Công tác hội

Các cấp Hội Nhà báo thực hiện tinh gọn, ứng dụng hiệu quả công nghệ số, đáp ứng yêu cầu hội nhập

Nhóm 21/04/2025 13:49

(CLO) Hội nghị toàn quốc 2025 của Hội Nhà báo Việt Nam đã ghi nhận những thành tựu đáng khích lệ, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những thách thức, đặc biệt là vấn đề hợp nhất tổ chức Hội ở các địa phương, trong bối cảnh toàn ngành đang hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam vào năm 2025.

Báo chí đang sống trong những ngày lịch sử

Sáng 21/4, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc năm 2025 với sự tham dự của hơn 500 đại biểu. Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đã báo cáo Tổng kết công tác năm 2024, Triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

tk10.jpg
Chủ trì Hội nghị gồm: Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam.

Mở đầu phần phát biểu, ông Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh: "Sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ tận tình của các cấp, ngành và đặc biệt là sự đồng lòng, chung sức của toàn thể đội ngũ những người làm báo đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp Hội Nhà báo Việt Nam vượt qua mọi thách thức và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao trong năm 2024".

tk7.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi báo cáo Tổng kết công tác năm 2024, Triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Một trong những điểm sáng được Phó Chủ tịch Thường trực Hội đặc biệt nhấn mạnh là thành công vang dội của Hội Báo toàn quốc năm 2024. Sự kiện này, lần đầu tiên được tổ chức tại khu vực phía Nam, đã đánh dấu một bước tiến vượt bậc về quy mô và sự đa dạng trong các hoạt động.

Tâm điểm của Hội Báo là Diễn đàn Báo chí, một không gian mở cho sự trao đổi nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp mang tính chiến lược cho sự phát triển bền vững của báo chí Việt Nam trong kỷ nguyên số. Hội Báo còn gây ấn tượng mạnh mẽ với hơn 100 gian trưng bày báo Xuân, giới thiệu những ấn phẩm báo chí đặc sắc và 64 gian hàng sản phẩm OCOP độc đáo từ khắp các tỉnh, thành phố, minh chứng cho sự gắn kết ngày càng chặt chẽ giữa báo chí và công cuộc quảng bá văn hóa, kinh tế địa phương.

Bên cạnh Hội Báo toàn quốc, ông Nguyễn Đức Lợi cho biết: "Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII, được tổ chức nhân Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, cũng là một sự kiện quan trọng, thể hiện sự tôn vinh cao quý đối với những tác phẩm báo chí xuất sắc và những người làm báo tận tâm, cống hiến". Với nhiều đổi mới sáng tạo trong cách thức tổ chức và quy mô, giải thưởng đã một lần nữa khẳng định được uy tín và vị thế hàng đầu trong làng báo Việt Nam, nhận được sự đánh giá cao từ công chúng và giới chuyên môn.

tk6.jpg
Các nhà báo lão thành tham dự Hội nghị.

Trong năm 2024, Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã thành lập các đoàn công tác đến làm việc với lãnh đạo các tỉnh Bình Định, Phú Yên và TP. Cần Thơ. "Mục tiêu của các chuyến công tác này là nhằm đánh giá thực tế tình hình hoạt động của Hội Nhà báo tại các địa phương, lắng nghe những ý kiến đóng góp và đề xuất các giải pháp để tiếp tục củng cố và nâng cao vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội trong thời gian tới, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của tình hình mới", ông Lợi nói.

Về vấn đề tổ chức, ông Nguyễn Đức Lợi cho biết, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy chính trị, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã chủ động xây dựng Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Hội Nhà báo Việt Nam và trình cấp có thẩm quyền đúng tiến độ, thể hiện sự chủ động và trách nhiệm của Hội trong việc thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” tiếp tục được triển khai sâu rộng và mang lại những chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng một môi trường làm việc văn minh, chuyên nghiệp, nhân văn và đậm đà bản sắc văn hóa báo chí Việt Nam.

Bước sang năm 2025, Phó Chủ tịch Thường trực nhấn mạnh, Hội Nhà báo Việt Nam xác định phương hướng hoạt động với chủ đề: “Hội Nhà báo Việt Nam đồng lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân: Đoàn kết – Kỷ cương – Chuyên nghiệp – Sáng tạo”. Các nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra bao gồm việc triển khai Đề án sắp xếp lại các hội quần chúng, xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh, tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII.

Trong phiên thảo luận đa chiều, các đại biểu đã tập trung làm rõ vai trò lịch sử vẻ vang của Hội Nhà báo Việt Nam, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những thách thức và kiến nghị giải pháp cho sự phát triển của Hội trong bối cảnh mới.

Mở đầu thảo luận, GS. TS Tạ Ngọc Tấn khẳng định: "Lễ kỷ niệm này của Hội Nhà báo Việt Nam không chỉ là niềm tự hào mà còn là dịp để chúng ta khẳng định vai trò vô cùng to lớn của tổ chức đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, là lực lượng tiên phong trong công tác tư tưởng, thông tin, tuyên truyền". Ông nhấn mạnh cần làm rõ đóng góp công lao ấy đến đâu khi nhà báo không chỉ hoạt động nghề nghiệp mà còn bằng cả xương máu.

tk2.jpg
GS. TS Tạ Ngọc Tấn phát biểu tại Hội nghị.

GS. TS Tạ Ngọc Tấn ghi nhận sự phát triển của báo chí Việt Nam ngang tầm với sự phát triển của đất nước, ngang tầm với sự phát triển chung của khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, báo chí còn có vai trò trong góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hoá, dân tộc, truyền bá những giá trị văn hoá dân tộc Việt Nam. GS. TS Tạ Ngọc Tấn kêu gọi xây dựng "hệ thống báo chí nhân văn, hiện đại... chuyên nghiệp và tạo thành sức mạnh truyền thông lớn mạnh".

Chia sẻ góc nhìn từ cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) Lê Hải Bình nhấn mạnh: "Các nhà báo Việt Nam đang sống và làm việc trong những ngày có ý nghĩa lịch sử đặc biệt". Những biến động sâu rộng của đất nước trong thời gian qua, điển hình là việc triển khai Nghị quyết 18 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cùng với việc xây dựng Luật Báo chí sửa đổi với nhiều điểm mới mang tính đột phá, đã tạo ra một giai đoạn chuyển giao quan trọng.

Theo Thứ trưởng, đây là thời điểm hội tụ mọi yếu tố tác động đến báo chí trên mọi phương diện: từ cách thức tác nghiệp, nội dung truyền tải thông tin, đến đời sống của những người làm báo, và cả cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành của các cơ quan báo chí. Tất cả đang chứng kiến những sự thay đổi mang tính bước ngoặt.

tk.jpg
Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTT&DL Lê Hải Bình nhấn mạnh: "Báo chí đang sống trong những ngày lịch sử".

"Năm 2025, với sự kiện kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, sẽ là một cột mốc lịch sử, hội tụ đầy đủ những yếu tố có ý nghĩa như những diễn biến chúng ta đã và đang trải qua trong năm 2024 và hiện tại," ông Lê Hải Bình nhận định. "Lễ kỷ niệm trọng đại này không chỉ là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang mà còn là cơ hội để lắng nghe những ý kiến, chia sẻ sâu sắc về tương lai của ngành".

Thứ trưởng cũng thông tin về sự quan tâm sát sao của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với sự phát triển của báo chí. "Bộ trưởng đã và đang có những buổi làm việc trực tiếp với các đơn vị quản lý báo chí, các cơ quan báo chí chủ lực của cách mạng. Mục tiêu lớn nhất là làm sao để Luật Báo chí sửa đổi thực sự đi vào cuộc sống, thể hiện một cách sâu sắc tính chất lịch sử, vai trò dẫn dắt và định hướng dư luận của báo chí trong giai đoạn phát triển mới của đất nước", ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.

'Gỡ khó' hợp nhất, hướng tới kỷ niệm 100 năm

Các đại diện từ Hội Nhà báo tỉnh đã bày tỏ những lo ngại và đề xuất cụ thể liên quan đến chủ trương hợp nhất tổ chức Hội.

Ông Mai Đức Thông, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Tuyên Quang, nêu lên lo ngại về việc hợp nhất các Hội nhà báo cấp tỉnh. Ông đặt vấn đề: "Việc hợp nhất các Hội nhà báo các tỉnh đặt ra yêu cầu Điều lệ Hội phải có những tính toán phù hợp với tình hình mới. Trước đây, nòng cốt của Hội thường là chi hội báo và đài phát thanh, truyền hình. Nay, khi các cơ quan này sáp nhập, tôi đề nghị Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam sẽ có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để các cấp Hội địa phương có thể triển khai một cách thống nhất và hiệu quả".

Ông Thông cho biết thêm, tiến độ đại hội các cấp tại các đơn vị đang thực hiện hợp nhất hiện bị dừng lại. "Hội nên sớm có hướng dẫn cụ thể để các đơn vị này có thể thực hiện đại hội theo đúng quy định", ông kiến nghị.

tk1.jpg
Ông Mai Đức Thông, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Tuyên Quang chia sẻ ý kiến về vấn đề sáp nhập các đơn vị.

Cùng chung quan điểm, ông Lê Trọng Lập, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang, nhấn mạnh đến việc thực hiện Nghị quyết 18. Ông đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam đặc biệt chú trọng đến hai vấn đề cốt lõi: "Thứ nhất là vai trò của tổ chức chính trị - xã hội, và thứ hai là vai trò của tổ chức nghề nghiệp. Làm thế nào để hài hòa các chức năng này trong bối cảnh hiện nay là một bài toán không dễ".

Ông Lập chỉ ra thực tế, hiện nay, tất cả các cơ quan báo và đài ở địa phương đều đã hoặc đang trong quá trình sáp nhập. Điều này dẫn đến việc các Hội cấp tỉnh và chi hội cơ sở chỉ còn lại một đầu mối duy nhất. Cơ chế quản lý và phương pháp sinh hoạt Hội khi sáp nhập vào Mặt trận Tổ quốc cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để vẫn đảm bảo tiếng nói cho anh em hội viên và tổ chức Hội.

Đặc biệt, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Giang bày tỏ sự không đồng tình với việc sáp nhập Hội Nhà báo với Hội Văn học nghệ thuật ở một số tỉnh, trong đó có Hà Giang. "Cách làm của hai hội không giống nhau, có sự khác biệt về đặc thù hoạt động".

Những ý kiến thẳng thắn và đầy trách nhiệm từ các Chủ tịch Hội nhà báo địa phương đã cho thấy những thách thức không nhỏ trong quá trình thực hiện chủ trương hợp nhất các tổ chức hội. Hội Nhà báo Việt Nam được kỳ vọng sẽ lắng nghe và có những hướng dẫn kịp thời, phù hợp để các cấp Hội địa phương có thể kiện toàn tổ chức, đảm bảo hoạt động hiệu quả và bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên trong tình hình mới.

Phát biểu bế mạc hội nghị, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã nhấn mạnh những thành tựu đạt được trong năm 2024 và đưa ra những định hướng quan trọng cho năm 2025, đặc biệt là hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

tk8.jpg
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu bế mạc Hội nghị.

Về công tác năm 2024, Chủ tịch Lê Quốc Minh ghi nhận, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong cả nước đã chủ động đổi mới sáng tạo, đoàn kết, nỗ lực không ngừng để hoàn thành tốt nhiệm vụ, thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong định hướng thông tin, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Các cấp Hội đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, gắn bó chặt chẽ với hội viên.

Về trọng tâm năm 2025, Chủ tịch Hội chỉ rõ: "Các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí và người làm báo trong cả nước sẽ tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế... tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tác nghiệp báo chí, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà báo, đáp ứng yêu cầu hội nhập".

Đặc biệt, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), Chủ tịch Lê Quốc Minh đề nghị, tập trung xây dựng các chuyên đề báo chí chất lượng cao, tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 100 năm... phát huy mạnh mẽ tinh thần tiên phong của Báo chí Cách mạng.

Ông kêu gọi toàn thể hội viên: "Đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2025 - hướng tới sự kiện trọng đại của ngành báo chí".

    Nổi bật
        Mới nhất
        Các cấp Hội Nhà báo thực hiện tinh gọn, ứng dụng hiệu quả công nghệ số, đáp ứng yêu cầu hội nhập
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO