Cà Mau: Phấn đấu trở thành tỉnh chuyển đổi số thành công của cả nước
(NB&CL) Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành số hóa trên các lĩnh vực, đưa kinh tế số trở thành lợi thế cạnh tranh, phấn đấu là một trong những tỉnh, thành phố chuyển đổi số thành công của cả nước.
Lấy người dân là trung tâm của chuyển đổi số
Với phương châm “Lấy người dân là trung tâm của chuyển đổi số”, tỉnh Cà Mau đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường sự tương tác của người dân, doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước.
Ngoài ra, để hiện thực hóa chương trình chuyển đổi số, tỉnh Cà Mau cũng xác định 3 trụ cột chính trong chuyển đổi số là xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số.

Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau.
Trong đó, xây dựng chính quyền điện tử làm nền tảng hướng tới chính quyền số được tỉnh Cà Mau xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm hiện đại hoá nền hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Hiện, tỉnh Cà Mau có khoảng 142 phần mềm, hệ thống thông tin đang được sử dụng và khai thác tại các cơ quan, đơn vị nhà nước. Trong đó, trên 60 phần mềm, hệ thống thông tin do địa phương triển khai.
Về ứng dụng, dịch vụ phục vụ chính quyền và người dân đã triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành (iOffice) trên 650 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Triển khai chữ ký số chuyên dùng cho 1.316 cơ quan Đảng và Nhà nước. Cấp 11.000 tài khoản hộp thư điện tử cho các cơ quan, đơn vị.
Đặc biệt, Cà Mau còn triển khai ứng dụng CaMau-G làm đại diện cho các hệ thống phần mềm Chính quyền điện tử của tỉnh Cà Mau. Từ đây, nhằm tập trung về một đầu mối cài đặt một lần để sử dụng nhiều dịch vụ số, hướng tới phục vụ đa dạng người dùng, tăng trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp trên môi trường số.
Thông qua chuyển đổi số, Cà Mau kỳ vọng sẽ từng bước đổi mới toàn diện hoạt động của cơ quan Đảng, các cấp chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, doanh nghiệp và người dân, đưa kinh tế số thành lợi thế cạnh tranh (chiếm 20% GRDP của tỉnh) và phấn đấu là một trong những tỉnh, thành phố chuyển đổi số thành công của cả nước.
Sẵn sàng cho Ngày Chuyển đổi số quốc gia
Bên cạnh thực hiện các giải pháp trong công tác chuyển đổi số, tỉnh Cà Mau cũng đang chuẩn bị các bước để sẵn sàng cho Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 và Ngày Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau năm 2022 (ngày 10/10).
Theo đó, tỉnh Cà Mau yêu cầu tổ chức Ngày Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau năm 2020 sáng tạo, thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với mục đích, ý nghĩa, chủ đề của Ngày Chuyển đổi số quốc gia “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân” và tình hình thực tế tại địa phương.
Đồng thời, nhằm nâng cao nhận thức cán bộ, công chức, viên chức, người dân về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số, tỉnh Cà Mau cũng đã yêu cầu các cấp, ngành đồng loạt vào cuộc, thông qua các hoạt động để lan truyền thông điệp Ngày Chuyển đổi số quốc gia như xây dựng các chuyên mục, chuyên đề, phóng sự…
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau cũng tăng cường sử dụng chữ ký số, xử lý văn bản trên hệ thống Quản lý văn bản và điều hành (iOffice). Trong đó, tỷ lệ văn bản có ký số trên iOffice của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đạt 100%; tỷ lệ văn bản, hồ sơ xử lý trên iOffice đạt trên 70%.
Đặc biệt, thực hiện số hóa 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các cấp; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành giáo dục, y tế; chuyển đổi cơ sở dữ liệu địa chính…
Với mục đích phát huy các kết quả đã đạt được mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thúc đẩy, quảng bá việc tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy phổ cập kỹ năng số thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng, làm cho người dân được thụ hưởng các kết quả do chuyển đổi số mang lại, tỉnh Cà Mau đã sẵn sàng cho Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022.
Minh Luân