Bóc lột trong kỷ nguyên số: Từ lừa đảo trực tuyến đến buôn người xuyên quốc gia
(CLO) Các hình thức lừa đảo trực tuyến và nạn buôn người thông qua nền tảng số đã gia tăng đáng kể, trở thành các hoạt động tội phạm xuyên quốc gia với mức độ tinh vi cao.
Bất chấp nhiều nỗ lực nhằm chống lại những tội ác này, các nguyên nhân như khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự phụ thuộc vào công nghệ số và những yếu tố tâm lý chưa được giải quyết một cách đầy đủ.
Quy mô của lừa đảo trực tuyến
Chỉ trong chưa đầy một thập kỷ, lừa đảo trực tuyến đã chuyển từ các email giả mạo sang các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia tinh vi. Năm 2024, người tiêu dùng Mỹ thiệt hại gần 12,5 tỷ USD vì gian lận trực tuyến, tăng 27% so với năm trước. Europol cho biết hơn 60% tội phạm có tổ chức ở châu Âu hiện nay là tội phạm mạng.
Tại Đông Nam Á, nhiều đường dây lừa đảo gắn với nạn buôn người. Nạn nhân, cả trong và ngoài khu vực, bị dụ dỗ bởi quảng cáo việc làm giả mạo, sau đó bị đưa tới Lào, Campuchia hoặc Myanmar, giam giữ và ép buộc lao động trong các khu phức hợp lừa đảo.
Liên hợp quốc ước tính năm 2023 có khoảng 220.000 người bị cưỡng bức tham gia các hoạt động này ở Campuchia và Myanmar. Nhiều nạn nhân, bao gồm cả người nước ngoài, bị dụ dỗ bởi các quảng cáo tuyển dụng giả mạo hứa hẹn mức lương cao trong các công việc tiếp thị kỹ thuật số hay chăm sóc khách hàng.
Chính sách hiện hành và những hạn chế
Trước sự gia tăng của tội phạm mạng và nạn buôn người, nhiều quốc gia đã ban hành luật mới và đẩy mạnh hợp tác đa phương. Tại Anh, Đạo luật An toàn Trực tuyến (2023) quy trách nhiệm cho các nền tảng kỹ thuật số trong việc kiểm soát nội dung có hại và lừa đảo. Ở Đông Nam Á, Singapore thông qua Đạo luật Tội phạm Trực tuyến (2023), cho phép chính phủ yêu cầu gỡ bỏ nội dung lừa đảo.
Philippines sửa đổi Luật Chống Buôn người (2022) để hình sự hóa các hành vi tuyển dụng giả mạo qua mạng. Indonesia tăng cường truy quét tội phạm số với sự phối hợp giữa cảnh sát, Bộ Truyền thông và Cơ quan Dịch vụ Tài chính (OJK), đồng thời mở rộng vai trò quân đội trong không gian mạng qua sửa đổi Luật TNI về các "Chiến dịch Quân sự Phi Chiến tranh".
Ở cấp khu vực, Công ước ASEAN về Chống Buôn người (ACTIP) đã được cả 10 thành viên phê chuẩn, tạo nền tảng pháp lý cho hợp tác và bảo vệ nạn nhân. Tuy nhiên, việc thực thi còn thiếu đồng bộ, đặc biệt tại những quốc gia bất ổn như Myanmar, nơi các mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia dễ dàng lợi dụng kẽ hở pháp lý.
Các yếu tố kinh tế làm tăng tính dễ tổn thương
Suy thoái kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19 là một yếu tố thúc đẩy gia tăng tội phạm xuyên quốc gia. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng GDP toàn cầu giảm từ 3,5% (2022) xuống còn khoảng 3,2% trong giai đoạn 2023–2025, ảnh hưởng nặng nề tới các nước đang phát triển. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp thanh niên toàn cầu đạt 13% năm 2023, cao hơn mức trước đại dịch, đặc biệt tại Đông Á, Đông Nam Á và Trung Đông.
Ở Myanmar, Campuchia và Lào, bất ổn kinh tế - chính trị làm suy giảm cơ hội việc làm ổn định, khiến nhiều người rơi vào bẫy lừa đảo. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cảnh báo tăng trưởng khu vực tiếp tục chậm do chính sách thuế quan của Mỹ, căng thẳng địa chính trị và đà giảm từ kinh tế Trung Quốc.
Việc Mỹ cắt giảm viện trợ cũng ảnh hưởng lớn đến các trại tị nạn ở Thái Lan. Hai trại Mae La và Umpiem Mai, gần khu lừa đảo Shwe Kokko, hiện có hơn 44.000 người. Nếu chỉ 1% trong số này bị lôi kéo vào các hoạt động bất hợp pháp, con số cũng đã gần 500 người.
Phụ thuộc kỹ thuật số và rủi ro đi kèm
Sự phụ thuộc ngày càng lớn vào công nghệ số khiến người dùng dễ trở thành mục tiêu của tội phạm mạng. Mặc dù tỷ lệ tăng trưởng người dùng Internet toàn cầu chỉ khoảng 2% mỗi năm, hành vi sử dụng mạng đã thay đổi đáng kể sau đại dịch, khi làm việc, học tập và giao dịch tài chính trực tuyến trở thành thói quen phổ biến. Tội phạm mạng đang lợi dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo sinh (GenAI) để tạo ra các nền tảng giả mạo, từ cổng tuyển dụng, dịch vụ ngân hàng đến tổng đài hỗ trợ, với mức độ tinh vi ngày càng cao.
Tại Philippines, hơn 23.000 vụ án liên quan đến lừa đảo, đánh cắp danh tính và tin tặc đã được ghi nhận trong giai đoạn 2022–2024. Thái Lan chứng kiến mức tăng 112% tin nhắn và cuộc gọi lừa đảo trong năm 2024. Ngay cả Singapore, nơi có dân trí số cao, cũng ghi nhận nhiều vụ lừa đảo liên quan đến các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt ở khu vực Tam giác Vàng.
Yếu tố tâm lý và thiên kiến nhận thức
Bên cạnh yếu tố kinh tế và công nghệ, tâm lý con người cũng là điểm yếu bị tội phạm mạng và buôn người khai thác triệt để. Theo Lý thuyết Triển vọng của Kahneman và Tversky, con người thường ra quyết định thiếu lý trí trong điều kiện bất định, dễ bị chi phối bởi nỗi sợ mất mát hơn là mong muốn đạt được. Vì vậy, các chiêu trò lừa đảo thường tạo cảm giác cấp bách, khan hiếm hoặc đe dọa để khiến nạn nhân phản ứng theo bản năng.
Thiên kiến nhận thức như “thiên kiến quyền lực” cũng bị lợi dụng, khi người ta tin tưởng hơn vào thông tin từ nhân vật có vẻ uy tín, chẳng hạn như mạo danh công an, cán bộ hay nhân viên điện lực. Trong các mạng lưới buôn người, thay vì bắt cóc, chúng ngày càng sử dụng các mối quan hệ giả mạo, dụ dỗ bằng lời hứa tình yêu, cộng đồng hoặc công việc ổn định để đánh vào lòng tin của nạn nhân.
Cần một tiếp cận toàn diện
Rơi vào bẫy lừa đảo không phải là do thiếu hiểu biết, mà nhiều khi là hệ quả của thao túng cảm xúc và niềm tin đặt nhầm chỗ. Việc xây dựng khả năng đề kháng số không chỉ là nhu cầu cá nhân, mà là một ưu tiên an ninh quốc gia trong kỷ nguyên số.
Sự gia tăng của tội phạm mạng và buôn người không thể tách rời khỏi bối cảnh toàn cầu rộng lớn hơn. Tăng trưởng kinh tế trì trệ, sự phụ thuộc vào kỹ thuật số và tổn thương tâm lý tạo nên điều kiện hoàn hảo cho sự bóc lột. Để giải quyết, cần một cách tiếp cận toàn diện, kết hợp giữa thực thi pháp luật và các chính sách xã hội.
Các quốc gia cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo việc làm cho thanh niên và nhóm dễ bị tổn thương. Đầu tư vào giáo dục, đào tạo nghề và hỗ trợ khởi nghiệp là yếu tố then chốt, bên cạnh việc mở rộng các chương trình an sinh như trợ cấp thất nghiệp, nhà ở và bảo hiểm y tế để giảm nguy cơ bị bóc lột.
Giáo dục kỹ năng số cũng cần được ưu tiên. Biết cách xác minh thông tin, nhận diện thủ đoạn lừa đảo sẽ giúp cộng đồng tự bảo vệ mình. Kỹ năng số không chỉ là sử dụng công nghệ, mà còn là khả năng đặt câu hỏi: “Liệu đây có thật không?”- thói quen tư duy phản biện cần được xây dựng.
Hợp tác quốc tế là chìa khóa để truy vết dòng tiền ẩn danh trong các giao dịch số và tiền điện tử. Các hiệp định khu vực như ACTIP cần được cập nhật để bao trùm cả bóc lột trên môi trường mạng. Bảo vệ cá nhân trước tội phạm số không chỉ là trách nhiệm riêng lẻ, mà là ưu tiên an ninh quốc gia.