Bollywood phơi bày góc khuất trong cơn đại dịch

Thứ bảy, 08/05/2021 18:30 PM - 0 Trả lời

(CLO) Tuy từng được mệnh danh là ngành công nghiệp tỷ đô nhưng Covid-19 đã giáng một đòn mạnh mẽ vào tình hình hiện tại của showbiz Ấn Độ. Không những vậy, hậu quả của đại dịch đối với những người làm nghệ thuật còn có thể kéo dài đến tương lai.

Bollywood - một thị trường huy hoàng trong quá khứ

Kinh đô điện ảnh Ấn Độ được ghép tên từ "Hollywood" và "Bombay" (tên cũ của Mumbai). Bollywood đã có một thời kỳ thịnh vượng với số phim trung bình mỗi năm là 1.500 - 2.000 và bằng hơn 20 thứ tiếng khác nhau. Trong đó, tính riêng năm 2019 là 1.833 phim cùng mức định giá thị trường hơn 2,4 tỷ USD cũng năm đó.

Dữ liệu từ Statista cho thấy, tuy không thể bằng hai nền điện ảnh khác là Mỹ và Trung Quốc về giá trị định giá, nhưng số vé bán ra ở Bollywood vẫn đang dẫn đầu với  2,2 tỷ vé/năm từ năm 2007. Mumbai là thủ phủ của Bollywood với những xưởng phim quanh thành phố, nhưng hiện tại các nhà sản xuất đã bành trướng thị trường sang Chennai, Hyderabad,....

Bollywood là thị trường điện ảnh sôi động như những màn nhảy múa tưng bừng của lễ hội hay đám cưới trên màn ảnh.

Bollywood là thị trường điện ảnh sôi động như những màn nhảy múa tưng bừng của lễ hội hay đám cưới trên màn ảnh.

Cây bút Sabrina Ciolfi của tờ Oprah Daily đã trả lời cho câu hỏi tiêu đề “Điều gì khiến Bollywood trở nên đặc biệt?” bằng nhận định rằng, chính yếu tố từ các cảnh quay ca - múa - hát phức tạp, hòa quyện với giai điệu lãng mạn cùng bối cảnh ấn tượng đã giúp cho những bộ phim điện ảnh Ấn Độ có được sức hút riêng.

Tác giả này cũng cho biết, những vũ điệu và bài hát của Bollywood không bị ảnh hưởng bởi nhạc kịch Hollywood mà được mượn từ nhà hát cổ điển - nơi âm nhạc, ca hát và khiêu vũ đóng một phần quan trọng. Những đại cảnh như vậy luôn gây ấn tượng bởi sự hoành tráng và tôn vinh văn hóa người Ấn.

Deepika Padukone là nữ diễn viên đắt giá nhất Bollywood với thu nhập hàng triệu đô.

Deepika Padukone là nữ diễn viên đắt giá nhất Bollywood với thu nhập hàng triệu đô.

Về thu nhập của diễn viên và lợi nhuận của các bộ phim, trang Filmfare đã cung cấp danh sách những ngôi sao kiếm tiền giỏi nhất Bollywood. Deepika Padukone đứng đầu hạng mục nữ với 202.041 USD/phim, còn hạng mục nam là Akshay Kumar với 58 triệu USD/năm. Trong khi đó, Uri - tác phẩm điện ảnh lấy đề tài chiến tranh của đạo diễn Aditya Dhar - mang về lợi nhuận gấp 876% kinh phí đầu tư.

Những con số ấn tượng này bắt nguồn từ thói quen “nghiện” xem phim tại rạp của người Ấn, theo ông Dhruv Sinha - Giám đốc kinh doanh của công ty sản xuất phim bom tấn Reliance Entertainment. Cho nên, điều khiến cho các cụm rạp mọc lên như nấm, tập trung nhiều nhất ở thành phố Mumbai.

Hệ thống phòng chiếu ở Ấn Độ cũng rất đa dạng từ rạp đơn kiểu cũ, đến cụm rạp được hiện đại hóa và luôn thu hút khán giả mỗi ngày. Đây cũng là nơi thu hút các nhà quảng cáo mà theo Statista, năm 2019, lợi nhuận từ quảng cáo trong rạp chiếu phim khắp Ấn Độ là hơn 11 tỷ rupee (gần 150 triệu USD).

Tình cảnh thảm họa trong đại dịch

Theo Shibasish Sarkar - Giám đốc điều hành Reliance Entertainment, công ty sản xuất các bom tấn Sooryavanshi và 83 chia sẻ trên Hindustan Times hôm 19/4, tất cả những huy hoàng của Bollywood hoàn toàn thay đổi khi đại dịch ập đến. Định giá thị trường điện ảnh này sụt hơn 2/3 so với năm 2019. 

Cảnh thất nghiệp kéo dài của những người làm nghệ thuật từ đạo diễn, diễn viên đến ekip hậu kỳ, nhân viên đoàn phim đã không còn là chuyện hiếm. Tờ Hindustan Times đưa ra con số 75% lao động mất việc, gồm diễn viên nhí, nghệ sĩ trang điểm, vũ công, nhân viên đánh đèn đến kỹ thuật viên.

Tình cảnh vắng vẻ của các rạp phim đã khiến ngành công nghiệp tỷ đô của Ấn Độ lao đao trong đại dịch.

Tình cảnh vắng vẻ của các rạp phim đã khiến ngành công nghiệp tỷ đô của Ấn Độ lao đao trong đại dịch.

Nhiều người vì không thể ở lại Mumbai nên đành về quê để kiếm sống qua ngày bằng những công việc như bán rau, chăn nuôi gia súc, rửa xe với đồng lương ít ỏi. Sự hỗ trợ nhỏ giọt của nhà nước càng làm tình cảnh thêm thảm hại. Những người này chỉ còn biết phó mặc cho số phận.

Kirat Kaur, nữ diễn viên đang sống tại Oshiwara, sắp không còn khả năng trả tiền thuê nhà. Nguồn thức ăn cô dự trữ cũng cạn kiệt dần. Kirat chỉ biết cầu nguyện để sống sót.

Hai diễn viên Ashiesh Roy, Satish Kaul lại không được may mắn như vậy, khi họ phải sống cảnh lầm lũi, nghèo khổ, không nhà cửa, rồi qua đời vì bệnh tật.

Có một giai đoạn các nhà làm phim Ấn Độ đã khiên cưỡng trở lại công việc nhờ chính phủ nới lỏng các điều kiện hạn chế. Họ vẫn phải tuân thủ các quy tắc phòng dịch khắt khe như nguyên tắc 5K, mọi người trong đoàn đều phải mang mũ chống giọt bắn khi ghi hình và cấm các cảnh ôm hôn cũng như đại cảnh có sự tham gia của quần chúng đông đúc.

Tuy nhiên, giai đoạn này không kéo đài được lâu khi mà thảm kịch Covid-19 tái bùng phát. Các bộ phim đang quay phải bỏ dở, những dự án thiếu kinh phí cũng đắp chiếu dài hạn và nhiều bom tấn hoãn chiếu không hẹn ngày trở lại. Nguyên nhân là do các biện pháp phòng dịch đã không còn hiệu quả nữa.

Đạo diễn phim

Đạo diễn phim "Cô dâu 8 tuổi" Ram Vriksha Gaur về quê bán rau kiếm sống qua ngày.

Theo Hindustan Times, Bollywood đã lỗ 330 triệu USD trong 4 tháng đầu năm 2021. Nếu tính luôn từ đợt dịch mới tràn vào Ấn Độ, con số thiệt hại lên hàng tỷ USD, riêng thành phố Mumbai thiệt hại nặng nề nhất. Thêm vào đó, doanh thu rạp chiếu trong nước và quốc tế giảm tới 80% từ năm ngoái, tiền bản quyền phát sóng ghi nhận mức giảm 68%.

Góc khuất khiến Bollywood rơi vào thảm cảnh

Cuộc chơi trong ngành điện ảnh Ấn Độ tồn tại những quy luật riêng chỉ dành cho những người thuộc ba nhóm chủ yếu: Người gia nhập điện ảnh từ Punjab trong những năm 1940 - 1950; diễn viên, đạo diễn và biên kịch đã thành danh vào giai đoạn 1970; và con cháu của họ. Nói cách khác, cần phải có những mối quan hệ cá nhân để vươn lên ở Bollywood.

Các diễn viên trẻ, kể cả Taapsee Pannu, đều đã phải từ bỏ những dự án béo bở cho những người mà họ là “người trong cuộc” của Bollywood. Cô chắc rằng mình sẽ khó có tương lai nếu đóng chung với những tên tuổi như vậy. Và dù cảm thấy tổn thương cũng như bất công nhưng nữ diễn viên biết cô không thể thay đổi được gì.

Các nhà sản xuất ở Ấn Độ thường không bàn đến chuyện kịch bản. Vì chỉ cần trong bộ phim của họ có những ngôi sao sáng giá thì ở khía cạnh truyền thông và quảng cáo mọi thứ sẽ dễ thu hút hơn. Nhưng như vậy, đồng nghĩa với việc chất lượng chuyên môn của phim sẽ giảm vì dàn diễn viên chỉ đáp ứng được yêu cầu đẹp và nổi tiếng.

Những sao trẻ có tố chất như Taapsee Pannu cũng khó cạnh tranh với người trong cuộc vì những lỗ hổng của Bollywood.

Những sao trẻ có tố chất như Taapsee Pannu cũng khó cạnh tranh với người trong cuộc vì những lỗ hổng của Bollywood.

Thậm chí, khán giả Ấn Độ cũng không thường bàn đến chuyện chất lượng của một tác phẩm. Họ thích xem ngôi sao ca hát và nhảy múa, thay vì câu chuyện ý nghĩa, có nút thắt, có cao trào trong một phim điện ảnh. Điều này dẫn đến nhận định của Filmmakers Fans: "Ấn Độ bán những phim vô vị bằng cách đưa một hoặc nhiều siêu sao vào đó”.

Mặc khác, một lỗ hổng nữa còn tồn tại đó là hệ thống kiểm duyệt phim bị một bộ phận giới chuyên môn và người yêu điện ảnh xem là "cỗ máy vô dụng bị thao túng" của Ấn Độ. Nhà làm phim Prakash Jha, Raju Hirani, Hansal Mehta và Ashoke Pandit công khai chỉ trích cách tiếp cận kiêu ngạo và thiếu hiểu biết của Pahlaj Nihlani - Chủ tịch Hội đồng Chứng nhận Điện ảnh Trung ương thuộc Bộ Thông tin và Phát thanh - trong việc đánh giá các bộ phim.

Những góc khuất này chẳng phải ngẫu nhiên mà trở nên rõ ràng hơn trong đại dịch. Quy trình vận hành của Bollywood bị đem ra mổ xẻ cho thấy, tình trạng này đang ngày càng thêm phổ biến, kèm theo đó là những gạch đầu dòng mới.

Những tác phẩm như Bhool Bhulaiyaa 2 phải quay nhiều cảnh bên ngoài không gian rộng khiến virus lây lan nhanh hơn.

Những tác phẩm như Bhool Bhulaiyaa 2 phải quay nhiều cảnh bên ngoài không gian rộng khiến virus lây lan nhanh hơn.

Theo Hindustan Times, Bollywood không có nhiều studio chuyên biệt nên buộc các hãng chọn bối cảnh có sẵn là đa số địa danh nổi tiếng để ghi hình. Giữa mùa dịch bệnh, cách làm này vô tình khiến virus bị phát tán rộng hơn. Ê-kíp phim Maidaan, Bhool Bhulaiya 2, Gangubai Kathiawadi... có nhiều ca mắc Covid-19 chính là ví dụ điển hình.

Shibasish Sarkar - Giám đốc điều hành Reliance Entertainment, công ty sản xuất các bom tấn Sooryavanshi và 83 - hy vọng rằng năm nay ngành phim ảnh sẽ phục hồi nhưng chắc chắn sẽ rất chậm. Các phim dự kiến ra rạp tháng 4 sẽ được dời lại nửa cuối năm, và số khác phải đến năm 2022 mới phát hành.

Nhưng đó cũng chỉ là những ý kiến chủ quan của ông. Hiện tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ vẫn còn rất phức tạp, số ca nhiễm và số người tử vong mỗi ngày đều gia tăng do biến chủng  mới của virus đã trở nên nguy hiểm hơn. Tương lai của Bollywood cũng vì thế mà khó có thể phục hồi một sớm một chiều, trở lại thời kỳ hưng thịnh.

Khang Lâm

Tin khác

Hành trình 'ngược gió' đầy nỗ lực của 'đóa hoa mong manh'

Hành trình 'ngược gió' đầy nỗ lực của 'đóa hoa mong manh'

(CLO) Trong một bài phỏng vấn, khi nhắc đến hai chữ cơ duyên và điều tâm đắc nhất khi thực hiện Đóa hoa mong manh, đạo diễn – nhà sản xuất – diễn viên Mai Thu Huyền từng tiết lộ, chị cảm thấy khá hài lòng với những gì đã thực hiện được cho bộ phim.

Giải trí
'Lật mặt 7: Một điều ước' phá kỷ lục phim 'Mai' của Trấn Thành

'Lật mặt 7: Một điều ước' phá kỷ lục phim 'Mai' của Trấn Thành

(CLO) Hàng trăm khách mời đã đến tham dự sự kiện ra mắt phim "Lật mặt 7: Một điều ước"; phim của đạo diễn Lý Hải cũng xác lập kỷ lục phòng vé mới khi bán được 105.000 vé, đánh bại phim "Mai" của Trấn Thành.

Giải trí
Thực hư tin đồn Sơn Tùng M-TP sang Trung Quốc thi gameshow với Tạ Đình Phong

Thực hư tin đồn Sơn Tùng M-TP sang Trung Quốc thi gameshow với Tạ Đình Phong

(CLO) Mới đây, trên mạng xã hội bất ngờ rộ lên thông tin về các gương mặt nghệ sĩ sẽ tham gia gameshow đình đám "Call me by fire - Anh trai vượt ngàn chông gai" do phía Trung Quốc sản xuất. Đáng chú ý, trong số này có nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP đến từ Việt Nam.

Giải trí
Giới thiệu tới công chúng vở ballet đương đại nhân kỷ niệm Ngày châu Âu

Giới thiệu tới công chúng vở ballet đương đại nhân kỷ niệm Ngày châu Âu

(CLO) Nhân kỷ niệm Ngày châu Âu 9/5, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam sẽ giới thiệu tới công chúng vở ballet đương đại đặc biệt với âm nhạc từ tổ khúc huyền thoại “Bốn mùa”.

Giải trí
Hoa hậu Nguyễn Thanh Hà làm giám khảo Hoa hậu Môi trường Thế giới 2024

Hoa hậu Nguyễn Thanh Hà làm giám khảo Hoa hậu Môi trường Thế giới 2024

(CLO) Hoa hậu Nguyễn Thanh Hà vừa có chuyến công tác ở Ai Cập để đồng hành cùng cuộc thi Hoa hậu Môi trường Thế giới 2024. Cô cũng sẽ đảm nhận vai trò cầm cân nảy mực, tìm ra người xứng đáng với chiếc vương miện.

Giải trí