Kinh doanh - Tài chính

Bóc trần chuỗi cửa hàng bán bánh mì 208.000 đồng ở sân bay: 'Ông trùm' nào đứng sau mô hình độc quyền giá cao'?

Ánh Dương 17/07/2025 14:55

(CLO) Không chỉ gây sốc với ổ bánh mì giá 208.000 đồng ở sân bay Nội Bài, hệ sinh thái F&B của “ông trùm hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn còn nổi tiếng với mô hình bán đồ ăn giá cao, đem về doanh thu hàng tỷ đồng mỗi ngày nhờ vị trí độc quyền và lượng khách khổng lồ tại các sân bay lớn.

Hệ sinh thái F&B của “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn và cú bắt tay Autogrill

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin một ổ bánh mì tại sân bay Nội Bài được bán với mức giá 7,9 USD, tương đương 208.000 đồng. Sau xác minh, đại diện Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài cho biết sản phẩm này được bán tại cửa hàng Big Bowl, tọa lạc khu vực cách ly tầng 3 nhà ga quốc tế T2. Loại bánh mì phản ánh là bánh mì kẹp thịt heo xá xíu nặng khoảng 200gram, sử dụng nguyên liệu thịt heo nhập khẩu từ Brazil, với mức giá được niêm yết công khai từ 132.000 đến 216.000 đồng, tùy loại.

bigbowl.jpeg
Quán phở Big Bowl: Một bát phở bán vài trăm nghìn, mỗi ngày kiếm vài tỷ

Mặc dù theo lý giải từ Cảng vụ hàng không miền Bắc, mức giá tại sân bay cao là do các chi phí cấu thành lớn, bao gồm chi phí thuê mặt bằng, logistics, vận hành… Tuy nhiên, thực tế mô hình vận hành của IPP Group lại đi theo hướng khác: phủ sóng toàn bộ chuỗi cung ứng F&B tại sân bay, định giá sản phẩm ở ngưỡng cao gấp nhiều lần bên ngoài, nhưng vẫn đông khách nhờ đặc quyền vị trí và sự hạn chế lựa chọn của hành khách.

Theo nhận định từ các chuyên gia, thành phần nguyên liệu được lựa chọn theo hướng “phô trương chất lượng nhập khẩu” thay vì tối ưu giá thành. Với giải trình của Big Bowl, bánh mì tại Nội Bài sử dụng thịt heo nhập khẩu từ Brazil. Một số chuyên gia thực phẩm nhận định, bản chất thịt heo Brazil chủ yếu là loại đông lạnh đại trà, chất lượng chưa chắc cao hơn nguyên liệu trong nước. Việc lựa chọn nguyên liệu nhập khẩu có thể giúp nhà hàng hợp thức hóa câu chuyện thương hiệu “ẩm thực quốc tế”, đồng thời giải thích được cho mức giá ‘hàng hiệu’ ở khu vực sân bay

Không chỉ có Big Bowl, dư luận từng nhiều lần bàn tán về mô hình kinh doanh tương tự tại hệ thống Two Tigers Noodles & Bar, nơi từng gây tranh cãi với hóa đơn bữa ăn 3 bát phở có giá gần 700.000 đồng, trà đá hơn 100.000 đồng. Điểm chung của các cửa hàng này là cùng nằm trong hệ sinh thái Autogrill VFS F&B – một liên doanh được thành lập từ năm 2013 giữa tập đoàn Autogrill (Italia) và Công ty Dịch vụ Thực phẩm và Đồ uống Việt Nam (VFS), doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái IPP Group của ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

fandb.jpeg

Theo báo cáo, mô hình này được phát triển với định hướng đưa các thương hiệu nhà hàng quốc tế như Burger King, Popeyes, Costa Coffee vào sân bay Việt Nam. Sau đó, Autogrill VFS F&B phát triển thêm các thương hiệu nội địa phục vụ du khách quốc tế như Big Bowl (món phở, bún), Two Tigers (phở, bún, món cuốn), Banh Mi Kep (bánh mì), Saigon Café, Hanoi Café… với mức giá “hàng hiệu” ngay tại sân bay.

Sở hữu vị trí độc quyền tại các khu vực cách ly quốc tế, check-in, sảnh đi của các sân bay lớn, hệ sinh thái F&B của ông Hạnh Nguyễn gần như không có đối thủ cạnh tranh. Theo tìm hiểu của báo Nhà báo & Công luận, từ năm 2015 đến 2019, doanh thu Autogrill VFS F&B tăng từ 500 tỷ đồng lên hơn 1.150 tỷ đồng, biên lãi gộp từng lên tới hơn 80%, lợi nhuận trước thuế hơn 280 tỷ đồng mỗi năm. Trung bình mỗi ngày, chuỗi này thu về hơn 3 tỷ đồng doanh thu và xấp xỉ 800 triệu đồng lợi nhuận.

Lợi nhuận khổng lồ từ mô hình “không cần quảng cáo”, hậu COVID-19 vẫn thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm

Điểm đặc biệt của mô hình kinh doanh này là gần như không phụ thuộc vào quảng cáo hay chi phí thuê mặt bằng như các chuỗi nhà hàng thông thường. Nhờ lợi thế vị trí tại sân bay, hành khách có nhu cầu cao và ít lựa chọn thay thế, chi tiêu thường vượt xa mặt bằng chung. Trung bình mỗi hóa đơn tại các cửa hàng như Big Bowl, Two Tigers, Banh Mi Kep đều dao động từ 200.000 đến 500.000 đồng.

hanhnguyen.jpeg
Hoá đơn gần 10 triệu với các đồ uống, món ăn bình dân nhưng có giá "hàng hiệu" được bán tại quán Big Bowl ở sân bay

Dữ liệu cho thấy trước đại dịch COVID-19, doanh thu Autogrill VFS F&B đạt đỉnh hơn 1.150 tỷ đồng vào năm 2019, lợi nhuận ròng gần 286 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận gộp lên tới 25%. Tuy nhiên, năm 2020–2021, khi hoạt động hàng không bị ngưng trệ, doanh thu của doanh nghiệp lao dốc không phanh, chỉ còn 85 tỷ đồng vào năm 2021, lỗ lũy kế 137 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu giảm còn 12 tỷ đồng.

Khi du lịch quốc tế phục hồi, hoạt động kinh doanh của hệ sinh thái F&B này cũng hồi sinh mạnh mẽ. Năm 2022, doanh thu Autogrill VFS F&B đạt gần 550 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 65 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng trở lại 77 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 266 tỷ đồng, bằng một nửa thời kỳ hoàng kim nhưng vẫn cao vượt trội so với mặt bằng chung ngành F&B.

Theo giới thiệu từ IPP Group, hệ sinh thái mà ông Johnathan Hạnh Nguyễn vận hành hiện có tới 17 công ty thành viên, 18 công ty liên doanh, liên kết, kiểm soát hơn 70% thị phần phân phối hàng hiệu quốc tế tại Việt Nam. Bên cạnh mảng thời trang xa xỉ, dịch vụ phi hàng không, đặc biệt là chuỗi F&B trong sân bay, tiếp tục đóng vai trò “máy in tiền” cho ông Hạnh Nguyễn.

Với vị thế “độc quyền mềm” tại các điểm đón khách quốc tế, mô hình kinh doanh này cho phép các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Hạnh Nguyễn bán sản phẩm giá cao nhưng không chịu áp lực chi phí quảng bá hay cạnh tranh trực tiếp. Ngay cả với sản phẩm đơn giản như bánh mì, doanh nghiệp cũng tạo lập được biên lợi nhuận cực lớn nhờ vị trí độc tôn.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bóc trần chuỗi cửa hàng bán bánh mì 208.000 đồng ở sân bay: 'Ông trùm' nào đứng sau mô hình độc quyền giá cao'?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO