Cà Mau: Hơn 1.000 hộ bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn được hỗ trợ hơn 5,4 tỉ đồng
(CLO) Hơn 1.000 hộ gia đình chịu tác động bởi hạn hán và xâm nhập mặn tại Cà Mau được nhận hỗ trợ bằng tiền mặt với tổng giá trị hơn 5,4 tỷ đồng.
Mới đây, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), đã phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam triển khai dự án hành động sớm với thiên tai ở Việt Nam.
Chương trình thăm và cấp phát tiền mặt cho người dân chịu ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực và mở rộng quy mô triển khai hành động sớm cùng với việc kết nối với hệ thống bảo trợ xã hội”.

Cấp phát tiền mặt cho người dân ở huyện U Minh (Cà Mau) chịu ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn.
Theo đó, chương trình sẽ cấp phát tiền mặt cho người dân chịu ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn tại các xã Khánh An, Khánh Thuận (huyện U Minh); xã Khánh Hưng (huyện Trần Văn Thời) và xã Biển Bạch (huyện Thới Bình), tỉnh Cà Mau.
Cụ thể, số tiền mặt được cấp phát cho người dân sẽ chia làm 2 đợt (tháng 4 và tháng 5/2024), với tổng kinh phí hơn 5,4 tỷ đồng. Định mức hưởng lợi đối với hộ 1 nhân khẩu 1 triệu đồng; hộ 2 nhân khẩu 2 triệu đồng; hộ 3 nhân khẩu trở lên 3 triệu đồng mỗi đợt.
Ngoài hoạt động cấp phát tiền mặt cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nâng cao khả năng chống chịu và giảm thiểu tác động bởi hạn hán và xâm nhập mặn, chương trình cũng sẽ tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất.
Phát biểu tại buổi kích hoạt hành động sớm hỗ trợ người dân giảm thiểu tác động do hạn mặn mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, hiện nay, do tác động của El Nino, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống của người dân tại khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng, như sụt lún trên một số tuyến đường giao thông, sinh kế của bà con đảo lộn, khu vực nông thôn bị thiếu cho sinh hoạt và sản xuất,… gây trở ngại cho trong đời sống của người dân, đặc biệt là cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại buổi kích hoạt hành động sớm hỗ trợ người dân giảm thiểu tác động do hạn mặn.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 11 ngày 1/4 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Theo Thứ trưởng, qua đánh giá tình hình thực tế tại tỉnh Cà Mau, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Tổ chức FAO tại Việt Nam quyết định kích hoạt các hành động sớm để hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn tại 4 xã (Khánh An, Khánh Thuận – huyện U Minh; Khánh Hưng – huyện Trần Văn Thời; Biển Bạch – huyện Thới Bình). Hơn 1.000 hộ gia đình sẽ được hỗ trợ tiền mặt vào 2 đợt (lần đầu trong tháng 4 và lần thứ hai trong tháng 5), với mức hỗ trợ là 6 triệu cho mỗi hộ gia đình có 3 nhân khẩu trở lên.
"Số tiền này tuy không nhiều, nhưng tôi mong rằng nó sẽ giúp đỡ bà con phần nào trong giai đoạn khó khăn bởi thiên tai hạn mặn này", Thứ trưởng bày tỏ.
Được biết, từ năm 2022, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (trước đây là Tổng cục Phòng, chống thiên tai) đã phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật "Tăng cường năng lực và quy mô triển khai Hành động sớm cùng với việc kết nối với hệ thống Bảo trợ xã hội". Đây là một dự án vùng gồm 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hợp phần Dự án ở Việt Nam có Tổng ngân sách dự kiến khoảng 1,7 triệu đô la Mỹ từ nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Cơ quan Hoạt động Viện trợ Nhân đạo và Bảo vệ Dân sự Châu Âu (DG ECHO) thông qua FAO.
Tại Việt Nam, FAO phối hợp cùng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai và Ban Chỉ huy PCTT các cấp, các tỉnh nhằm xây dựng Kế hoạch Hành động sớm và thúc đẩy việc lồng ghép vào hệ thống PCTT của Việt Nam.
Dự án với mục tiêu cụ thể nhằm Bảo vệ sinh kế, an ninh lương thực và đảm bảo dinh dưỡng cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương ở khu vực nông thôn bằng việc dự báo trước các tác động của thiên tai, sử dụng phương pháp tiếp cận thống nhất trong triển khai hỗ trợ nhân đạo, tăng cường công tác quản trị và tính chủ động trong công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam, trong đó bao gồm việc kết nối và bổ trợ cho hệ thống bảo trợ xã hội quốc gia. Qua đây sẽ Tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của các hộ gia đình dễ bị tổn thương ở các khu vực nông thôn, đồng thời bảo vệ những thành tựu của công cuộc phát triển kinh tế-xã hội trước thiên tai.
Địa bàn thực hiện Dự án là một số tỉnh ven biển miền Trung với loại hình thiên tai bão và lũ lụt (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên), tỉnh Gia Lai với hạn hán và khu vực đồng bằng sông Cửu Long (Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau và Kiên Giang) với hạn hán và xâm nhập mặn.