Các dự án nhà ở xã hội có quy mô nhỏ lẻ, diện tích sàn nhà ở xã hội thấp
(CLO) Công tác phát triển, quản lý nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội còn một số tồn tại, hạn chế, diện tích sàn nhà ở xã hội đạt tỷ lệ thấp so với tổng số diện tích sàn nhà ở đã phát triển trên địa bàn, mới đáp ứng được một phần nhu cầu về nhà ở xã hội của người dân...
Phát biểu tham luận tại Hội Nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, diễn ra chiều 14/7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết: Đối với phát triển nhà ở xã hội, giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đã triển khai được 1,25 triệu m2 sàn, chiếm khoảng 27,17% so với cả nước. Hiện nay đang triển khai khoảng 4,14 triệu m2 sàn.
Các khu nhà ở xã hội của Hà Nội được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch, gắn với phát triển đô thị, chỉnh trang đô thị và đầu tư với nhiều hình thức đa dạng từ các nguồn lực xã hội. Ngoài ra, Hà Nội còn triển khai nghiên cứu thí điểm mô hình khu nhà ở xã hội tập trung với quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ.

Ảnh minh họa
Các dự án nhà ở xã hội có quy mô nhỏ lẻ
Bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, công tác phát triển, quản lý nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hà Nội còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Diện tích sàn nhà ở xã hội đạt tỷ lệ thấp so với tổng số diện tích sàn nhà ở đã phát triển trên địa bàn, mới đáp ứng được một phần nhu cầu về nhà ở xã hội của người dân;
Tỷ lệ căn hộ nhà ở xã hội dành để cho thuê còn thấp (khoảng16% tổng số căn hộ nhà ở xã hội hoàn thành);
Các dự án nhà ở xã hội có quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu tập trung tại một số quận nội thành gây áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực; nguồn lực tài chính của thành phố để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngân sách còn hạn chế.
Nguyên nhân là do cơ chế chính sách ưu đãi hiện hành của pháp luật chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội cho thuê.
Nguồn vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho các chủ đầu tư dự án và các đối tượng được ưu đãi vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội (trong đó có công nhân khu công nghiệp) vẫn còn thiếu…
Theo kết quả rà soát nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn sau năm 2020 rất lớn khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà. Để đáp ứng nhu cầu nêu trên, TP Hà Nội đang tập trung chỉ đạo tập trung hoàn thành 19 dự án với khoảng 1,2 triệu m2 sàn nhà ở có khả năng hoàn thành giai đoạn 2021-2025; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai 38 dự án còn lại dự kiến hoàn thành giai đoạn sau năm 2025; triển khai 05 khu nhà ở độc lập và tiếp tục nghiên cứu triển khai các khu nhà ở xã hội khác.
Để đạt được mục tiêu trên, TP Hà Nội tập trung một số giải pháp như, nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh quy định pháp luật về nhà ở xã hội (điều chỉnh Luật Thủ đô) như: Được phép chủ động bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thay thế ở vị trí khác.
TP Hà Nội không phát triển nhà ở xã hội là nhà ở liền kề thấp tầng; được sử dụng nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20%, 25% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị để hỗ trợ, cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.
Triển khai mô hình xây dựng một số khu nhà ở xã hội tập trung, có quy mô diện tích đất lớn, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Rà soát quy hoạch các khu công nghiệp để bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân một cách hợp lý.
Đa dạng hóa nguồn lực đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội phục vụ công nhân; ưu tiên bố trí quỹ đất, bố trí kinh phí từ nguồn tiền thu được từ quỹ 20%, 25% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại (bao gồm cả khu đô thị, khu chức năng đô thị) để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn.
Cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chuẩn bị đầu tư phục vụ đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật hiện hành. Thực hiện cho vay ưu đãi để hỗ trợ nhà ở xã hội cho các đối tượng theo quy định tại Điều 49, 50 Luật Nhà ở.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…
Hà Nội có hơn 1570 chung cư cũ
Về công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, lãnh đạo TP Hà Nội cho biêt, theo kết quả rà soát năm 2020, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và 306 chung cư cũ độc lập, hiện nay đang tiếp tục rà soát để điều chỉnh, bổ sung danh mục.
Thành phố đã tổng hợp những nội dung khó khăn, vướng mắc chính về: rà soát, kiểm định chất lượng và lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; lập quy hoạch; lựa chọn chủ đầu tư dự án; giải phóng mặt bằng và bồi thường, hỗ trợ tái định cư; tạo lập quỹ nhà tạm cư (nhà ở tạm thời); ưu đãi đầu tư.
Triển khai Nghị định 69 của Chính phủ năm 2021, UBND TP Hà Nội đã ban hành: Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Ban hành Kế hoạch nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn; ban hành Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn Thành phố - Đợt 1, định kỳ 06 tháng/lần cập nhật, điều chỉnh, bổ sung trên cơ sở kết quả kiểm định nhà chung cư cũ.
Ban hành tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư và các cơ chế chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền của thành phố; quy định 03 hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định Nghị định số 69, gồm: Các chủ sở hữu thống nhất lựa chọn, đấu thầu lựa chọn, thành phố trực tiếp đầu tư xây dựng dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Tạo lập quỹ nhà ở tạm thời (tạm cư) để bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu trong thời gian thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Thực hiện chính sách miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất,... theo quy định của Nghị định số 69 và quy định pháp luật hiện hành có liên quan...