Bởi chưa ai đi tù vì phá hoại di sản...

29/02/2020 07:00

(CLO) Chưa bao giờ tình trạng xâm hại, phá hoại di tích, di sản lạ ngang nhiên, trắng trợn như hiện nay. Tình trạng này diễn ra nhiều nơi, trong nhiều năm, nhưng đến nay vẫn không có dấu hiệu suy giảm. Có lẽ bởi chưa ai bị đi tù vì tội phá hoại di sản.

Đình Trùng Hạ (Ninh Bình). Ảnh chụp năm 2012.

Đình Trùng Hạ (Ninh Bình). Ảnh chụp năm 2012.

Qua báo chí, người ta nghe nhiều đến chuyện quan chức đi tù vì tham ô, tham nhũng nhiều; chuyện tội phạm buôn bán ma túy, cướp giật, trộm cắp đi tù cũng nhiều. Nhưng thử hỏi: Lần cuối cùng bạn nghe thấy chuyện bị đi tù vì phá hoại di tích, di sản là khi nào?

Đã có những văn bản pháp luật như Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi, bổ sung 2009, Bộ Luật Hình sự năm 2015, Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa… Tuy nhiên, việc xử phạt vẫn chưa đến nơi đến chốn, hiếm trường hợp bị xử lý hình sự hành vi xâm hại di tích.

Năm ngoái (2019), Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) có văn bản số 2009/BVHTTDL-DSVH tới UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương về việc tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Trong văn bản Bộ cũng đề nghị quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã, phường, thị trấn trong việc bảo vệ di tích trên địa bàn và cơ chế phối hợp quản lý giữa UBND cấp xã với tổ chức quản lý di tích hoặc người được giao trông coi di tích. Tăng cường tuần tra, canh gác kết hợp lắp đặt thiết bị bảo vệ nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm di tích.

...và đình Trùng Hạ bây giờ. Ảnh chụp năm 2020.

...và đình Trùng Hạ bây giờ. Ảnh chụp năm 2020.

Nhưng có vẻ như chế tài càng nhiều thì các hành vi lại càng nghiêm trọng hơn ở nhiều địa phương. Nhiều đình đền, miếu mạo đã bị “sơn đỏ choét như miếng thịt quay” (chữ của Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế) như nghi môn nội đền Vua Đinh (Ninh Bình); đền Gióng, đình Phú Mỹ, đình Kim Quan (Hà Nội); đình Văn Xá (Hà Nam) và mới đây là đình Trùng Thượng và đình Trùng Hạ (Gia Viễn, Ninh Bình); chùa Bối Khê, đình Lương Xã (Hà Nội) bị thay đổi kết cấu cũ để thay thế bằng vật liệu bê tông.

Gần đây thì có cầu ngói chợ Thượng có từ thời hậu Lê (thế kỷ 18) – Di tích cấp quốc gia, lợi dụng việc tu bổ mà các đường nét hàng trăm năm bị thay thế bằng đá giả nhìn như lăng mộ.

Xây dựng trái phép ở Tràng An. Ảnh: Phức Ngư/thanhnien.vn

Xây dựng trái phép ở Tràng An. Ảnh: Phức Ngư/thanhnien.vn

Di sản tầm cỡ thế giới cũng không ngoại lệ. Vùng lõi của di sản văn hóa – thiên nhiên thế giới Tràng An (Ninh Bình) được khuyến cáo phải bảo vệ nghiêm ngặt, thế nhưng chủ Khu di lịch sinh thái Thung Nham vẫn ngang nhiên xây dựng nhiều công trình  sai phép, lần chiếm đất trong vùng lõi di sản. Trước đó, cũng là Tràng An đã bị xâm hại bằng công trình trái phép ở khu vực núi Cái Hạ. Hòn Cặp Bè trên vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới do UNESCO công nhận 2 lần – thì bị đục phá, khoét sâu vào chân núi, v.v...

Dù các di tích có tuổi đời hàng trăm năm, hay di sản thiên nhiên kiến tạo sau hàng triệu năm đều bị phá hoại và đều có điểm chung không ai bị kết án, hay bị bỏ tù.

Thật kỳ lạ! Khi nhiều người bị pháp luật trừng phạt vì xâm hại tài sản, sức khỏe của người khác thì sẽ phải bị trừng phạt, thậm chí cách ly khỏi xã hội, thì có vô số những hành vi phá hoại lịch sử lại bình an vô sự.

Sẽ không chỉ con cháu chúng ta không được nhìn thấy vẻ đẹp của lịch sử mà ngay cả chính chúng ta cũng không được nhìn thấy chúng. Bởi chưa ai đi tù vì phá hoại di sản!

Tử Hưng

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bởi chưa ai đi tù vì phá hoại di sản...
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO