Các dịch vụ ở Hà Nội nào được phép hoạt động trở lại sau ngày 21/9?

Thứ hai, 20/09/2021 18:08 PM - 0 Trả lời

(CLO) Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, sau ngày 21/9, thành phố dự kiến nới lỏng từng bước nhưng phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Những dịch vụ thiết yếu sẽ được TP xem xét mở trước, từng bước nới thêm dịch vụ khác tùy thuộc vào mức độ kiểm soát dịch bệnh ở các thời điểm.

Chiều 19/9, ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì họp giao ban với Sở Chỉ huy các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã.

Tại buổi giao ban, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng các phương án phòng, chống dịch sau ngày 21/9 theo hướng nới lỏng từng bước để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Trong đó, các địa phương cần chú trọng triển khai việc quét mã QR code.

cac dich vu o ha noi nao duoc phep hoat dong tro lai sau ngay 21 9 hinh 1

Khách xếp hàng trước quán phở trên phố Nguyễn Sơn (quận Long Biên) để mua mang về, trưa 16/9. Ảnh: TL

Đặc biệt, cần chú trọng các phương án bảo đảm phòng chống dịch cho các phương tiện đường bộ, đường hàng không về Thành phố; với các trường học được trưng dụng làm nơi cách ly phải tiến hành các biện pháp phòng dịch theo quy định để sẵn sàng đón học sinh quay trở lại học tập.

Hà Nội không kiểm soát giấy đi đường từ 21/9

Người dân di chuyển trên địa bàn thành phố không cần giấy đi đường, áp dụng từ 6h ngày 21/9, theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng.

Chiều 20/9, ông Chử Xuân Dũng cho biết thành phố bỏ nguyên tắc phân vùng chống dịch từ ngày mai; đồng thời, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong giám sát việc di chuyển, tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính với cá nhân, doanh nghiệp.

Chính quyền tiếp tục duy trì biện pháp phong tỏa hẹp trên địa bàn, truy vết thần tốc F0 nếu có, cách ly nguồn lây trong cộng đồng.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, Sở tham mưu lãnh đạo thành phố tiếp tục duy trì 23 chốt tại cửa ngõ để kiểm soát ra vào; đồng thời, tạo điều kiện tối đa cho xe luồng xanh của các tỉnh đi qua Hà Nội, luồng đi vào thành phố vẫn kiểm soát như hiện nay.

Các hoạt động vận tải hành khách công cộng đi và đến Hà Nội cũng như trên địa bàn thành phố tiếp tục tạm dừng.

cac dich vu o ha noi nao duoc phep hoat dong tro lai sau ngay 21 9 hinh 2

Hà Nội khôi phục sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh từng bước được khống chế. Ảnh: TL

Nghiên cứu cho phép shipper công nghệ hoạt động với số lượng phù hợp

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang nghiên cứu cho phép hoạt động lại một số shipper công nghệ với số lượng phù hợp với việc bán hàng mang về, đảm bảo đời sống cũng như giải quyết công ăn việc làm.

"Việc đi lại, vận chuyển hàng hóa sau 21/9 được chúng tôi tham mưu cho thành phố trên nguyên tắc kết hợp hài hòa giữa thực hiện chỉ thị 15, 16 và 19, đảm bảo hoạt động bình thường và yêu cầu chống dịch", ông Viện nói.

Các công trình xây dựng hoạt động trở lại

Sau ngày 21/9, TP Hà Nội dự kiến sẽ cơ bản cho các công trình xây dựng hoạt động trở lại với các điều kiện cụ thể để đảm bảo an toàn, vì thế việc chủ động các phương án phòng, chống dịch cần được triển khai.

Tuy nhiên, tại các khu vực điểm đỏ không được xây dựng, hoặc đang triển khai xây dựng mà có F0 thì cũng phải dừng.

Từ kinh nghiệm thực tế cho thấy việc nới lỏng phải đi kèm với phải kiểm soát chặt chẽ, Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì 23 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ của Thủ đô. Hà Nội cũng báo cáo Thủ tướng để làm việc với các tỉnh thành lân cận, phối hợp quản lý người ra vào Thủ đô.

Sau ngày 21/9, Hà Nội sẽ xây dựng phương án phòng, chống dịch theo hướng nới lỏng từng bước để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

cac dich vu o ha noi nao duoc phep hoat dong tro lai sau ngay 21 9 hinh 3

Khi xe buýt hoạt động trở lại, hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ và cả phương tiện phải đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch. Ảnh minh họa.

Xe buýt Hà Nội được hoạt động trở lại từ 21/9

Hà Nội dự kiến toàn mạng xe buýt sẽ hoạt động trở lại từ ngày 21/9 với 50% công suất sau khoảng 2 tháng tạm dừng.

Cụ thể, sáng 20/9, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Sở Giao thông Vận tải) thông tin, cơ quan này đã lập kế hoạch tái khởi động xe buýt sau khi thành phố nới lỏng giãn cách, gửi lãnh đạo thành phố xem xét, phê duyệt.

Theo đó, giai đoạn một trong 15 ngày sau khi thành phố nới lỏng giãn cách (dự kiến từ 21/9), vận tải khách công cộng Hà Nội hoạt động với 50% tần suất theo biểu đồ trước đây; xe hai bánh giao nhận hàng hóa, bưu phẩm cũng được hoạt động, song phải đăng ký với phường, xã.

Lái xe, nhân viên phục vụ trong các trường hợp trên đều phải tiêm vaccine ít nhất một mũi và có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Trong giai đoạn tiếp theo đến khi hoạt động trở lại theo trạng thái "bình thường mới", Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất cho xe buýt hoạt động tần suất không quá 80% số chuyến theo biểu đồ. Hành khách đi xe buýt thực hiện 5K, khai báo y tế qua mã QR.

Ở giai đoạn hai, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đề xuất cho phép các loại hình vận tải khác như xe du lịch, hợp đồng, xe chở chuyên gia, người lao động được hoạt động tối đa 50% số phương tiện của mỗi đơn vị. Xe khách liên tỉnh sẽ hoạt động theo sự thống nhất giữa các địa phương. Lái xe và nhân viên phục vụ trên các phương tiện này phải được tiêm 2 mũi vaccine.

Tính đến 15/9, Hà Nội đã nới lỏng giãn cách tại 19 quận, huyện, thị xã gồm 6 quận: Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Tây Hồ và 13 huyện, thị xã: Ba Vì, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hòa.

cac dich vu o ha noi nao duoc phep hoat dong tro lai sau ngay 21 9 hinh 4

Khách mua cháo sườn trên phố Ngọc Lâm (quận Long Biên). Ảnh: TL

Hàng quán có thể được bán mang về

Theo Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn, phương án, kịch bản chi tiết cho việc nới lỏng từng bước đang được các đơn vị xây dựng. Nhiệm vụ trước mắt là lấy mẫu diện rộng để có thêm dữ liệu đánh giá nguy cơ trên địa bàn.

"Thông qua số liệu xét nghiệm, chúng tôi sẽ đánh giá từng vùng, từng khu vực theo mức độ nguy cơ để tham mưu cho TP phương án nới lỏng. Thay vì chia vùng giãn cách rộng như hiện nay, CDC đang tham mưu giãn cách theo quy mô xã, phường hoặc thậm chí thấp hơn nữa sau ngày 21/9", ông Tuấn nói.

Về cụ thể những hoạt động nào được cho phép sau ngày 21/9, lãnh đạo TP chưa đưa ra kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên, dựa vào thông lệ cũng như các biện pháp chống dịch trước đây, có thể thấy TP sẽ nới lỏng hoạt động thiết yếu trước.

Ví dụ, khi dịch bệnh có dấu hiệu phức tạp đòi hỏi siết chặt, dịch vụ giải trí nguy cơ cao như quán bar, karaoke, massage, vũ trường sẽ phải đóng cửa đầu tiên. Tiếp theo đó là thể dục, thể thao, sân golf, phòng gym, quán game, Internet.

Nếu nguy cơ tiếp tục lớn, quán ăn, đồ uống phải bán mang về, cửa hàng cắt tóc, gội đầu phải đóng cửa. Và cuối cùng, TP sẽ yêu cầu toàn bộ cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu dừng hoạt động.

Còn đối với lộ trình nới lỏng, thứ tự sẽ ngược lại. Tức là, dịch vụ ăn, uống bán mang về được ưu tiên mở trước, dịch vụ karaoke, massage, vũ trường sẽ trong nhóm được mở lại sau cùng.

Bên cạnh đó, việc thu hẹp khu vực giãn cách cũng giúp cơ quan, doanh nghiệp, công ty đóng trên địa bàn có thể cho nhân viên quay lại làm việc tại trụ sở (vùng xanh, vàng), nhưng vẫn trên tinh thần khuyến khích làm việc ở nhà.

Trước đó, vào ngày 16/9, Hà Nội đã mở lại một số dịch vụ thiết yếu như kinh doanh dịch vụ ăn, uống chỉ bán hàng mang về; văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập... tại các quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng từ thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 03/9/2011 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. 

Đây là tín hiệu lạc quan, cho thấy nếu chống dịch được kiểm soát tốt, người dân rất phấn khởi vui mừng khi cuộc sống "bình thường mới" dần trở lại với các hoạt động sản xuất, kinh doanh... 

Theo đó, 19 quận, huyện không ghi nhận ca mắc cộng đồng từ ngày 6/9 đến nay, gồm: Ba Đình, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Long Biên, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hòa và Tây Hồ được mở cửa bán hàng mang về.

Theo dữ liệu trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, vào trưa 20/9, Hà Nội đã tiêm được hơn 6,4 triệu liều vaccine phòng Covid-19, trong đó hơn 5,7 triệu mũi một và gần 700.000 mũi hai.

Trong một tuần trở lại đây, số ca mắc mới ở Hà Nội hàng ngày đều dưới 20 ca.

Thủy Tiên

Bình Luận

Tin khác

Dự báo thời tiết ngày 26/4: Cả nước trời nắng nóng

Dự báo thời tiết ngày 26/4: Cả nước trời nắng nóng

(CLO) Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia: Dự báo thời tiết 26/4/2024, Đông Bắc Bộ có nắng nóng; Tây Bắc, Trung Bộ nắng nóng trên 39 độ; Tây Nguyên, Nam Bộ nắng nóng gay gắt.

Đời sống
Sửa đổi Luật Thủ đô: Tạo cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến Hà Nội để cống hiến

Sửa đổi Luật Thủ đô: Tạo cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến Hà Nội để cống hiến

(CLO) Chiều 25/4, tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)".

Đời sống
Thanh Hóa: Khoảng 3.000 đại biểu tham dự cầu truyền hình trực tiếp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa: Khoảng 3.000 đại biểu tham dự cầu truyền hình trực tiếp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Tỉnh Thanh Hóa đang triển khai kế hoạch chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Chương trình Cầu truyền hình trực tiếp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đời sống
Thanh Hoá: Bố trí flycam để phát hiện tội phạm tại Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn

Thanh Hoá: Bố trí flycam để phát hiện tội phạm tại Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn

(CLO) Để chủ động phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024, Công an tỉnh Thanh Hoá bố trí lực lượng, triển khai phương án phòng, chống tội phạm tại các tuyến đường chính và khu vực Quảng trường biển - nơi sẽ diễn ra Lễ khai trương vào tối 27/4.

Đời sống
Quốc Oai (Hà Nội): Hàng ngàn m2 đất đồi Sò bị san, gạt vận chuyển đi đâu?

Quốc Oai (Hà Nội): Hàng ngàn m2 đất đồi Sò bị san, gạt vận chuyển đi đâu?

Báo Nhà báo và Công Luận nhận được phản ánh của người dân tại thôn Lập Thành, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai về việc hàng nghìn m2 đất đồi Sò bị san gạt không rõ mục đích gây nguy cơ thất thoát tài nguyên khoáng sản, ô nhiễm môi trường.

Đời sống