến Israel?

Ngoại trưởng Mỹ bình luận gì về 'tiêu chuẩn kép' khi đề cập đến Israel?

(CLO) Ngày 22/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phủ nhận những ý kiến ​​​​cho rằng Washington có "tiêu chuẩn kép" đối với các cáo buộc vi phạm nhân quyền của quân đội Israel ở Gaza, đồng thời nói rằng đang kiểm tra các cáo buộc như vậy.

Thế giới 24h