Bộ Công Thương: Lượng hàng hóa phục vụ Tết năm nay phong phú đảm bảo ổn định thị trường

Thứ năm, 11/02/2021 10:57 AM - 0 Trả lời

(CLO) Theo báo cáo của Bộ Công Thương, lượng hàng hóa phục vụ tết Nguyên đán năm nay trên toàn tỉnh khá phong phú, đa dạng về chủng loại, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng thời trang... Về cơ bản, giá cả các mặt hàng đều ổn định, không có biến động nhiều trong dịp Tết.

Về nguồn cung hàng hóa, công tác chuẩn bị Tết đã được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh triển khai sớm. Hàng hóa chuẩn bị Tết tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu...

Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, hoạt động chăn nuôi, nhất là chăn nuôi hộ gia đình bị giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh tả lợn Châu Phi, tuy nhiên các địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động tìm kiếm nguồn hàng, ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp chăn nuôi hoặc có kế hoạch nhập khẩu nhằm bảo đảm cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán. Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, tổng giá trị hàng dự trữ của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 10-15% so với các tháng thường trong năm.

Nguồn cung các mặt hàng khá dồi dào. Ảnh TL

Nguồn cung các mặt hàng khá dồi dào. Ảnh TL

Tại một số địa phương khu vực miền Trung chịu thiệt hại của bão lũ trong năm 2020 vừa qua, nguồn hàng thiết yếu phục vụ Tết cũng đã được các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuẩn bị tốt, tuy nhiên do đánh giá sức mua của người dân bị ảnh hưởng do điều kiện kinh tế còn khó khăn sau bão lũ nên lượng hàng chuẩn bị không tăng so với năm trước, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thiết yếu.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương các địa phương cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai các chuyến bán hàng Tết đến các khu vực dân cư chịu thiệt hại lớn của bão lũ với giá bình ổn và có hỗ trợ để giảm bớt khó khăn cho người dân.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2021 ước tính đạt 479,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,7%.

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 01 ước tính đạt 378,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 79% tổng mức và tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.

Để tạo nguồn cung cho Chương trình bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Yên Bái... tổ chức các Chương trình kết nối cung cầu với sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối tại hầu kết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Chương trình đã hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản cho các địa phương, đồng thời tạo nguồn hàng cho Chương trình bình ổn thị trường với giá hợp lý và ổn định trong dịp Tết.

Thực hiện Chỉ thị của Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương đã có các văn bản chỉ đạo và đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị Tết, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng; đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan trong công tác triển khai thực hiện kế hoạch Tết của địa phương.

Nhu yếu phẩm được cung cấp đầy đủ. Ảnh: Khánh Nam

Nhu yếu phẩm được cung cấp đầy đủ. Ảnh: Khánh Nam

Theo báo cáo của Sở Công Thương một số địa phương, công tác dự trữ chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán đã được các điạ phương, doanh nghiệp nghiêm túc triển khai, đặc biệt là chương trình Bình ổn thị trường (BOTT). Hiện đã có 55/63 tỉnh, thành phố có báo cáo về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, trong đó có 26 địa phương có kế hoạch/triển khai Chương trình BOTT.

Nhìn chung, lượng hàng hoá nói chung và hàng hoá thực hiện BOTT nói riêng dịp Tết Nguyên đán được chuẩn bị với số lượng dồi dào. Ước lượng hàng hoá tham gia BOTT tại các đại phương triển khai chương trình được tăng cường, chiếm khoảng 20-35% nhu cầu thị trường. Tại một số tỉnh, thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, UBND thành phố cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tăng lượng hàng hoá trong trường hợp có yêu cầu đột xuất hoặc các phương án cung ứng hàng nếu dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp trở lại.

Tại Thái Nguyên để đảm bảo lượng hàng hóa phục vụ tiêu dùng cho người dân vào dịp Tết, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các đơn vị sản xuất kinh doanh, thương mại sẽ căn cứ vào kết quả thực hiện Tết 2020 và dự báo mức tiêu dùng của nhân dân để chủ động chuẩn bị các mặt hàng tăng từ 10-20% so với các tháng trong năm. Cũng theo kế hoạch, tỷ lệ dự trữ đối với một số sản phẩm thiết yếu tăng nhưng không cao so với nhu cầu tiêu thụ hằng ngày, ví như gạo tẻ (tăng 5%); bánh, kẹo (tăng 30%); dầu ăn (tăng 30%); thực phẩm gồm thịt lợn, gà (tăng 5%)...

Nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ cho người dân mua sắm dịp Tết được bày bán tại các siêu thị trên địa bàn Tỉnh. Ảnh: Hoàng Cường

Nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ cho người dân mua sắm dịp Tết được bày bán tại các siêu thị trên địa bàn Tỉnh. Ảnh: Hoàng Cường

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng hàng hóa tiêu thụ chưa cao, sức mua có phần giảm sút so với cùng kỳ năm trước. Nắm bắt được điều này, lãnh đạo Tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu các đơn vị chức năng quan tâm và tạo mọi điều kiện cho các tiểu thương buôn bán trong dịp Tết Tân Sửu. 

Tại chợ Thái, Ban Quản lý chợ đã báo cáo với các cơ quan chức năng khái quát tình hình hoạt động kinh doanh tại chợ, những khó khăn, vướng mắc, những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động buôn bán, kinh doanh của các tiểu thương, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ tại chợ... trong dịp tết Nguyên đán.

Bà Nguyễn Thanh Hải, UVBCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiểm tra quầy hàng rau, quả tại chợ Thái. Ảnh: Kim Oanh

Bà Nguyễn Thanh Hải, UVBCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiểm tra quầy hàng rau, quả tại chợ Thái. Ảnh: Kim Oanh

Kiểm tra thực tế tại đây, bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đã chia sẻ với những khó khăn của Ban Quản lý cũng như các tiểu thương kinh doanh tại chợ Thái trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Bà Hải động viên các tiểu thương cố gắng khắc phục khó khăn, đồng thời đề nghị lãnh đạo các sở, ngành và thành phố Thái Nguyên quan tâm, nghiên cứu, đưa ra giải pháp hỗ trợ các tiểu thương, nhất là những hộ có hoàn cảnh khó khăn để ổn định đời sống.

"Các ngành chức năng và Ban Quản lý chợ Thái cần quan tâm hơn đến công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa bày bán tại chợ; chú ý làm tốt công tác vệ sinh môi trường trong và ngoài chợ; thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, trang bị đầy đủ nước rửa tay sát khuẩn đúng quy chuẩn, đẩy mạnh tuyên truyền cho các tiểu thương và người dân tự giác, chủ động đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tại nơi tập trung đông người... ", Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên yêu cầu.

Tìm hiểu tại các siêu thị lớn như Aloha Mart, Lan Chi Mart, Thành Đô, Minh Cầu... chúng tôi được biết, các đơn vị đã bắt đầu chuẩn bị nguồn hàng Tết từ giữa tháng 11-2020. Vì thế, thời điểm này, hàng Tết cơ bản đã được bày bán khá nhiều và đa dạng. Về số lượng thì năm nay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên các siêu thị nhận định sức mua của người dân sẽ không tăng đột biến, thậm chí có phần dè dặt hơn. Vì thế, các doanh nghiệp, siêu thị cũng chuẩn bị nguồn hàng với số lượng vừa phải thay vì tăng cao như trước đây.

Dương Lâm

Tin khác

NHNN đề nghị loạt Bộ, ngành cùng phối hợp để quản lý vàng

NHNN đề nghị loạt Bộ, ngành cùng phối hợp để quản lý vàng

(CLO) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản gửi các Bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản lý thị trường vàng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Nga xuất khẩu đồng sang Trung Quốc bằng cách dán nhãn “phế liệu”

Nga xuất khẩu đồng sang Trung Quốc bằng cách dán nhãn “phế liệu”

(CLO) Trong những tháng gần đây, Nga đã xuất khẩu thanh đồng mới sản xuất sang Trung Quốc dưới dạng đồng phế liệu - một con đường thương mại mới nhằm giúp Moscow trốn tránh các lệnh trừng phạt phương Tây và thuế xuất nhập khẩu ở cả hai nước, theo Reuters.

Thị trường - Doanh nghiệp
PNJ và Chủ tịch HĐQT Cao Thị Ngọc Dung vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai

PNJ và Chủ tịch HĐQT Cao Thị Ngọc Dung vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai

(CLO) Ngày 16/4, tại TP.HCM, công ty PNJ tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước ký quyết định. Đây là sự kiện quan trọng và ý nghĩa, ghi dấu hành trình 36 năm thành lập và kỉ niệm 20 năm cổ phần hoá PNJ.

Thị trường - Doanh nghiệp
Cam kết với khách hàng bằng chất lượng sản phẩm

Cam kết với khách hàng bằng chất lượng sản phẩm

(CLO) Đó chính là phương châm hoạt động, là mục tiêu hàng đầu của Công ty Cổ phần Cát Lợi (thuộc Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam). Đây là đơn vị chuyên kinh doanh, sản xuất cây đầu lọc, bao bì thuốc lá (nhãn và tút) và là doanh nghiệp uy tín cung cấp nguyên phụ liệu thuốc lá cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu trên cả nước.

Thị trường - Doanh nghiệp
PNJ đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 12% năm 2024, dự kiến chia cổ tức 20%

PNJ đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 12% năm 2024, dự kiến chia cổ tức 20%

(CLO) Sáng ngày 16/4, Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ) vừa tổ chức Đại Hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024 để thảo luận, đánh giá toàn diện và quyết định nhiều nội dung quan trọng như Báo cáo kết quả kinh doanh 2023; Kế hoạch kinh doanh 2024; Phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ năm 2023; Định hướng và mục tiêu năm 2024 cùng nhiều quyết sách quan trọng khác.

Thị trường - Doanh nghiệp