Do vậy, để bộ lịch vừa có thể chuyển tải đến người xem những ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm được đúc kết từ những thế kỷ qua, ban biên tập nội dung nghiên cứu, cân nhắc các dị bản này để sử dụng cho ấn phẩm lịch một cách phù hợp.
Bên cạnh khâu biên tập nội dung, nét đặc sắc của bộ lịch Lục Vân Tiên còn được ghi nhận ở từng hình vẽ minh họa khác nhau, chuyển thể nội dung tập thơ một cách gần gũi, sống động nhất đến người xem.
Họa sĩ Hữu Hiếu chia sẻ: Trong suốt 2 năm thực hiện bộ lịch đã cùng với các cộng sự nghiên cứu, bám sát nội dung tác phẩm, định hình bố cục hình vẽ, trang phục cũng như không gian văn hóa Nam bộ, miền Trung bộ. Tiếp xúc sâu hơn tác phẩm Lục Vân Tiên, tất cả mọi người trong ban biên tập đều ấn tượng, nhất là đoạn thể hiện hình ảnh nghĩa hiệp của Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga hay những đoạn nghĩa tình, thể hiện đạo lý nhân văn sâu sắc của nàng Kiều Nguyệt Nga đến vị ân nhân cứu mạng mình là Lục Vân Tiên.
Ông Lê Thanh Hà, Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá bộ lịch mang ý tưởng độc đáo và rất có ý nghĩa. Đây không chỉ là ấn phẩm văn hóa thuần Việt, mang đậm màu sắc, văn hóa vùng đất và con người Nam bộ; đồng thời còn tôn vinh tính cách hào hiệp trượng nghĩa đã có từ đời xưa của dân tộc ta mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Được biết, Công ty phát hành 30.000 bloc phục vụ người tiêu dùng. Hy vọng bộ lịch bloc năm nay sẽ góp phần mang đến người xem những giá trị, nét văn hóa, đặc sắc của dân tộc Việt Nam.
Lục Vân Tiên là tập truyện thơ Nôm nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888), được sáng tác theo thể thơ lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ XIX, trong hoàn cảnh rất đặc biệt là nhà thơ bị mù khi mới 27 tuổi, vừa dạy học, vừa phải làm thuốc để kiếm sống và sáng tác. Cụ Đồ Chiểu không thể chép lại tác phẩm của mình mà chỉ đọc cho học trò, bạn bè và bà con nghe, rồi được truyền tụng trong cộng đồng và một số người ưa chuộng đã chép lại nên không tránh khỏi sự thêm bớt, chỉnh sửa.
Bản Nôm Lục Vân Tiên đầu tiên do Duy Minh Thị thu thập, đính chính và khắc in vào khoảng năm 1864, 1865. Bản phiên âm chữ quốc ngữ đầu tiên của Gustave Janneau in tại Sài Gòn năm 1867. Năm 1883, Abel de Michels cho xuất bản Lục Vân Tiên bằng ba thứ tiếng là Nôm, Quốc ngữ và Pháp. Một năm sau khi Nguyễn Đình Chiểu mất, Trương Vĩnh Ký đã thu thập, tham khảo các bản in trước đó và chỉnh lý công phu, cho xuất bản tại Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Sau này, truyện Lục Vân Tiên đã phổ biến rộng rãi khắp trong Nam, ngoài Bắc.