Các nhà lãnh đạo G7 và sứ mệnh 'Vượt núi An-pơ'

Thứ ba, 28/06/2022 12:30 PM - 0 Trả lời

(CLO) Các nhà lãnh đạo G7 đã tập trung tại Lâu đài Elmau trên dãy núi An-pơ (Alps) của nước Đức từ hôm qua (26/6) để thảo luận về các vấn đề cấp bách trên thế giới, đặc biệt giải pháp kết thúc cuộc chiến Nga - Ukraine. Song có thể nói, đây là sứ mệnh không hề dễ dàng.

Hành trình quá nhiều rào cản

Hiện tại đang là khoảng thời gian vô cùng bận rộn đối với những nhà lãnh đạo của các quốc gia hàng đầu thế giới. Bên cạnh cuộc hội đàm trên dãy núi An-pơ sẽ kết thúc vào cuối ngày mai, một hội nghị thượng đỉnh khác sẽ khác diễn ra ngay sau đó. Đó là cuộc họp của các nhà lãnh đạo NATO ở Madrid, mà phần lớn các nước G7 đều đóng vai trò nòng cốt, gồm Mỹ, Đức, Pháp, Canada, Anh và Ý.

Các nhà lãnh đạo G7 cùng các quan chức hàng đầu Liên minh châu Âu đang bàn về giải pháp chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine và nhiều vấn đề quan trọng khác trên thế giới. Ảnh: Reuters

Các nhà lãnh đạo G7 cùng các quan chức hàng đầu Liên minh châu Âu đang bàn về giải pháp chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine và nhiều vấn đề quan trọng khác trên thế giới. Ảnh: Reuters

Có thể nói, thật khó để các nhà lãnh đạo G7 đang có mặt trên dãy An-pơ xây dựng một mặt trận thống nhất về cuộc chiến ở Ukraine vốn đang gây thiệt hại cho nền kinh tế của họ và trên toàn thế giới. Theo giới quan sát tại Lâu đài Elmau, việc duy trì sự đồng thuận đang ngày càng khó khăn hơn, khi hội nghị quy tụ nhiều nhà lãnh đạo hơn. Như đã từng đề cập, Hội nghị Thượng đỉnh G7 do Thủ tướng Đức Olaf Scholz chủ trì đã mở rộng lời mời tới các nền kinh tế lớn khác, trong đó có Ấn Độ, Nam Phi và Indonesia.

Mục tiêu chính của hội nghị G7 lần này rất rõ ràng. Họ muốn tìm ra một giải pháp để chấm dứt cuộc chiến đang rất bế tắc tại Ukraine, bằng cách này hay cách khác: Giúp Ukraine chiến thắng hay khiến Nga phải lùi bước hoặc tìm ra một giải pháp hòa bình vẹn toàn? Thực tế, bất cứ phương án nào trong số này đều vô cùng khó đạt được trong bối cảnh hiện tại, thậm chí ngay cả việc thuyết phục tất cả để đi đến một giải pháp nào đó cũng đã rất khó rồi.

Nhưng nếu không có một giải pháp, thì cũng không thể giải quyết được các vấn đề quá lớn mà cuộc chiến đang tác động tới quy mô toàn cầu, đặc biệt ở chính các quốc gia giàu có trong khối G7. Châu Âu, Mỹ hay cả Nhật Bản đều đang đối mặt với lạm phát khủng khiếp, có nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế trầm trọng, đặc biệt có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng xã hội sâu sắc và lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua. Người ta đã nói về cái gọi là “mùa hè bất mãn” tại châu Âu, hiện đã bắt đầu ở Anh với hàng loạt cuộc đình công của ngành đường sắt và đang lan sang ngành hàng không.

Những rào cản để kết thúc cuộc chiến ở Ukraine rõ ràng đang không chỉ đến từ nước này hay phía Nga, mà còn nằm rất nhiều ở chính phương Tây, mà trong đó các nước G7 đóng vai trò chủ chốt. Họ đang bị ràng buộc vào các nguyên tắc vốn “bất di bất dịch” về sự toàn vẹn lãnh thổ. Có nghĩa, không bên nào muốn lùi bước trong cuộc chiến, từ Nga, Ukraine cho đến phương Tây.

Nhưng dù thế nào, cuộc chiến cũng cần phải kết thúc, khi mà nó đang khiến cho cuộc sống trên toàn thế giới đang ngày càng khó khăn, thậm chí còn có thể gây ra thảm họa ở nhiều quốc gia; có nguy cơ khiến hàng triệu người rơi vào nạn đói, như lời cảnh báo của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cách đây ít ngày.

Tổng thống Senegal Macky Sall hồi tháng trước đã đến Nga với tư cách Chủ tịch Liên minh châu Phi và tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với các ngân hàng Nga đã khiến các nước châu Phi khó hoặc không thể mua ngũ cốc từ nước này. Phát biểu trước Hạ viện Đức vài ngày trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải lắng nghe những quan điểm như vậy. Ông nói, các quốc gia ở “phía nam toàn cầu” vẫn đang hứng chịu hậu quả của đại dịch COVID-19, giờ đây đã bị đe dọa bởi nạn đói.

Đó cũng là một phần lý do giải thích cho danh sách khách mời của ông Scholz trong các cuộc thảo luận của G7 năm nay. Danh sách này đã được lựa chọn cẩn thận. Indonesia và Ấn Độ là chủ tịch hiện tại và tương lai của G20, Senegal đứng đầu Liên minh châu Phi, Argentina là chủ tịch Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe. Họ đang đại diện cho gần như toàn bộ phần còn lại của thế giới.

Làm thế nào để kết thúc cuộc chiến?

Bởi vậy, vấn đề quan trọng đầu tiên mà G7 công bố sau ngày họp đầu tiên không phải là một giải pháp trực diện cho cuộc chiến tại Ukraine, mà là một ngân sách có giá trị lên tới 600 tỷ USD để giúp phát triển cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển. Sự hợp tác với các nước có thu nhập trung bình sẽ rất quan trọng nhằm giảm gánh nặng toàn cầu, trong trường hợp những sáng kiến chính của G7 cho việc chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine không thành công.

G7 đang lên kế hoạch áp dụng mức trần giá dầu trên thế giới và cấm nhập khẩu dầu của Nga. Ảnh: Reuters

G7 đang lên kế hoạch áp dụng mức trần giá dầu trên thế giới và cấm nhập khẩu dầu của Nga. Ảnh: Reuters

Một trong những sáng kiến chính đó là lệnh cấm nhập khẩu dầu toàn diện từ Nga, một nỗ lực nhằm khiến nền kinh tế Nga sụp đổ và không thể tiếp tục duy trì cuộc chiến ở Ukraine. Để làm được điều này, G7 đang lên kế hoạch đặt ra mức giá trần cho dầu trên toàn thế giới, để khiến giá năng lượng không thể tiếp tục tăng.

Song làm sao để thuyết phục các nước, đặc biệt như Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu lớn của Nga, đồng ý với sáng kiến nói trên là không hề dễ dàng. Bởi mỗi nước đều phải lo an ninh năng lượng, cũng như lương thực, cho người dân của mình, đặc biệt những nước đông dân và vẫn có nhiều bất ổn như Ấn Độ. Do đó, ông Narendra Modi, thủ tướng Ấn Độ, đã giữ chặt lá bài của mình khi nói về khái niệm trần giá dầu, tức không đưa ra bất cứ một ý kiến cụ thể nào.

Trong cuộc họp báo hôm qua, Charles Michel, chủ tịch Hội đồng châu Âu, đã thừa nhận những khó khăn trong việc tìm kiếm một giải pháp đồng thuận trong việc chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, tức cũng chính là cho cuộc khủng hoảng toàn diện mà thế giới đang đối mặt.

Vấn đề còn trở nên khó khăn hơn khi mà các nhà lãnh đạo G7 đang hội đàm để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng, thì chiến sự vẫn đang leo thang ở Ukraine, với việc Nga tiếp tục dội tên lửa vào nước này trong một đợt tấn công mới.

Rõ ràng, nhiệm vụ “vượt núi An-pơ” của các nhà lãnh đạo G7 là rất gian nan. Đơn giản vì đang không có một con đường rõ ràng nào ở phía trước. Họ có thể buộc phải đi vòng hoặc tiếp tục tìm kiếm một hướng đi mới. Và điều này hiển nhiên cần rất nhiều thời gian, công sức và cũng không có gì chắc chắn.

Hoàng Hải

Bình Luận

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế