Cả nước ghi nhận 36 trường hợp nhiễm virus Zika, nâng cảnh báo lên mức độ 3
Tính hết ngày 06/11/2016, cả nước đã ghi nhận 36 trường hợp nhiễm virus Zika, riêng TP.HCM đã có 29 ca. 7 ca còn lại nằm rải rác ở các tỉnh: Đắk Lắk: 2, Bình Dương: 2, Khánh Hòa: 1, Phú Yên: 1 và Long An: 1.
(CLO) Tính hết ngày 06/11/2016, cả nước đã ghi nhận 36 trường hợp nhiễm virus Zika, riêng TP.HCM đã có 29 ca. 7 ca còn lại nằm rải rác ở các tỉnh: Đắk Lắk: 2, Bình Dương: 2, Khánh Hòa: 1, Phú Yên: 1 và Long An: 1.
[caption id="attachment_131875" align="aligncenter" width="600"]Đáng chú ý, tại trong tổng số trường hợp nhiễm virus Zika thì có 4 phụ nữ đang mang thai. Tình hình dịch Zika đang diễn biến nghiêm trọng, số ca mắc tăng nhanh.
Trong quá trình giám sát, các ca bệnh nhiễm Zika hầu hết có triệu chứng rất nhẹ, dễ bị bỏ qua, chỉ có một số ít trường hợp đến bệnh viện để khám.
Trước tình hình trên, ngành y tế TP. Hồ Chí Minh CM tiếp tục lấy mẫu máu từ những người nghi ngờ mắc bệnh để xét nghiệm nhằm chủ động giám sát dịch bệnh; ban hành quy trình theo dõi, chăm sóc phụ nữ mang thai nhiễm Zika tại các bệnh viện sản khoa và trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản trên toàn địa bàn.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã thành lập 6 đoàn kiểm tra hoạt động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết tại 24 quận huyện. Đến nay, mặc dù chưa có khuyến cáo hạn chế đi đến những nơi có ca bệnh nhưng Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh cảnh báo người dân, đặc biệt là thai phụ cần tránh muỗi đốt, đồng thời cần tích cực tham gia diệt loăng quăng, diệt muỗi để phòng tránh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika
Tại Hà Nội, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội vừa phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ra quân bắt muỗi xét nghiệm, tìm cá thể muỗi nhiễm virus Zika (muỗi truyền sốt xuất huyết mang virus zika). Trong đó tập trung tại 3 khu vực gồm phường Láng Thượng (Đống Đa), phường Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai) và xã Đại Thành (Quốc Oai).
Theo các chuyên gia, loại muỗi truyền vi rút Zika chính là muỗi lây bệnh sốt xuất huyết. Đặc điểm loại muỗi này là có màu đen, thân và chân có những đốm trắng nên được gọi là muỗi vằn. Khi muỗi đã nhiễm vi rút, nó có thể truyền bệnh. Vì vậy, chỉ một con mang mầm bệnh có thể truyền cho nhiều người. Muỗi vằn chủ yếu đẻ trứng ở các ổ nước sạch trong nhà hoặc gần nhà, khu xây dựng như: Ống máng, lọ hoa, đồ vỏ hộp, hốc cây, kẽ lá, vũng nước dưới đất, trong vườn, dụng cụ chứa nước có nhiều lá cây…
Do vậy, người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát muỗi và phòng, tránh muỗi đốt, diệt loăng quăng, bọ gậy đã được Bộ Y tế khuyến cáo để chủ động phòng bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết, hạn chế khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng.
Trước tình hình trên, Việt Nam đã quyết định nâng mức cảnh báo dịch bệnh do virus Zika lên cấp 3.
Trong đó vấn đề được Bộ Y tế quan tâm hàng đầu hiện nay là đảm bảo sức khỏe của thai phụ, dự phòng và giảm thiểu nguy cơ trẻ mắc chứng đầu nhỏ do virus Zika, nhất là sau khi phát hiện trường hợp đầu nhỏ đầu tiên tại Đắk Lắk.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, phụ nữ mang thai nên siêu âm 3 lần trong thời gian mang thai: 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần để sớm phát hiện các trường hợp đầu nhỏ, dù tỉ lệ này chỉ chiếm 1-10%.
Với các trường hợp sơ sinh, để phát hiện đầu nhỏ đơn giản hơn, thông qua quan sát hình thái của đầu, biến dạng xương sọ, chụp cộng hưởng từ để biết cấu trúc não...
Phương Linh