Bộ Khoa học và Công nghệ nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Thứ bảy, 30/11/2019 13:25 PM - 0 Trả lời

(CLO) Ngày 30/11, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập và nhận Huân chương Lao động hạng Nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Bộ KH&CN, trong 60 năm qua, ngành KH&CN tiếp tục có những bước tiến quan trọng về mọi mặt, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và củng cố quốc phòng, an ninh. Hành lang pháp lý, cơ chế và chính sách quản lý KH&CN được chú trọng đổi mới, hướng đến tiệm cận với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế, tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Hệ thống pháp luật về KH&CN được hoàn thiện với 08 đạo luật chuyên ngành và nhiều văn bản cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp Bộ với mục tiêu tạo hành lang pháp lý đồng bộ và thuận lợi để thúc đẩy KH,CN và ĐMST.

Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Nghiên cứu cơ bản góp phần tăng cường tiềm lực nghiên cứu và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Số lượng các bài báo khoa học, công trình công bố quốc tế của Việt Nam tăng nhanh. Khoa học xã hội và nhân văn cung cấp cơ sở khoa học và luận cứ cho việc hoạch định, xây dựng các chủ trương, đường lối lớn của Đảng và Nhà nước và xây dựng các Văn kiện Đại hội Đảng; khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển và xây dựng đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tiềm lực khoa học và công nghệ được nâng cao: Nguồn lực tài chính từ xã hội và doanh nghiệp cho KH&CN ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Một số tổ chức KH&CN tiên tiến tầm quốc tế đã được thành lập cả ở khu vực công và tư. Nhân lực KH&CN, sau 60 năm hình thành và phát triển, đến nay, cả nước có 172.683 cán bộ tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Hạ tầng KH&CN đến nay, cả nước có nhiều  vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,  và khu công nghệ thông tin tập trung. Riêng 03 khu công nghệ cao quốc gia là Hòa Lạc, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã thu hút hàng trăm dự án đầu tư với số vốn hàng chục tỷ USD.  Hạ tầng thông tin KH&CN ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin phục vụ công tác quản lý và nghiên cứu, ứng dụng kết quả KH&CN.

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và phát triển thị trường công nghệ được triển khai thường xuyên dưới nhiều hình thức: Tham gia thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, tham gia các sự kiện kết nối cung - cầu công nghệ, chợ thiết bị và công nghệ… Nhiều tập đoàn lớn, công ty công nghệ hàng đầu thế giới (như Samsung, Intel, Nidec...) đã đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại Việt Nam.

Thủ tướng thăm gian hàng tại Lễ kỷ niệm

Thủ tướng thăm gian hàng tại Lễ kỷ niệm

Trong những năm gần đây, Việt Nam liên tục tăng vượt bậc trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng 2 bậc, năm 2019 tăng tiếp 3 bậc, xếp thứ 42 trên 129 quốc gia, đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 ASEAN.

Chính sách quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng hướng mạnh tới việc thúc đẩy hoạt động phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất - kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Công tác quản lý an toàn, bức xạ hạt nhân và ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ các ngành kinh tế - xã hội đã đóng góp thiết thực và hiệu quả cho phát triển đất nước và hội nhập. Hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN góp phần thu hút nguồn lực nước ngoài đầu tư cho KH&CN trong nước; hoạt động đàm phán và ký kết các văn bản hợp tác được tiếp tục thúc đẩy; tích cực tham gia chuẩn bị nội dung và đàm phán Hiệp định CPTPP và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Thúc đẩy sự hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, phát triển các công nghệ mới.

Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển KT-XH: Trong lĩnh vực nông nghiệp, KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, giao thông và xây dựng nhiều công trình nghiên cứu KH&CN đã được áp dụng thành công, tiêu biểu như: thiết kế, chế tạo giàn khoan tự nâng độ sâu 120 mét nước, làm chủ công nghệ tiên tiến trong xây nhà cao tầng, công nghệ xây dựng cầu theo phương pháp đúc hẫng, cầu dây văng, đường cao tốc, ga hàng không, bến cảng,..Trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng và công nghệ thông tin - truyền thông, KH&CN đã được ứng dụng mạnh mẽ, góp phần đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, bắt kịp trình độ hiện đại của thế giới.

Thủ tướng thăm một số gian hàng tại Lễ kỷ niệm

Thủ tướng thăm một số gian hàng tại Lễ kỷ niệm

Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, 87% các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được ứng dụng trực tiếp vào sản xuất. Nhiều vũ khí trang bị kỹ thuật đã tham gia các cuộc diễn tập hiệp đồng tác chiến, đáp ứng các yêu cầu tác chiến. Trong lĩnh vực y tế, kỹ thuật ghép tạng, nội soi can thiệp, điện quang can thiệp, y học hạt nhân, công nghệ tế bào gốc, an toàn truyền máu, hồi sức cấp cứu, vắc xin...

Trước những cơ hội và thách thức mới trong bối cảnh hội nhập toàn cầu để KH&CN thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước nhanh chóng ra khỏi nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình và cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, cần thực hiện các giải pháp đổi mới toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý KH&CN, phát triển tiềm lực và trình độ KH&CN, hợp tác  chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và địa phương, cộng đồng các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp, chủ động kết nối và hợp tác đối tác chiến lược với các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu

Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu

Theo Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh, trong giai đoạn phát triển mới, khi đất nước hội nhập toàn diện với thế giới và đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức trong bước đường phát triển, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục nỗ lực phát huy sức sáng tạo của nhân dân, nhiệt huyết nghiên cứu của cộng đồng các nhà khoa học, nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp. Đồng thời, tập trung phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các ban, ủy ban, bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và địa phương, cộng đồng các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh.

Hai là, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về kinh tế, thương mại, đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh để kích cầu công nghệ và nhu cầu đổi mới sáng tạo từ khu vực doanh nghiệp. Tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thông qua tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lập quỹ phát triển KH&CN, thành lập viện nghiên cứu, doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tăng cường hợp tác công tư trong triển khai các dự án công nghệ quy mô lớn và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

Ba là, đối với các trường đại học, cùng với đào tạo, nghiên cứu khoa học phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Quan tâm đầu tư kinh phí và cơ sở hạ tầng nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm, nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm xuất sắc trong các trường đại học. Đối với các viện nghiên cứu, thực hiện trao quyền tự chủ tối đa gắn với trách nhiệm giải trình, chịu sự đánh giá độc lập về kết quả hoạt động và công khai kết quả đánh giá. Thúc đẩy gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

Bốn là, tiếp tục đổi mới hoạt động quản lý KH&CN theo hướng dỡ bỏ các rào cản, giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo. Phát triển đội ngũ cán bộ khoa học mạnh, kết hợp đồng thời các biện pháp động viên, khuyến khích và đặt yêu cầu trở lại đối với nhà khoa học.

Năm là, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chung để tranh thủ nguồn lực và tri thức của các quốc gia tiên tiến, đồng thời từng bước nâng tầm năng lực và trình độ nghiên cứu trong nước. Thu hút, khai thác thế mạnh của đội ngũ các nhà khoa học tài năng là người Việt Nam ở nước ngoài.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ KH&CN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ KH&CN

Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước cho Bộ KH&CN vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng to lớn của Bộ KH&CN, các cán bộ quản lý khoa học công nghệ trong cả nước, trong dòng chảy lịch sử 60 năm qua của ngành KH&CN, nhiều tấm gương các nhà khoa học nổi tiếng nhà quản lý khoa học tiêu biểu có đóng góp quan trọng từ những giai đoạn đầu hình thành đặt nền móng cho khoa học công nghệ nước nhà phát triển như: Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Giáo sư Tạ Quang Bửu, nhà nông học Lương Định Của, bác sĩ Tôn Thất Tùng...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ KH&CN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ KH&CN

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, khoa học công nghệ ngày càng được quan tâm tạo điều kiện để phát triển, công tác quản lý nhà nước từng bước được đổi mới phù hợp và hiệu quả hơn, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Ngày nay, Việt Nam đang ở bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khoa học và công nghệ là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình, vươn lên để phát triển vì sự thịnh vượng của quốc gia của dân tộc.

Thực tiễn đã cho thấy nhiều nước giàu tài nguyên, ngược lại có những nước không có tài nguyên nhưng vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế cao. Yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt đó chính là khoa học vì nhân loại ngày càng khan hiếm tài nguyên tự nhiên để khai thác. Việt Nam cũng vậy, đó chính là chất xám, là sự sáng tạo của con người để tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Để Việt Nam tiếp tục phát triển thịnh vượng, phải tiếp tục đổi mới tư duy cũng như hành động một cách quyết liệt nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực. Đặc biệt là phát huy mạnh mẽ nguồn vốn trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam, tạo bước chuyển đổi về mặt chiến lược để  thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh; phải xác định tập trung vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đó là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước, là lực lượng sản xuất trực tiếp là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế-xã hội và phải làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa Nhà nước và xã hội trong việc phát triển khoa học công nghệ trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là yêu cầu trọng trách to lớn đối với Bộ Khoa học và  Công nghệ và đội ngũ cán bộ quản lý. Cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khơi dậy sự đam mê nghiên cứu sức sáng tạo hành động mạnh mẽ quyết liệt để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ nước nhà trong thời gian tới. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm một số gian hàng tại Lễ kỷ niệm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm một số gian hàng tại Lễ kỷ niệm

Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm còn diễn ra triển lãm "Thành tựu 60 năm ngành Khoa học và Công nghệ" với 2 khu vực: Khu vực thứ nhất gồm 55 gian hàng của các doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ tiêu biểu, có nhiều thành tích trong hoạt động khoa học và công nghệ, có sản phẩm, dịch vụ đã được ứng dụng thành công tập trung vào các lĩnh vực: cơ khí chế tạo, điện tử viễn thông, y dược...

Các doanh nghiệp tham gia triển lãm đều phát triển dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học và công nghệ  mang lại bước phát triển nhanh và bền vững. Khu vực thứ hai trưng bày lịch sử, truyền thống phát triển của khoa học và công nghệ theo từng giai đoạn để khách tham quan hình dung toàn bộ chặng đường phát triển của ngành thông qua những dấu mốc quan trọng./.

Gia Nguyên

Tin khác

Cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT

Cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT

(CLO) Sáng 29/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp phiên thứ 10 của Ban Chỉ đạo.

Tin tức
Cần 'vừa làm, vừa hoàn thiện' các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp

Cần "vừa làm, vừa hoàn thiện" các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp

(CLO) Tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp năng lượng quốc tế, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, cùng với quá trình triển khai dự án, các bên liên quan cần "vừa làm, vừa hoàn thiện" các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp, xác định giá điện, giải pháp xây dựng lưới điện truyền tải...

Tin tức
Đề nghị WB tăng tài trợ vốn cho Việt Nam vào những dự án trọng điểm quốc gia

Đề nghị WB tăng tài trợ vốn cho Việt Nam vào những dự án trọng điểm quốc gia

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị WB tăng tài trợ vốn cho Việt Nam, tập trung vào những dự án trọng điểm quốc gia, quy mô lớn như các dự án về: Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển giao thông chiến lược, đường sắt đô thị, năng lượng tái tạo, truyền tải điện, nông nghiệp thông minh...

Tin tức
Đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, cấp phép sản xuất cho doanh nghiệp

Đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, cấp phép sản xuất cho doanh nghiệp

(CLO) Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến, báo cáo Thủ tướng giải pháp với đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

Tin tức
Xác định rõ sản phẩm đầu ra của Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Xác định rõ sản phẩm đầu ra của Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

(CLO) Về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý cần phải xác định rõ sản phẩm đầu ra của Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với những nội dung vượt thẩm quyền của các Bộ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Tin tức