Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ đề xuất bốc thăm môn thứ 3 trong kỳ thi vào lớp 10 THPT
(CLO) Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh vào lớp 10 thuộc thẩm quyền của địa phương, Sở GD&ĐT sẽ tham mưa cho UBND các tỉnh để lựa chọn, chủ động đề xuất môn thi thứ 3.
Liên quan về dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có cập nhật mới.
Theo đó, nếu trước đây bộ quy định thi lớp 10 bắt buộc hai môn văn, toán và bốc thăm môn thứ 3. Hiện nay, quy định này đã không còn.
Theo đó, dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương.

Kỳ thi vào lớp 10 THPT sẽ do chính quyền địa phương quyết định phương thức và môn thi thứ 3 (ảnh Trinh Phúc).
Sở GD&ĐT tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt và lựa chọn phương thức.
Đối với việc tổ chức thi tuyển, để đảm bảo thống nhất và đảm bảo quan điểm kỳ thi nhẹ nhàng, không gây tốn kém, dự thảo Quy chế quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, gồm Toán, Ngữ văn và 1 môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do Sở GDĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn và được công bố trước ngày 31 tháng 3 hằng năm.
Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Việc lựa chọn môn thi thứ ba có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản.
Bài thi tổ hợp các môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Về thời gian thi, dự thảo Quy chế quy định Ngữ văn là 120 phút; Toán là 90 phút hoặc 120 phút; môn thi thứ ba là 60 phút hoặc 90 phút; bài thi tổ hợp là 90 phút hoặc 120 phút.
Nội dung thi tuyển sinh lớp 10 THPT nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, chủ yếu là chương trình lớp 9.
Dự thảo Quy chế cũng Quy định khung một số yêu cầu về việc ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi và công bố kết quả, điểm chuẩn, chế độ tuyển thẳng, chế độ ưu tiên… để bảo đảm chất lượng, an toàn trong tổ chức kỳ thi tại các địa phương.