“Thảm họa môi trường” trong vụ cháy Công ty Rạng Đông:

Bức xúc lên đỉnh điểm, niềm tin xuống đáy!

Thứ năm, 12/09/2019 09:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Việc chính quyền TP. Hà Nội nhấn mạnh việc ứng phó với sự cố cháy Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) là thành công với “4 tại chỗ” và “3 tốt”, hay “người dân không có bức xúc gì”,… dường như đã khiến bức xúc của người dân lên tới đỉnh điểm, niềm tin thì xuống đáy…

1. Trước đó, vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, ngày 28/8, được các chuyên gia đánh giá là “thảm họa môi trường”, do hàm lượng thủy ngân phát tán sau vụ cháy có thể lên tới 27,2 kg. Chất này phát tán vào không khí gây nguy hại cho sức khỏe con người, bán kính ảnh hưởng là 500m.

Tuy nhiên, cách phản ứng của chính quyền các cấp sau vụ việc cho thấy sự lúng túng, bất nhất khiến dư luận hoang mang, bức xúc. UBND phường Hạ Đình đưa ra cảnh báo ô nhiễm môi trường, nhưng sau đó quận Thanh Xuân vội vã kết luận môi trường an toàn, thậm chí còn “dọa” xử lý phường Hạ Đình vì ra thông báo không đủ cơ sở và không đúng thẩm quyền (!?).

Tiếp đó, tại họp báo Chính phủ chiều 4/9, Bộ TN&MT cho biết tại điểm quan trắc không khí trong khuôn viên Công ty Rạng Đông và nhà kho bị cháy, giá trị thủy ngân cao vượt ngưỡng từ 10 - 30 lần (ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người).

Cần phải coi vụ cháy nhà máy Rạng Đông là thảm họa môi trường - Ảnh. NĐT

Cần phải coi vụ cháy nhà máy Rạng Đông là thảm họa môi trường - Ảnh. NĐT

Ngay sau đó, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết qua kiểm tra cùng quá trình đấu tranh với Công ty Rạng Đông, doanh nghiệp đã thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân (Hg) lỏng. Lượng Hg đã phát tán ra môi trường là hơn 15 - 27 kg.

Tuy nhiên, ngay trong ngày 9/9, Chi cục Môi trường Hà Nội lại công bố chỉ số quan trắc môi trường khu vực xung quanh Công ty Rạng Đông trong ngày 6 và 7/9 an toàn. Kết quả trên hoàn toàn trái ngược với thông tin của Tổng cục Môi trường công bố ngày 8/9 trước đó (!?).

Trước việc bất nhất thông tin như trên, người dân tiếp tục không biết bấu víu vào đâu, lầm lũi tự thực hiện di tản, cho trẻ nhỏ nghỉ học, nhiều hộ phải treo biển bán nhà…

Nghiêm trọng hơn, tới cuối giờ chiều 10/9, các trạm y tế phường Hạ Đình và Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã tiếp nhận thêm 282 người dân đến khám sức khỏe, trong đó 126 trường hợp được chuyển bệnh viện tuyến trên.

Và đến nay, đã có 1.442 người đi khám vì lo ngại sức khỏe, trong đó có 590 trường hợp chuyển tuyến trên làm xét nghiệm chức năng và chuyên sâu.

Cán bộ chiến sĩ Binh chủng hóa học kiểm tra tại hiện trường vụ cháy nhà máy Rạng Đông.

Cán bộ chiến sĩ Binh chủng hóa học kiểm tra tại hiện trường vụ cháy nhà máy Rạng Đông.

2. ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần khởi tố vụ án để điều tra.

Theo đó, việc Công ty Rạng Đông báo cáo không trung thực trong việc sử dụng thủy ngân lỏng đã làm cho cơ quan chức năng không nắm được sự thật dẫn đến việc ứng phó sự cố, cảnh báo người dân không kịp thời. Theo ông Nhưỡng, phải làm rõ và truy trách nhiệm việc này. Ngoài ra, ông Nhưỡng cũng lưu ý cần làm rõ thông tin từ dư luận cho rằng “có khả năng đây là vụ dàn dựng để chuyển giao mục đích sử dụng bất động sản sang dự án nhà ở thương mại”.

Còn theo luật sư Trần Xuân Tiền (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), khi cơ quan điều tra có đủ căn cứ chứng minh Công ty Rạng Đông vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường để xảy ra sự cố môi trường hoặc vi phạm về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác mà tỉ lệ từ 61% trở lên hoặc gây thiệt hại đến tài sản trên 1 tỷ đồng thì có thể khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường” theo điều 237 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Hình phạt cao nhất có thể đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân.

Việc Công ty Rạng Đông đã thừa nhận sử dụng thủy ngân lỏng trong sản xuất bóng đèn nhưng trước đó lại khẳng định không sử dụng cần coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự!

Cán bộ chiến sĩ Binh chủng Hóa học kiểm tra tại hiện trường vụ cháy nhà máy Rạng Đông. Ảnh TL

Cán bộ chiến sĩ Binh chủng Hóa học kiểm tra tại hiện trường vụ cháy nhà máy Rạng Đông. Ảnh TL

3. Bên cạnh yêu cầu cần khởi tố hình sự vụ án để điều tra, theo luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), Luật bảo vệ môi trường quy định rất cụ thể về trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, cơ quan quản lý, các cấp chính quyền địa phương trong việc phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, xác định thiệt hại và khắc phục sự cố.

Theo đó, người đứng đầu trực tiếp của tổ chức phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có liên quan đến hoạt động của tổ chức mình. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra.

Luật sư Tú nhận định việc sử dụng nguồn hóa chất nguy hiểm cao độ như thủy ngân phải được quản lý một cách đặc biệt. Tuy nhiên, diễn biến vụ việc đến nay cho thấy công ty đã phản ứng rất chậm trễ, thậm chí “gian dối” trong công bố thông tin.

Theo nguyên tắc của bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, người dân trong khu vực có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tài sản, tổn thất tinh thần. Nếu người dân không thỏa thuận được mức bồi thường thì có quyền khởi kiện ra tòa án (có thể hiểu là khởi kiện tập thể) để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Yêu cầu lập tức hỗ trợ khám, điều trị và hỗ trợ, bồi thường cho người dân trong trường hợp này là hết sức cấp bách, bởi bên cạnh việc một số người còn chưa nhận thức đầy đủ về sự tác động của các sự cố, thì tất cả đều hoàn toàn bị động tới mức đáng thương. Đó cũng là cách để gỡ gạc niềm tin đã hư hao trong nhân dân do sự lúng túng, nghiệp dư và dấu hiệu bưng bít thông tin về hậu quả của vụ cháy từ phía các cơ quan có thẩm quyền.

Người dân đã không biết vịn vào đâu những ngày qua. Và đó không chỉ là nỗi đau của riêng họ mà còn là mất mát, là thất bại lớn của cơ quan quản lý Nhà nước!

Ngày 10/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành văn bản hỏa tốc về việc tiếp tục thực hiện một số giải pháp khắc phục hậu quả vụ cháy tại Công ty Rạng Đông.

Ông Chung đã giao Công an TP. Hà Nội sau khi hoàn thành việc lấy mẫu để phục vụ công tác điều tra thì khẩn trương bàn giao hiện trường vụ cháy cho Công ty Rạng Đông để tiến hành ngay việc thu gom, xử lý toàn bộ chất thải do vụ cháy để lại; sau đó, tổ chức tẩy độc toàn bộ khu vực; đồng thời khẩn trương di dời nhà máy đến cơ sở sản xuất mới.

Kiên Giang

Tin khác

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn
Kiểm soát nguy cơ lạm dụng chính sách bảo hiểm xã hội để gian lận

Kiểm soát nguy cơ lạm dụng chính sách bảo hiểm xã hội để gian lận

(NB&CL) Theo dự kiến, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (vào tháng 5/2024) tới đây. Đây là dự án Luật được đánh giá có tác động lớn đến đời sống của người dân cũng như đến các chủ trương, chính sách của Nhà nước, có nhiều nội dung phức tạp, chuyên môn sâu, mang tính xã hội cao. Trong đó, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục có nhiều ý kiến khác nhau.

Góc nhìn