Nhà báo Đặng Văn Nghiệp - Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Ngãi:

Biết tìm và nhặt ra những chi tiết của cuộc sống, sẽ không thiếu “vấn đề” hay

Thứ năm, 26/03/2020 13:49 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Cuộc trò chuyện với nhà báo Đặng Văn Nghiệp - Giám đốc Đài PT-TH Quảng Ngãi cho chúng tôi thấy rằng, dù tác nghiệp ở một địa phương có nền KT-XH còn thấp nhưng nếu chịu khó quan sát, biết nhặt ra những chi tiết của cuộc sống thì sẽ không thiếu “vấn đề” hay để viết nên những tác phẩm chất lượng.

Mỗi mùa giải đến, chúng tôi lại thấy mình cần phải nỗ lực hơn nữa

+ Qua 13 mùa Giải Báo chí Quốc gia (GBCQG), Quảng Ngãi có 11 năm đoạt giải, với 26 giải thưởng của 55 lượt tác giả, giành đủ bộ giải thưởng từ giải A đến giải Khuyến khích. Trong đó, Đài PT-TH Quảng Ngãi chiếm phần lớn số lượng giải thưởng này. Điều ấy, đã có tác động không nhỏ thay đổi suy nghĩ của nhiều người rằng, cứ báo lớn, cứ Trung ương thì dễ đoạt giải cao. Quan điểm của ông như thế nào về điều này?

- Tôi nghĩ rằng, các giải thưởng về báo chí nói chung và GBCQG nói riêng đều là nơi để tôn vinh những tác phẩm báo chí xuất sắc, có giá  trị. Với người làm báo đó là một sân chơi để thử thách năng lực của chính mình, của mỗi cơ quan báo chí.

Là cơ quan báo chí địa phương nhưng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ so sánh báo chí Trung ương, báo chí địa phương, báo lớn, báo nhỏ bởi lẽ bất kể là cơ quan nào thì vẫn chung một sứ mệnh nghề nghiệp, vẫn chung một mục tiêu cống hiến và phát triển.

Công bằng mà nói, những năm gần đây, trong GBCQG, sự “tỏa sáng” của các cơ quan báo chí địa phương đã khẳng định rằng, sự tự tin của tôi là có cơ sở. Chỉ có điều, mỗi mùa giải đến, chúng tôi lại thấy mình cần phải nỗ lực hơn nữa trong một cuộc đua không có giới hạn về sự sáng tạo và không ngừng đổi mới từng ngày này.

Nhà báo Đặng Văn Nghiệp – Giám đốc Đài PT-TH Quảng Ngãi.

Nhà báo Đặng Văn Nghiệp – Giám đốc Đài PT-TH Quảng Ngãi.

+ Các cụ có câu “Có bột mới gột nên hồ”. Quảng Ngãi vẫn là một tỉnh nghèo, các hoạt động kinh tế - xã hội chưa thực sự sôi động. Thực tế ấy, có phải là một trong những khó khăn thách thức đối với những người làm báo địa phương trong việc tìm kiếm và phát hiện đề tài để có các tác phẩm chất lượng, được đánh giá cao tại GBCQG không, thưa ông?

- Đúng vậy, đây là một trong những vấn đề khó đối với những người làm báo địa phương trong việc tìm kiếm và phát hiện đề tài cho các chương trình, trong đó có chương trình thời sự để đáp ứng yêu cầu phong phú và hấp dẫn cả về mặt nội dung cũng như hình thức.

Trong bối cảnh đó đã buộc những người làm báo ở địa phương phải tìm ra cho mình những hướng đi để vượt qua rào cản của một địa phương ít có các hoạt động, sự kiện diễn ra hằng ngày, hằng giờ.

Và trong quá trình tìm lối đi cho mình, những người làm báo ở Quảng Ngãi đã rút ra cho mình một bài học quý cho hoạt động nghề nghiệp, đó là ở một địa phương có nền kinh tế – xã hội còn thấp không đồng nghĩa với việc cũng “nghèo” về các vấn đề cho báo chí  phản ảnh.

Bất cứ một hiện tượng nào cũng đều phản ánh một bản chất của sự việc

+ Vâng, vậy để “báo chí không nghèo về đề tài phản ánh”, Đài PT-TH Quảng Ngãi đã có hướng đi như thế nào, thưa nhà báo?

- Chúng tôi đã có những chiến lược, định hướng phát triển cho từng bộ phận, xác lập những thế “chân kiềng” trọng tâm thông qua từng phòng ban, thậm chí với mỗi phóng viên, cộng tác viên. Để làm được điều này, chúng tôi đã phân công rõ trách nhiệm cho từng lãnh đạo phòng và các biên tập viên theo dõi thông tin theo từng mảng, ngành địa phương; theo dõi thông tin trên các báo; liên kết chặt chẽ với cộng tác viên và phóng viên các cơ quan báo Trung ương và địa phương…

Mọi thông tin khi xuất hiện sẽ được các thành viên báo với lãnh đạo phòng để biết, cùng bàn bạc và ra quyết định phân công phóng viên hoặc đặt bài cộng tác viên. Song song với đó, chúng tôi thông báo các sự kiện, các vấn đề đang diễn ra cho tất cả phóng viên đang tác nghiệp ở các nơi và cộng tác viên ở đài truyền thanh huyện (qua hệ thống email). Điều này đã tạo cho đội ngũ phóng viên và cộng tác viên luôn theo dõi sát sự kiện và trên cơ sở những sự kiện đã được thông báo, các phóng viên, cộng tác viên có thể tìm ra những vấn đề liên quan đang diễn ra ở địa phương.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn tạo cho phóng viên, cộng tác viên có thói quen quan sát, phân tích và xâu chuỗi các hiện tượng, sự việc  lại với nhau để tìm ra “vấn đề” bản chất của sự vật. Quan điểm của chúng tôi là bất cứ một hiện tượng nào dù nhỏ hay to cũng đều phản ánh một bản chất của sự việc.

Ngoài ra, hằng ngày, chúng tôi đều làm việc với phóng viên trong các phòng và cộng tác viên thông qua nhiều hình thức. Qua làm việc, nhiều đề tài có “vấn đề” được phát hiện từ thông tin có được do phóng viên, cộng tác viên cung cấp hoặc cũng từ những thông tin của phòng, cộng tác viên, phóng viên nẩy ra được “vấn đề”. Chính điều ấy mới tạo ra sự khác biệt của các sản phẩm báo chí và cũng  chính sự khác biệt ấy đã làm nên những tác phẩm chất lượng và được ghi nhận.

PV Đài PTTH Quảng Ngãi tác nghiệp.

PV Đài PTTH Quảng Ngãi tác nghiệp.

+ Nhưng thiết nghĩ, để các phóng viên luôn theo kịp và bám sát hơi thở của cuộc sống, “nhặt được những thứ có vấn đề” trong bối cảnh, cạnh tranh thông tin từng giây từng phút, thật quá áp lực, thưa ông?

- Đúng là như vậy! Nhưng khi đã trong một guồng quay thì không thể khác. Và chúng tôi đã thực hiện bài bản công việc này từ rất lâu rồi nên phóng viên dường như đã có thói quen... không sợ áp lực.

Một trong những yếu tố giúp cho các phóng viên ở Quảng Ngãi liên tục có được tin, phóng sự tốt in, phát trên các báo, các kênh phát thanh, truyền hình của Trung ương và địa phương trước hết phải kể đến đó là tính cần cù chịu khó, năng động và sáng tạo được kết tinh trong mỗi con người miền Trung. Từ trong cái khó, các phóng viên của Quảng Ngãi đã phải “cày” và phải biết “tìm” “nhặt” ra những con số, những chi tiết, những hiện tượng...

Có lẽ từ trường học thực tế cộng với sự cần cù, sáng tạo đã tạo cho những nhà báo ở Quảng Ngãi hình thành được phản xạ luôn nhận biết và “nhìn ra vấn đề” theo góc độ phản ánh của báo chí.

Thêm vào đó, các phóng viên cũng luôn phải đặt mình trong mối quan hệ khăng khít với quần chúng nhân dân, với đội ngũ cộng tác viên và liên kết thông tin giữa phóng viên các cơ quan báo với nhau.

Những người lãnh đạo như chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ định hướng, khuyến khích và thổi ngọn lửa nhiệt huyết, tận tâm cho họ. Những giải thưởng như GBCQG cũng là một cách tạo nên động lực cho người làm báo cố gắng chăm chút hơn cho những “đứa con tinh thần” của mình.     

+ Nói về thể loại PT-TH, xu hướng mới của báo chí hiện đại đòi hỏi sự đổi mới về hình thức, nội dung của tác phẩm là rất lớn. Sự “bắt nhịp” để có những tác phẩm đoạt giải được coi trọng như thế nào, thưa ông?

- Có thể nói, giữa thời đại bùng nổ thông tin và sự cạnh tranh thông tin quyết liệt giữa các loại hình báo chí, thì phát thanh, truyền hình vẫn đứng vững trước những thách thức mang tính tất yếu của sự phát triển.

Là người làm báo nhiều năm, tôi nghĩ trên hết, sự tìm tòi, sáng tạo và mạnh dạn áp dụng những hướng đi mới, không ngừng học hỏi từ các Đài Trung ương, Đài bạn là yếu tố then chốt để chúng tôi có được những sản phẩm tốt, đạt tiêu chí ở các giải báo chí.

Thực tế, mạng xã hội buộc chúng ta phải sáng tạo, phải chân thực và phải gắn kết mật thiết với người xem. Cho nên, chúng tôi không ngại đầu tư và bắt nhịp xu hướng mới để phù hợp với thị hiếu của công chúng. Những tác phẩm được đầu tư cẩn thận đều được lựa chọn gửi đi tham dự GBCQG và phần lớn đều đoạt giải như kỳ vọng.

+Vâng, xin cảm ơn ông!

Hà Vân (Thực hiện)

Tin khác

Chương trình “Đất nước trọn niềm vui”: Khơi gợi tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc

Chương trình “Đất nước trọn niềm vui”: Khơi gợi tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc

(CLO) Tối 25/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”, chương trình là dịp kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hướng tới kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2.

Công tác hội
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mối duyên nợ đầu tiên với báo chí

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mối duyên nợ đầu tiên với báo chí

(CLO) Được biết đến không chỉ là một vị tướng lừng danh có sức ảnh hưởng sâu rộng đến lịch sử Việt Nam và thế giới thời hiện đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một nhà báo xuất sắc với ngòi bút chiến đấu mạnh mẽ.

Công tác hội
Chi hội nhà báo báo Giáo dục và Thời đại tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động

Chi hội nhà báo báo Giáo dục và Thời đại tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động

(CLO) Chiều 25/4, Ban Kiểm tra (Hội Nhà báo Việt Nam) đã làm việc với Chi hội nhà báo báo Giáo dục và Thời đại nhằm nhìn nhận, đánh giá công tác Hội năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Công tác hội
Hội Nhà báo Việt Nam và Indonesia: Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa báo chí hai nước

Hội Nhà báo Việt Nam và Indonesia: Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa báo chí hai nước

(CLO) Chiều 22/4 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đã chủ trì cuộc hội đàm với đoàn đại biểu Hội Nhà báo Indonesia do ông Sihono, Giám đốc báo chí Pancasila Hội Nhà báo Indonesia, vùng Yogyakarta làm Trưởng đoàn.

Công tác hội
Nâng cao vị thế, vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

Nâng cao vị thế, vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

(CLO) Sáng 19/4, Liên Chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Công tác hội