Các tòa án đã thụ lý 362 vụ án tham nhũng với hơn 1.000 bị cáo phạm tội

06/09/2021 16:27

(CLO) Năm 2021, các tòa án đã thụ lý 362 vụ, với 1.039 bị cáo phạm tội tham nhũng; đã xét xử 186 vụ, với 440 bị cáo. Với các vụ án thuộc diện BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, các tòa án xét xử sơ thẩm 25 vụ, phúc thẩm 9 vụ, giám đốc thẩm 2 vụ án.

Sáng ngày 6/9/2021, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra Báo cáo công tác năm 2021 của Tòa án nhân dân tối cao.

cac toa an da thu ly 362 vu an tham nhung voi hon 1000 bi cao pham toi hinh 1

Vụ án "Đưa hối lộ"; "Môi giới hối lộ"; "Nhận hối lộ" liên quan đến Phan Văn Anh Vũ sẽ được sớm đưa ra xét xử.

Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao gửi đến Ủy ban Tư pháp cho thấy, năm 2021, các tòa án đã thụ lý 510.928 vụ việc, đã giải quyết 363.527 vụ việc (đạt 71,15% trong tổng số vụ án đã thụ lý); so với cùng kỳ năm trước, thụ lý giảm 39.902 vụ việc, giải quyết giảm 45.381 vụ việc.

Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án là 0,65% (giảm 0,45% so với cùng kỳ năm 2020), đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra.

Năm 2021, tình hình dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xét xử, nhưng số lượng các vụ án hình sự mà các tòa án đã giải quyết đạt 81,41% về số vụ, 77,47% về số bị cáo (so với cùng kỳ năm trước, giải quyết chỉ giảm 4,4% số vụ; 5,53% số bị cáo). 

Đặc biệt, các tòa án đã thụ lý 362 vụ, với 1.039 bị cáo phạm tội tham nhũng; đã xét xử 186 vụ, với 440 bị cáo. Đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, các tòa án đã xét xử sơ thẩm 25 vụ, phúc thẩm 9 vụ, giám đốc thẩm 2 vụ án.

Các tòa án đã có nhiều đổi mới, thực hiện nhiều giải pháp, chú trọng công tác hòa giải, mặc dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh, giãn cách xã hội tại nhiều địa phương, nhưng đã nỗ lực giải quyết các vụ, việc dân sự, đạt 68,27%.

Cùng với đó, các tòa án đã chú trọng giải quyết các vấn đề dân sự trong vụ án hình sự; tịch thu công cụ, phương tiện phạm tội hoặc những tài sản do phạm tội mà có. Về cơ bản, việc xét xử các vụ án này bảo đảm chất lượng, đúng thời hạn theo Kế hoạch của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đề ra; không có trường hợp nào bị hủy để điều tra hoặc xét xử lại về phần trách nhiệm hình sự; đã xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, gây ra hậu quả đặc biệt lớn, được dư luận xã hội quan tâm.

Các tòa án cũng đưa ra xét xử kịp thời, áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người phạm tội liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh.

Cũng theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, chưa có trường hợp kết án oan người vô tội được phát hiện. Chất lượng xét xử tiếp tục được nâng lên; tỷ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm so với năm trước và đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. Việc tranh tụng tại phiên tòa được tiếp tục chú trọng theo hướng bảo đảm thực chất, hiệu quả.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết chỉ rõ những hạn chế, đó là: Tỷ lệ giải quyết án hình sự giảm 4,4% về số vụ so với cùng kỳ năm trước, chưa đạt chỉ tiêu trên 88% theo yêu cầu của Nghị quyết số 96 của Quốc hội; còn 63 vụ việc dân sự quá thời hạn giải quyết theo luật định. Tỷ lệ giải quyết án hành chính còn thấp (chỉ đạt 45,04%, thấp hơn 5,93% so với cùng kỳ năm 2020)...

Ông Hoàng Văn Liên đề nghị Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp cao cần khẩn trương có các giải pháp triệt để, đột phá và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo ra sự chuyển biến thực sự cho công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, để đạt được chỉ tiêu do Quốc hội đề ra.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Các tòa án đã thụ lý 362 vụ án tham nhũng với hơn 1.000 bị cáo phạm tội
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO