Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Sẽ điều chỉnh, bổ sung các vùng động lực mới chứ không bó hẹp

07/01/2023 13:48

(CLO) Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong quá trình phát triển, nếu thấy đủ điều kiện sẽ điều chỉnh và bổ sung các vùng động lực mới để phát huy được tối đa tất cả các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của các vùng, các địa phương chứ không bó hẹp. 

Đề nghị phát triển đường sắt đô thị ngoài Hà Nội và TP HCM 

Phát biểu tại phiên thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sáng 7/1 tại Kỳ họp bất thường lần hai, Quốc hội khoá XV, đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (TP HCM) cho biết cần chú trọng đến 4 vùng kinh tế động lực, trong đó, cần quan tâm hơn đến phát triển đường sắt đô thị.

bo truong nguyen chi dung se dieu chinh bo sung cac vung dong luc moi chu khong bo hep hinh 1

Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (TP HCM).

Cụ thể, theo đại biểu Tuấn, trong 4 vùng kinh tế động lực thể hiện ở Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có 2 vùng là vùng kinh tế động lực phía Bắc và phía Nam trong đó TP HCM và Hà Nội là những cực phát triển, đường sắt đô thị trong hai thành phố này đã có hướng phát triển.

Tuy nhiên, đại biểu Tuấn cho rằng, các đô thị khác trong 4 vùng kinh tế động lực cũng cần được quan tâm phát triển đường sắt đô thị để kết nối với hạt nhân đang phát triển là TP HCM và Hà Nội. “Bốn vùng động lực này cần phải tính thêm bài toán phát triển đường sắt đô thị kết nối với 2 cực lớn là TP HCM với Hà Nội trong vùng động lực”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Đại biểu đoàn TP HCM thống nhất việc cần phải phát triển kinh tế theo trục Bắc - Nam, với hai hành lang quan trọng là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh ở phía Bắc và ở phía Nam là Mộc Bài - TP HCM - Bà Rịa - Vũng Tàu (có thông qua Bình Dương, Đồng Nai) phải gắn với kinh tế cửa khẩu. Từ đó, đại biểu đề nghị phải tính toán thêm về kinh tế mậu biên và cửa khẩu, vì kết nối kinh tế mậu biên và khu vực dọc biên giới, kinh tế biên giới cũng khá quan trọng, có sự giao thoa giữa giữa Việt Nam và các nước lân cận.

Đề cập đến các giải pháp, ông Trần Anh Tuấn tán thành với giải pháp thu hút các nguồn lực xã hội theo các phương thức xã hội hóa trong đó có hình thức PPP. Tuy nhiên, để thu hút các nguồn lực xã hội hóa theo phương thức này, đại biểu đề nghị cần điều chỉnh lại các lĩnh vực, các đối tượng điều chỉnh trong luật.

bo truong nguyen chi dung se dieu chinh bo sung cac vung dong luc moi chu khong bo hep hinh 2

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (Bắc Giang)

Xác định là 4 vùng động lực, sau đó có 4 cực tăng trưởng

Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) nêu: Trong dự thảo có nêu 3 hành lang kinh tế của khu vực phía Bắc, gồm hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và từng bước hoàn thành hành lang kinh tế Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội. Đại biểu cho rằng định hướng như trên chưa tương xứng với tiềm năng về mạng lưới giao thông trong khu vực.

Đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào quy hoạch định hướng phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Việc hình thành hành lang kinh tế này dựa trên cơ sở các tuyến đường bộ quan trọng và các tuyến đường sắt Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Quảng Ninh. Nếu hoàn thành, sẽ tăng cường liên kết vùng giữa các địa phương với các vùng phía Bắc, kết nối các hành lang kinh tế khác, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của cả nước.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị sớm ưu tiên đầu tư phát triển tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn tốc độ cao để kết nối liên vận quốc tế, tận dụng lợi thế sẵn có, tạo động lực phát triển cho khu vực phía Bắc, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.

Còn đại biểu Quốc hội Trần Quang Minh (Quảng Bình) cho biết, quy hoạch tổng thể quốc gia cần phải được xem là vấn đề mang tính tầm cỡ, lấy nội lực, thế mạnh của quốc gia, có tính quyết định.

Đặc biệt, đại biểu Minh cho rằng, quy hoạch cần lấy phương châm ưu tiên phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có hơn là ưu tiên xây dựng, hình thành các đoạn tuyến, hành lang mới; nhất là quy hoạch các sân bay, cảng biển cần phải thận trọng, tránh lãng phí, không hiệu quả và cần làm rõ hơn những định hướng liên kết của 6 vùng theo Nghị quyết đã đề ra.

bo truong nguyen chi dung se dieu chinh bo sung cac vung dong luc moi chu khong bo hep hinh 3

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, về hình thành và phát triển các vùng động lực, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay để lựa chọn một số địa bàn có vị trí, điều kiện thuận lợi nhất có cảng biển, cảng hàng không quốc tế, khu kinh tế ven biển, tiềm lực về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao, được kết nối với các cửa khẩu quốc tế… sẽ xác định ra 4 vùng động lực, sau đó có 4 cực tăng trưởng để ưu tiên cả về thể chế, nguồn lực để phát triển nhanh hơn, đóng góp nhiều hơn, tạo sự lan tỏa cho cả các vùng xung quanh và cho cả nước.

Đặc biệt, ông Dũng nêu rõ, trong quá trình phát triển, nếu thấy đủ điều kiện sẽ điều chỉnh và bổ sung các vùng động lực mới để phát huy được tối đa tất cả các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của các vùng, các địa phương chứ không bó hẹp. 

Về các hành lanh kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các hành lang kinh tế được lựa chọn gắn với các tuyến giao đường bộ cao tốc, đường sắt, kết nối với các đô thị, các trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng, các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn. Ưu tiên phát triển các hành lang kinh tế với các vùng động lực quốc gia, các hành lang kinh tế kết nối với hành lang kinh tế của khu vực và quốc tế có sự tính toán, gắn kết.

"Hôm nay, có nhiều đại biểu đề nghị bổ sung thêm một số tuyến hành lang thì chúng tôi sẽ nghiên cứu, nếu thấy phù hợp, chúng tôi sẽ báo cáo để bổ sung thêm một số hành lang khác", ông Dũng cho biết.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Sẽ điều chỉnh, bổ sung các vùng động lực mới chứ không bó hẹp
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO