Bình Phước đẩy mạnh đầu tư cho mạng lưới giao thông liên kết vùng

27/11/2023 17:15

(CLO) Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, các yếu tố hạ tầng giao thông sẽ được đầu tư phát triển mạnh mẽ, làm động lực thúc đẩy cho sự phát triển của tỉnh này.

Theo đó, trong những năm tới, tỉnh Bình Phước sẽ tiếp tục đầu tư mạnh cho mạng lưới giao thông liên kết vùng gồm cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành.

Với mạng lưới giao thông cấp tỉnh sẽ đầu tư phát triển theo các trục động lực: Trục phát triển dọc theo tuyến Quốc lộ 14 kết nối Bù Đăng - Đồng Xoài - Chơn Thành; Trục phát triển dọc theo tuyến Quốc lộ 13 gắn kết Hoa Lư - Lộc Ninh - Bình Long - Hớn Quản - Chơn Thành; Trục trung tâm phát triển dọc theo tuyến ĐT 741 kết nối huyện Đồng Phú, thành phố Đồng Xoài, huyện Phú Riềng và thị xã Phước Long; tuyến ĐT 752, ĐT 758, ĐT 753, ĐT 759B…

Về đường sắt sẽ xây dựng tuyến đường sắt TP HCM - Lộc Ninh; tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên (Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước) đoạn Chơn Thành - Đắk Nông. Với hạ tầng hàng không, Bình Phước sẽ quy hoạch sân bay quân sự Technic chuyển thành sân bay chuyên dùng Hớn Quản, quy mô diện tích khoảng 350ha.

binh phuoc day manh dau tu cho mang luoi giao thong lien ket vung hinh 1

Bình Phước sẽ đẩy mạnh đầy tư, phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian tới.

Ngoài ra, trong thời gian tới, Bình Phước sẽ xây dựng 3 cảng cạn tại cửa khẩu Hoa Lư huyện Lộc Ninh với quy mô khoảng 25ha, tại thị xã Chơn Thành với quy mô khoảng 46ha, tại huyện Đồng Phú với quy mô khoảng 40ha.

Cụ thể, theo quy hoạch khu vực tỉnh Bình Phước nằm trong hành lang vận tải Đắk Nông - Bình Phước - TP HCM. Năng lực thông qua cảng cạn trên hành lang này đến năm 2030 khoảng từ 1,86 triệu - 2,65 triệu Teu/năm.

Tổng diện tích quy hoạch cảng cạn trên hành lang vận tải đến năm 2030 khoảng từ 186 ha - 265 ha. Vị trí các cảng cạn bố trí tại các vị trí có khả năng kết nối đa phương thức bao gồm đường bộ, đường sắt.

Khu vực Bình Phước còn được định hướng phát triển cảng cạn Chơn Thành và cảng cạn Hoa Lư kết nối với các cảng biển Đồng Nai, Vũng Tàu, TP HCM.

Trong đó, cảng cạn Chơn Thành kết nối với Quốc lộ 13, được quy hoạch với năng lực hàng hóa thông qua khoảng 100.000-150.000 Teu/năm. Cảng cạn này có chức năng cung cấp các dịch vụ cảng cạn phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu của khu công nghiệp Becamex – Bình Phước. Đồng thời, phân phối hàng hóa nhập khẩu phục vụ tiêu dùng cho khu vực và vùng lân cận.

Còn cảng cạn Hoa Lư sẽ kết nối với Quốc lộ 13 và đường sắt tuyến TP HCM - Lộc Ninh, có tổng diện tích đến năm 2030 khoảng 15 - 25ha và có năng lực hàng hóa thông qua khoảng 150.000 - 250.000 Teu/năm. Cảng cạn Hoa Lư cung cấp các dịch vụ cảng cạn phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu của khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Phước đồng thời phân phối hàng hóa nhập khẩu phục vụ tiêu dùng cho khu vực và vùng lân cận.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bình Phước đẩy mạnh đầu tư cho mạng lưới giao thông liên kết vùng
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO