Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Việt Nam vẫn có cơ hội rất lớn để phát triển kinh tế"

Thứ sáu, 12/02/2021 06:31 AM - 0 Trả lời

(CLO) Trao đổi với giới báo chí trước kỳ nghỉ Tết cổ truyền, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã chia sẻ một số quan điểm của mình về phát triển kinh tế trong năm 2021.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Việt Nam vẫn có cơ hội rất tốt để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Việt Nam vẫn có cơ hội rất tốt để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế.

2021 là năm đầu của nhiệm kỳ mới, Bộ trưởng có thể chia sẻ một số suy nghĩ của mình về  giải pháp, cơ chế để có những đột phá, phát triển cho năm bản lề này?

- Thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng, hội nhập quốc tế là một trong yêu cầu sống còn của quá trình hội nhập, phát triển. Chúng ta cần khai thác các vùng kinh tế chức năng, phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để trở thành trung tâm tài chính quốc tế.

Tôi đã từng đề nghị TP. HCM và Đà Nẵng phải tập trung lập đề án trở thành trung tâm tài chính quốc tế, bởi nếu chúng ta lại bỏ qua cơ hội một lần nữa, mà lần này không làm được thì không bao giờ chúng ta làm được.

Đây là thời cơ vàng, ngàn năm có một để chúng ta có thể thành lập được trung tâm tài chính quốc tế, vấn đề này tôi đã phát biểu nhiều lần và TP. HCM đang quyết tâm thực hiện.

Tôi đề nghị phải làm nhanh, thuê tư vấn lập đề án, có các cơ chế, thể chế riêng để báo cáo Bộ Chính trị để sớm hình thành, mang lại cơ hội rất to lớn cho đất nước.

Việt Nam đang có trong tay cơ hội "có một không hai" để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, đó là "thời kỳ dân số vàng". Phải tận dụng nhanh nhất cơ hội này cho phát triển, vì nếu không ta sẽ phải đối mặt với xu hướng già hóa dân số và thực trạng "già trước khi giàu". Phải hết sức khẩn trương đào tạo nguồn nhân lực, tận dụng ngay các nguồn nhân lực cho đầu tư phát triển đất nước.

Chúng ta cùng nhau suy nghĩ phải làm gì để chúng ta có thể tham mưu cho Đảng, Nhà nước thực hiện các mục tiêu, đưa đất nước chúng ta phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Trong quá trình triển khai, nếu có bất kỳ khó khăn, vướng mắc liên quan đến Bộ KH&ĐT, đề nghị các địa phương đừng ngần ngại, gửi ngay cho chúng tôi biết. Bộ KH&ĐT cam kết đồng hành cùng các địa phương, cùng các bộ ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, theo đúng tinh thần kiến tạo phát triển, hỗ trợ các địa phương tháo gỡ ách tắc của mình.

Yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2021 là rất nặng nề, nhưng "không có gì là không thể". Phải bước đi tiên phong với tầm nhìn mới và tư duy đổi mới sáng tạo; phải giữ một cái đầu lạnh để có thể tỉnh táo nhận định tình hình, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội.

Về đầu tư công, năm qua, tiến độ giải ngân khá chậm. Năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có giải pháp gì để thúc đẩy đầu tư công hiệu quả hơn không, thưa Bộ trưởng?

-Về đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiều lần nhắc đến việc đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Nhưng có lẽ lần này kiến nghị mạnh hơn là Việt Nam phải tập trung vào các công trình trọng yếu, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng tạo sự lan tỏa. Giai đoạn tới cần hoàn thành ngay một số trục giao thông chính như đường cao tốc Bắc - Nam.

Chúng tôi đã làm việc với Bộ Giao thông và thống nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, phải đặt mục tiêu đến năm 2025 chúng ta hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông từ Lạng Sơn cho đến Cà Mau, đây là mục tiêu rất lớn mà chúng ta đặt ra và phải làm, chắc chắn sẽ làm được, không thể chậm trễ hơn được nữa.

Thứ hai là đường ven biển cũng mở rộng không gian mới cho các địa phương phát triển kinh tế biển, trước tiên tập trung xây dựng hoàn thành toàn bộ đoạn từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Các tỉnh miền Trung rất dài, rất hẹp lại có 4 tuyến đường song song thì chúng ta có thể dùng đường cao tốc, Quốc lộ 1, đường sắt... do đó có thể làm một số đoạn và một số đoạn để sang 2026-2030.

Còn lại toàn bộ Đồng bằng sông Cửu Long từ Tiền Giang xuống Cà Mau, bọc sang Kiên Giang chúng ta sẽ cố gắng phát triển tuyến đường ven biển chạy bọc kín toàn bộ để các tỉnh này vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa có điều kiện để bứt phá và phát triển mạnh mẽ thời gian tới, đấy là quyết tâm Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang tham mưu để Chính phủ xây dựng như vậy.

Thưa Bộ trưởng, trong năm 2020, nền kinh tế đã chịu tác động rất lớn do đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn nhưng ngay trong những lúc khó khăn đó, thấy nổi lên vấn đề là nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn trụ vững và vẫn đóng góp lớn cho nền kinh tế. Bộ trưởng có nhận xét gì và theo Bộ trưởng, năm 2021, Bộ KH&ĐT sẽ có những chính sách gì mới hỗ trợ khối doanh nghiệp này?

-Khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng lớn mạnh, từng bước khẳng định là một động lực quan trọng của đất nước. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tư nhân lớn của Việt Nam được hình thành và dẫn đầu trong một số ngành lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Chúng ta có trách nhiệm quan tâm, hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, kết nối với các doanh nghiệp FDI và tận dụng hiệu quả các hiệp định FTA để đóng góp nhiều hơn cho phát triển đất nước.

Các sản phẩm thương hiệu Việt ngày càng lớn mạnh, các doanh nghiệp muốn lớn mạnh bắt buộc phải vươn ra thị trường quốc tế. Họ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định xã hội, góp phần nâng cao năng lực tự chủ, tự lực, tự cường, giải quyết công ăn việc làm cho phần lớn lao động trong nước, nhất là khu vực nông thôn.

Cần một tư duy mới, cách tiếp cận mới, nhanh chóng theo hướng tích cực, theo kịp xu thế thời đại, thay đổi tư duy quản lý từ chủ yếu là kiểm soát, xin phép sang chủ yếu phục vụ phát triển.

Hà Nguyễn (ghi)

Tin khác

Khánh Hòa xin thu hồi gần 3.000ha đất để xây 2 khu đô thị cao cấp

Khánh Hòa xin thu hồi gần 3.000ha đất để xây 2 khu đô thị cao cấp

(CLO) Ngày 28/3, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua 2 nghị quyết về danh mục các dự án cần thu hồi đất và danh mục dự án thu hồi đất để chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó có việc thu hồi đất cho 2 dự án khu đô thị cao cấp Tu Bông và Đầm Môn.

Bất động sản
TP HCM: Nâng cao chất lượng hoạt động của cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất để phát triển du lịch

TP HCM: Nâng cao chất lượng hoạt động của cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất để phát triển du lịch

(CLO) Văn phòng UBND TPHCM vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi về các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tại cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất nhằm phát triển ngành du lịch của thành phố.

Thị trường - Doanh nghiệp
Vietnam Airlines cung ứng hơn nửa triệu ghế dịp 30/4-1/5

Vietnam Airlines cung ứng hơn nửa triệu ghế dịp 30/4-1/5

(CLO) Nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch dịp nghỉ lễ 30/4, Vietnam Airlines sẽ cung ứng gần 560.000 ghế, tương ứng hơn 2.800 chuyến bay trên toàn mạng nội địa và quốc tế trong giai đoạn từ ngày 26/4 đến 2/5.

Thị trường - Doanh nghiệp
Chứng khoán 28/3: Nhà đầu tư tranh mua Techcombank

Chứng khoán 28/3: Nhà đầu tư tranh mua Techcombank

(CLO) Trong phiên chứng khoán 28/3, cổ phiếu TCB của Techcombank trở thành tâm điểm khi được nhà đầu tư tranh nhau mua vào.

Tài chính - Bảo hiểm
Tập đoàn Heraeus (Đức) nghiên cứu đầu tư dự án tại Thái Bình

Tập đoàn Heraeus (Đức) nghiên cứu đầu tư dự án tại Thái Bình

(CLO) Tiếp tục chương trình trong chuyến công tác xúc tiến đầu tư tại CHLB Đức, đoàn công tác của tỉnh Thái Bình do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Thận làm trưởng đoàn đã tới thành phố Frankfurt, CHLB Đức và có buổi làm việc với Tập đoàn Heraeus.

Kinh tế vĩ mô