Các địa phương cần ưu tiên bố trí biên chế và tuyển dụng giáo viên mầm non
(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ưu tiên bố trí biên chế và tuyển dụng giáo viên mầm non theo quy định để đảm bảo an toàn cho trẻ em và chất lượng giáo dục mầm non.
Theo Thông báo số 173/TB-VPCP ngày 22/4/2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp của Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thủ tướng nhấn mạnh cần rà soát, có sự thay đổi mạnh mẽ về cơ chế, chính sách, cách huy động và phân bổ nguồn lực để tạo nên bước đột phá cho sự phát triển giáo dục mầm non thời gian tới, nhất là các chính sách về thuế, tiếp cận đất đai, tín dụng và vấn đề xã hội hoá.
Tích cực tháo gỡ 3 "điểm nghẽn" đối với phát triển giáo dục mầm non là nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất; nhân lực đội ngũ giáo viên; tiếp cận giáo dục mầm non chưa bình đẳng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…; có cơ chế, chính sách huy động nguồn nhân lực cho giáo dục mầm non (chính sách về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non; chính sách thu hút giáo viên mầm non...), đặc biệt quan tâm các chính sách phát triển các cơ sở giáo dục mầm non theo phương thức đối tác công tư.

Có cơ chế, chính sách huy động nguồn nhân lực cho giáo dục mầm non. Ảnh minh họa
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ việc đề xuất trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi và Nghị quyết về đổi mới Chương trình giáo dục mầm non một cách kỹ lưỡng, chất lượng và đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ cần phải có tổng kết quá trình thực hiện, báo cáo tóm tắt, dự thảo sản phẩm và trong đó lưu ý: làm rõ căn cứ chính trị, pháp lý của việc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành 02 Nghị quyết của Quốc hội; đánh giá thực trạng hiện nay và tác động của các chính sách; có tổng kết quá trình thực hiện và tính toán nhu cầu các nguồn lực về đội ngũ, cơ sở vật chất (số liệu đầy đủ, rõ ràng, có cơ sở); rõ nội hàm đổi mới; đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách để giải quyết, tháo gỡ những khó khăn; quy định rõ trách nhiệm của Quốc hội, của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương. Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tiếp tục chỉ đạo nội dung này.
Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện đổi mới, phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn; tiếp tục thực thi đầy đủ và có hiệu quả cơ chế, chính sách và các nhiệm vụ theo các quy định của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách khuyến khích của Đảng và Nhà nước để thu hút nguồn lực, đầu tư phát triển giáo dục mầm non tại địa phương; rà soát, nghiên cứu và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn đối với giáo dục mầm non tại địa phương theo đúng quy định của pháp luật và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
Đặc biệt, ưu tiên bố trí biên chế và tuyển dụng giáo viên mầm non theo quy định để đảm bảo an toàn cho trẻ em và chất lượng giáo dục mầm non.
Cùng với đó, quan tâm bố trí ngân sách đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030 phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí bố trí vốn đầu tư công và các nguồn lực khác để xây dựng bổ sung, sửa chữa, cải tạo thay thế phòng học tạm, bán kiên cố bảo đảm an toàn cho trẻ, giáo viên, đặc biệt những khu vực thường xuyên có thiên tai, bão lũ;
Ưu tiên bố trí kinh phí cho phát triển giáo dục mầm non, đáp ứng yêu cầu huy động trẻ em tới trường và để thực hiện mục tiêu phổ cập; sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí từ các Chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư cho đổi mới, phát triển giáo dục mầm non.