BOT Cai Lậy: Khủng hoảng truyền thông hay khủng hoảng niềm tin!?

Thứ năm, 07/12/2017 06:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Thủ tướng, lại là Thủ tướng trong buổi chiều muộn ngày 4/12 họp với lãnh đạo Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan và tỉnh Tiền Giang đã đưa ra quyết định “dừng thu phí tại BOT Cai Lậy trong một đến hai tháng” để xem xét. Quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được nhân dân ủng hộ, bởi cái nhanh chóng, quyết liệt ấy không làm mất đi sự cẩn trọng cần thiết, đủ tối ưu và “tốt cho tất cả”, giữa thời điểm nước sôi lửa bỏng.

1. Trên trang tìm kiếm Google, gõ từ khóa “BOT Cai Lậy” đã cho 611,000 kết quả, trong 0,50 giây. BOT Cai Lậy đi vào hoạt động từ 1/8, tới 15/8 thì xả trạm, tiếp tục thu phí trở lại vào 30/11 và xả chỉ sau đó 5 ngày. Như vậy, chỉ với 20 ngày hoạt động thu phí, BOT Cai Lậy đã nhận hơn 60 vạn lượt quan tâm của truyền thông. Nhìn ở khía cạnh truyền thông, có lẽ sự kiện BOT Cai Lậy sẽ đi vào lịch sử bởi sức ảnh hưởng sâu, rộng vượt xa những khủng hoảng trong giới showbiz vốn nhiều thị phi, lắm chiêu trò. 

Người xưa đã nói, “bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”. Trong sự cố BOT Cai Lậy, các bên có trách nhiệm trực tiếp là Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang và chủ đầu tư - Công ty Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang. Ngay từ đầu, Bộ và tỉnh Tiền Giang rất “ít nói”, thậm chí “nói tránh”, “đáp xoay”, thì ông Nguyễn Phú Hiệp – GĐ Công ty Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang (chủ đầu tư BOT Cai Lậy) luôn hăng hái trên mặt trận truyền thông.

Có thể thấy, phát ngôn của ông GĐ BOT Cai Lậy ngay từ đầu, đều thiếu sự tự vấn, lắng nghe ý kiến phản biện, để nhìn nhận một thực tế rằng: Người dân không tiếc 35 ngàn đồng qua trạm. Họ bất bình bởi không sử dụng dịch vụ mà buộc phải trả phí; Trạm được đặt ở vị trí tước đoạt đi quyền được lựa chọn dịch vụ của người dân…

Khi các tài xế phản ứng bằng “độc chiêu” tiền lẻ khiến giao thông khu vực BOT Cai Lậy ùn ứ, tắc nghẽn, báo chí lên tiếng ầm ĩ, thì giữa thời điểm “bão táp” nhất (ngày 15/8), ông Hiệp, người trước đó đã đề nghị các cơ quan chức năng, cơ quan công an vào cuộc, đã nói như thách thức: “Tài xế phản đối là việc của họ, còn việc của chúng tôi là thu phí”. Từ lúc này, báo chí lại tiếp tục đào sâu khoét rộng, phanh phui hàng loạt dấu hiệu vi phạm, sai phạm trong phê duyệt dự án, thực hiện dự án, triệt đường thu phí của ông.

Báo Công luận
BOT Cai Lậy rối loạn trong nhiều ngày qua. 

2. “Vin vào đâu, vào ai, những ngày này?”, đó là câu hỏi chất chứa trong biết bao người, ở những ngày BOT Cai Lậy mãi hoài Thu – Thu - Xả - Xả. Tỉnh, Bộ đã ở đâu khi nhân viên, bảo vệ trạm BOT và cánh tài xế tự phải rẽ ra hai bên bờ trận tuyến? 

“Vấn đề” của BOT Cai Lậy đã nhen nhóm từ trước ngày thu phí 1/8. Suốt 4 tháng, không một lãnh đạo nào của Bộ GTVT, tỉnh Tiền Giang nói thẳng vào cốt lõi: Ở đâu quyền được lựa chọn dịch vụ của người dân? Có hợp lý khi không đi đường vẫn phải đóng phí?

Sự “nói giảm”, “nói tránh” đã dẫn tới cuộc khủng hoảng niềm tin, khi các văn bản, giấy tờ liên quan tới việc công bố dự án; kêu gọi đầu tư; giới thiệu nhà đầu tư; hợp phần “tăng cường quốc lộ” xuất hiện;… Nhân dân chỉ biết lắc đầu, hoài nghi về dấu hiệu lợi ích nhóm, “Liên minh BOT” với những thành viên na ná BOT Cai Lậy, mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng vừa dốc lòng nói với cử tri Cần Thơ: Có một số dự án làm chưa đúng, còn sai sót ở vị trí đặt trạm thu phí, mức thu phí, thời gian thu phí...

Thế rồi, câu “họa từ miệng mà ra” lại thể hiện giá trị, khi không chỉ doanh nhân 9X Nguyễn Phú Hiệp “lỗi mồm”, mà chính lãnh đạo tỉnh Tiền Giang ngay trước cuộc họp với Thủ tướng về BOT Cai Lậy, đã chia sẻ nhiều ít tâm tư với báo chí. Rốt cuộc, vẫn ngồn ngộn dấu hiệu “đá” trách nhiệm, “chuyền ngược” về phía Thủ tướng. Suốt 4 tháng qua, hệ thống chính quyền Tiền Giang sao không họp bàn, đưa ra một đề xuất khả thi, rồi cho rằng việc quốc lộ là việc của… Bộ (!?)

Sai sót của Bộ GTVT rồi sẽ được làm rõ. Nhưng trách nhiệm của tỉnh Tiền Giang trong BOT Cai Lậy là lớn, là nghiêm trọng, không thể gọi là “nhận trách nhiệm” qua loa, bởi về quy trình đầu tư dự án BOT, địa phương là khởi điểm! Việc đề xuất, đồng thuận đối với phát sinh thêm hợp phần “tăng cường mặt đường quốc lộ” và phương án đặt trạm thu phí từ phía tỉnh Tiền Giang là có. Thực tế, các văn bản của tỉnh Tiền Giang, từ đề xuất, giới thiệu nhà đầu tư, đề nghị “phải kết hợp tăng cường mặt đường”,… đều đã được đăng tải đầy đủ trên báo chí.

Liệu rằng, những tâm tư như “né” trách nhiệm của tỉnh có cứu vãn được niềm tin của người Tiền Giang và nhân dân cả nước hay không, khi họ càng phát ngôn, lại càng chưa cho thấy sự dũng cảm, sòng phẳng về trách nhiệm trước Đảng, trước cử tri và nhân dân trong sự cố này (?)

Báo Công luận
 
Ngày 5/12, khi niềm tin chưa kịp được củng cố, thì một cuộc khủng hoảng truyền thông mới lại được nhen nhóm: GĐ Nguyễn Phú Hiệp đánh văn bản cho Chính phủ, Ban Tuyên giáo, Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ TTTT và tỉnh Tiền Giang. Văn bản đề nghị các cơ quan sớm điều tra làm rõ các hành vi gây rối, không để tình trạng đối tượng xấu lợi dụng báo chí kích động quần chúng, đồng thời cho biết sẽ có báo cáo về việc báo chí thông tin sai sự thật… Ông Hiệp lại quên rằng, các yêu cầu trên là công việc thường xuyên và liên tục của cơ quan quản lý nhà nước. Ông cũng quên điều cốt lõi nhất để vượt qua khủng hoảng: Lắng nghe và Sòng phẳng.

Ở đây, cả Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội đều rất công bằng, đều khẳng định chủ trương BOT là đúng đắn, là việc khoan thư sức dân – một quốc sách đã, đang và sẽ giúp dân tộc ta giữ nước, dựng nước suốt mấy ngàn năm qua.

Báo chí và nhân dân cũng sòng phẳng với BOT Cai Lậy một điều rằng, “từ chối dịch vụ” bằng thủ thuật “câu giờ”, gây ùn tắc, dù chưa vi phạm pháp luật, nhưng không bao giờ được hoan nghênh, cổ vũ! Và điều cấp bách nhất hiện tại của các bên, là lắng nghe và soi mình.

Mới 4/12 đây thôi, Thủ tướng có nhấn mạnh: Có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình, nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì chúng ta vẫn phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa chữa, như một bài học cho tất cả, về lòng dân.

Nên, ông Hiệp dù có là con ai, cũng chỉ “nhất thời”. Nhân dân mới “vạn đại”.❏

Đoàn Kiên Giang     

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn