Bộ Tài chính đi đầu trong triển khai chuyển đổi số tại Việt Nam

Thứ tư, 26/09/2018 20:17 PM - 0 Trả lời

(CLO) Sáng 26/9, tại Hà Nội, Hội thảo - Triển lãm Vietnam Finance 2018 do Bộ Tài chính và Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) phối hợp tổ chức đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai. Cùng dự có lãnh đạo các bộ ngành, doanh nghiệp CNTT trong nước và quốc tế.

Vietnam Finance là hội thảo và triển lãm công nghệ được tổ chức thường niên, có uy tín và tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực tài chính. Đây là diễn đàn công nghệ thông tin (CNTT) uy tín hàng đầu trong lĩnh vực tài chính công, nơi kết nối và chia sẻ thông tin hiệu quả liên quan đến các giải pháp CNTT phục vụ công tác nghiệp vụ trong ngành Tài chính.

Với chủ đề “Chuyển đổi số trong ngành Tài chính”, Vietnam Finance 2018 đã giới thiệu về lộ trình đầu tư, lộ trình thực hiện công tác chuyển đổi số ngành Tài chính, cũng như trao đổi kinh nghiệm, phương hướng áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến trong nước và quốc tế giúp tăng cường hiệu quả, minh bạch trong quản lý tài chính, hướng đến nền tài chính số tiên tiến, hiện đại, phục vụ đắc lực cho nền kinh tế số.

Báo Công luận
 Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu khai mạc Vietnam Finance 2018. Ảnh: Bộ Tài chính

Phát biểu khai mạc Vietnam Finance 2018, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho rằng, các Chính phủ trên toàn cầu hiện đang nhận ra tầm quan trọng của Chính phủ số, bước phát triển cao hơn tiếp theo sau Chính phủ điện tử. Chính phủ số đầu tư vào các công nghệ mới thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 để hợp lý hóa hoặc loại bỏ các quy trình, từ đó cho phép Chính phủ có khả năng đổi mới công tác quản lý và dịch vụ công, mang lại tính hiệu quả, hiệu lực cao hơn cho Chính phủ.

Là đơn vị nhiều năm dẫn đầu về ứng dụng CNTT trong khối các cơ quan Chính phủ, Bộ Tài chính đã tiên phong triển khai ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực Tài chính - Ngân sách. Bộ Tài chính đang chủ động áp dụng các thành quả công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng nền tảng quản trị thông minh, cung cấp các dịch vụ tài chính thông minh, tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số.

“Bộ Tài chính đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành xây dựng Tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, bền vững, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở và hệ sinh thái tài chính số. Ngành Tài chính đóng vai trò kiến tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định.

Từ định hướng trên, Bộ Tài chính xác định năm 2018 là năm khởi đầu, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số ngành Tài chính trong một chương trình, mục tiêu dài hạn.

Ngay từ đầu năm 2018, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp tổ chức triển khai ứng dụng CNTT toàn ngành Tài chính nhằm tiếp cận một cách nhanh nhất với cách mạng công nghiệp 4.0 như: Áp dụng công nghệ ảo hóa máy chủ nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư phần cứng; triển khai công nghệ phân tích dữ liệu lớn; bước đầu ứng dụng công nghệ mạng xã hội, công nghệ di động trong việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thuế điện tử, hải quan điện tử, hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển, hệ thống một cửa quốc gia hải quan ASEAN… Ngành Tài chính đã bước đầu tiếp cận với giai đoạn phát triển đầu tiên của Chính phủ số, đó là giai đoạn xây dựng Chính phủ điện tử và Tài chính điện tử.

Để ngành Tài chính thực hiện chuyển đổi số thành công, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho rằng cần phải làm rõ được các yêu cầu về nghiệp vụ gắn với giải pháp ứng dụng CNTT, định hướng đối với hoạt động ứng dụng CNTT của Bộ Tài chính trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như xu hướng ứng dụng công nghệ 4.0 trên thế giới và bài học kinh nghiệm của các nước…

Phát biểu tại phiên khai mạc Vietnam Finance 2018, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, những gì Việt Nam cần phải hành động để chuẩn bị và chủ động thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 chính là quá trình chuyển đổi số, hay nói cách khác, tiến hành tốt việc chuyển đổi số sẽ giúp Việt Nam chủ động và thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 hướng tới một quốc gia số hay quốc gia thông minh. Chuyển đổi số phải được coi là sự phát triển về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất, cụ thể trong kinh doanh, đó là sự thay đổi về mô hình kinh doanh chứ không chỉ là thúc đẩy sản xuất hay mở rộng phạm vi kinh doanh.

Với những kết quả đạt được như trên, cùng sự quyết tâm của ngành Tài chính, đặc biệt là Lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng tin tưởng và mong rằng ngành Tài chính sẽ là một trong các ngành đi đầu trong triển khai chuyển đổi số tại Việt Nam, phù hợp với xu thế mới. Trước hết là chuyển đổi số ngay trong công tác quản lý nhà nước của ngành, như việc ứng dụng công nghệ số trong việc trả lời, giải đáp các thủ tục hành chính tự động; kiểm tra, giám sát, quản lý rủi ro, chống gian lận trong lĩnh vực thuế, hải quan, chứng khoán... Quan trọng hơn, ngành Tài chính cần xác định và thúc đẩy được vai trò của mình đối với xã hội.

Báo Công luận
 Hội thảo - Triển lãm Vietnam Finance 2018 thu hút hàng trăm đại biểu tham dự. Ảnh: Bộ Tài chính

Tại Vietnam Finance 2018, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp đã cùng thảo luận về yêu cầu của ngành Tài chính trong việc triển khai ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, triển khai Chính phủ điện tử, thực hiện chuyển đổi số. Qua đó, các tổ chức doanh nghiệp trong nước và quốc tế có cơ hội nắm bắt thông tin về kế hoạch triển khai của ngành Tài chính, để đề xuất tư vấn các mô hình, công nghệ và kinh nghiệm thực hành tốt nhất cho Bộ Tài chính.

Hội thảo Vietnam Finance 2018 bao gồm 1 phiên báo cáo toàn thể và 3 phiên chuyên đề với sự tham gia của 25 diễn giả trong nước, quốc tế, xoay quanh các chủ đề liên quan tới: “Chuyển đổi số trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước”, “Chuyển đổi số trong lĩnh vực Hải quan” và “Chuyển đổi số trong lĩnh vực Thuế”.

Vietnam Finance 2018 còn có khu vực triển lãm đem đến những trải nghiệm về các mô hình, các sản phẩm, giải pháp CNTT hiện đại giúp thúc đẩy tiến trình xây dựng nền tài chính số. Khách tham quan sẽ được trao đổi trực tiếp với những nhà cung cấp sản phẩm, thiết bị công nghệ hàng đầu thế giới xoay quanh vấn đề ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình chuyển đối số hiện nay.

PV

Tin khác

Vì sao Long Châu chỉ mở 2.500-3000 cửa hàng là dừng, trong khi dung lượng thị trường tới 60.000 cửa hàng?

Vì sao Long Châu chỉ mở 2.500-3000 cửa hàng là dừng, trong khi dung lượng thị trường tới 60.000 cửa hàng?

(CLO) Câu hỏi được cổ đông của FPT Retail (FRT) đưa ra về kế hoạch mở rộng đến 2.500 - 3.000 nhà thuốc là dừng lại trong khi dung lượng thị trường tới gần 60.000 cửa hàng. Như vậy liệu thị phần của Long Châu có quá ít ỏi?

Tài chính - Bảo hiểm
Nhà Đà Nẵng (NDN) sa đà đầu tư chứng khoán, lãi Quý 1/2024 sụt giảm gần 70%

Nhà Đà Nẵng (NDN) sa đà đầu tư chứng khoán, lãi Quý 1/2024 sụt giảm gần 70%

(CLO) CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (NDN) ghi nhận lợi nhuận Quý 1/2024 sụt giảm tới gần 70%. Công ty đang mang tới 30% tổng tài sản đi đầu tư chứng khoán.

Tài chính - Bảo hiểm
Thị trường chứng khoán Việt Nam có kịp “deadline” nâng hạng?

Thị trường chứng khoán Việt Nam có kịp “deadline” nâng hạng?

(CLO) Các ý kiến đánh giá, xác suất nâng hạng của thị trường Việt Nam là rất lớn, nhưng vấn đề là thời gian hoàn thiện khung pháp lý.

Tài chính - Bảo hiểm
BHXH Việt Nam tổ chức giao lưu trực tuyến về chính sách

BHXH Việt Nam tổ chức giao lưu trực tuyến về chính sách

(CLO) Ngày 17/4, BHXH Việt Nam tổ chức Giao lưu trực tuyến về chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên Cổng TTĐT BHXH Việt Nam. Theo đó, Chương trình đã kịp thời cung cấp thông tin, giải đáp khoảng 100 câu hỏi, ý kiến của các tổ chức, cá nhân trên cả nước về chính sách BHXH, BHYT và BHTN.

Tài chính - Bảo hiểm
Nhiều ngân hàng lọt top đổi mới, sáng tạo và kinh doanh hiệu quả năm 2024

Nhiều ngân hàng lọt top đổi mới, sáng tạo và kinh doanh hiệu quả năm 2024

(CLO) Theo nghiên cứu, gần 80% đại diện các ngân hàng xem đổi mới, sáng tạo là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của ngân hàng trong giai đoạn 10 năm tới, trong đó chú trọng vào đổi mới sáng tạo về công nghệ, quy trình và con người.

Tài chính - Bảo hiểm