Bộ Y tế cần có đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội

22/10/2024 15:15

(CLO) Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, trong luật cần có điều khoản quy định, Bộ Y tế có đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội, tiếp nhận thông tin, kiểm tra tính chính xác hay giả mạo của thuốc quảng cáo.

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sáng 22/10 trong chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan tâm đến kinh doanh dược phẩm qua thương mại điện tử.

bo y te can co don vi chuyen trach chong thuoc gia mao tren cac mang xa hoi hinh 1

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Chỉ cần gửi tin nhắn Zalo đến nhà thuốc thì ngay lập tức sẽ có thuốc ship đến tận nhà

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tại điểm a khoản 3 Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 6 về kinh doanh dược phẩm qua thương mại điện tử tại dự thảo Luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định bổ sung thêm các tiêu chí kiểm soát để bảo đảm chất lượng thuốc khi giao dịch theo phương thức kinh doanh dược qua thương mại điện tử.

Theo đại biểu Nguyễn Tâm Hùng lý giải: "Với sự phát triển của thương mại điện tử, các quy định này sẽ bảo đảm việc giao dịch thuốc trực tuyến được kiểm soát nghiêm ngặt, tránh tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng".

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, bán thuốc online hiện nay gây nguy hại cho sức khỏe và những sản phẩm quảng cáo không phải là thuốc cũng gây bức xúc rất lớn, vì vậy ông hoàn toàn đồng ý cho việc bán thuốc bằng giao dịch điện tử như trong dự thảo.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu lấy ví dụ: Chỉ cần gửi tin nhắn Zalo đến nhà thuốc thì ngay lập tức sẽ có thuốc ship đến tận nhà. Việc cấm không được mà cần phải quy định chặt chẽ việc này.

bo y te can co don vi chuyen trach chong thuoc gia mao tren cac mang xa hoi hinh 2

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Cũng theo đại biểu đoàn Bình Định, điều đầu tiên khẳng định là những thuốc bán online phải được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, vì hiện nay rất nhiều thuốc xách tay như thực phẩm chức năng mang về bán online.

Thứ hai là các thuốc bán qua thương mại điện tử phải bao gồm thuốc không kê đơn (otc) và các thuốc theo đơn nhưng phải được cơ sở y tế kê trên hệ thống đơn thuốc điện tử, sổ khám bệnh điện tử và bệnh án điện tử.

Nhà thuốc được bán online cần đảm bảo tiêu chuẩn Bộ Y tế ban hành và thẩm định cấp phép, nên bắt đầu thử nghiệm ngay tại các nhà thuốc của bệnh viện đã triển khai đầy đủ bệnh án điện tử.

"Tôi nghĩ ngay sau khi Luật Dược (sửa đổi) thông qua, nếu Bộ Y tế có thông tư hướng dẫn, chắc chắn các bệnh viện sẽ triển khai được, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như hạn chế tình trạng lộn xộn như hiện nay và theo chiều ngược lại không quản lý được thì cấm khiến rất nhiều người sẽ bị vi phạm pháp luật khi luật có hiệu lực", ông Hiếu nói.

Đặc biệt, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, trong luật cần có điều khoản quy định, Bộ Y tế cần có đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội, tiếp nhận thông tin, kiểm tra tính chính xác hay giả mạo của thuốc quảng cáo. "Những bác sĩ bị sử dụng hình ảnh quảng cáo thuốc không đúng chất lượng trên thực tế hiện nay rất nhiều, không biết cách báo cho ai và làm cách nào để chấm dứt tình trạng này.

Những thuốc quảng cáo sai, không đúng sự thật phải công khai cho người dân biết, tra cứu trên các trang web, app ứng dụng của chính đơn vị này của Bộ Y tế. Có như vậy chúng ta mới giảm được tình trạng sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc tràn lan trên mạng xã hội, có cơ chế phối hợp giữa Bộ Y tế, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương và Bộ Công an để xử lý các vi phạm về quảng cáo thuốc", ông Hiếu nhấn mạnh.

bo y te can co don vi chuyen trach chong thuoc gia mao tren cac mang xa hoi hinh 3

Bà Đào Hồng Lan - Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Không phải "mở tung" cho tất cả các loại thuốc

Giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, bà Đào Hồng Lan - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, vấn đề kinh doanh thương mại điện tử đối với thời đại hiện nay là một điều vô cùng cần thiết, trong thực tiễn cũng còn khoảng trống pháp lý, đặc biệt là đối với mặt hàng đặc thù như thuốc. Chính vì vậy, trong dự thảo luật chỉ cho phép việc kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến để xác định rõ được pháp nhân phải chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan còn có thêm các quy định về điều kiện kinh doanh loại thuốc, đối tượng được tham gia mua bán, vấn đề bảo mật thông tin người mua, vấn đề truy xuất nguồn gốc, vấn đề quản lý chất lượng, quản lý giá thuốc, vấn đề tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, quy trình giao thuốc, vận chuyển, trách nhiệm của người thực hiện kinh doanh thương mại điện tử. Điều kiện này để đáp ứng về mặt cơ sở pháp lý trong một loại hình kinh doanh.

"Chúng tôi nói đây là loại hình kinh doanh, các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh thương mại điện tử vẫn là những doanh nghiệp đang thực tế hoạt động, có giấy phép đáp ứng đầy đủ các quy định về kinh doanh dược, không phải chúng ta mở tung cho tất cả các loại thuốc, kể cả thuốc không đăng ký lưu hành, còn những chỗ nào sai quy định thì chúng ta có các cơ quan để xử lý. Điều kiện của chúng ta là chỉ quy định đối với những doanh nghiệp đã có giấy phép, loại hình kinh doanh thì có thể mở rộng thêm một loại hình nữa nhưng chúng ta phải quản lý được", Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bộ Y tế cần có đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO