Các trường đua nhau mở ngành bán dẫn, sinh viên có nhiều cơ hội việc làm, thu nhập cao

06/02/2025 14:14

(CLO) Ngành bán dẫn được xem là “mỏ vàng”, nếu có một chiến lược tổng thể và nguồn nhân lực cao đây sẽ là một mũi nhọn kinh tế nâng tầm vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều chuyên gia đánh giá, bán dẫn là thời cơ “trăm năm có một” nếu Việt Nam biết tận dụng. Vì vậy, theo học ngành này đang được xem là “thời thượng” để sinh viên vừa có việc làm, thu nhập cao, lại tiếp cận đúng xu thế công nghệ cốt lõi trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cơ hội học tập lớn

Hiện nay, nhiều trường đại học tại Việt Nam đã và đang triển khai các chương trình đào tạo chuyên ngành liên quan đến công nghệ bán dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này. Bên cạnh các trường có danh tiếng trong đào tạo kỹ sư công nghệ, thì nhiều trường mới cũng đang xúc tiến mở ngành để tuyển sinh.

Tại Trường Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhà trường hiện đang nghiên cứu mở mới chương trình đào tạo kỹ sư bán dẫn và dự kiến sẽ tuyển 100 chỉ tiêu cho năm học 2025-2026. Sinh viên theo học chương trình này sẽ được tiếp cận nội dung và phương pháp đào tạo tiên tiến với nhiều cơ hội học bổng, thực tập và việc làm hấp dẫn.

cac truong dua nhau mo nganh ban dan sinh vien co nhieu co hoi viec lam thu nhap cao hinh 1

Học ngành thiết kế vi mạch - bán dẫn sẽ có nhiều cơ hội việc làm (ảnh minh họa - nguồn Đại học Quốc gia Hà Nội).

Tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), từ năm 2025 nhà trường và Đại học Quốc lập Yang Ming Chiao Tung (Đài Loan, Trung Quốc) dự kiến sẽ đào tạo cử nhân ngành Công nghệ bán dẫn theo hình thức đào tạo liên kết 2+2 (gồm 2 năm học ở Việt Nam và 2 năm học ở Đài Loan).

Sinh viên tốt nghiệp sẽ được Đại học Quốc lập Yang Ming Chiao Tung cấp bằng cử nhân và có cơ hội được các tập đoàn TSMC, Micron… tuyển dụng.

Trước đây, Đại học Quốc lập Yang Ming Chiao Tung đã ký kết với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) hợp tác đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Công nghệ bán dẫn đầu tiên tại Việt Nam, hiện đã mở khoá thứ 5.  Tháng 6/2024, Đại học Quốc lập Yang Ming Chiao Tung cấp học bổng trao đổi cho 20 sinh viên ngành Vật lý, Hoá học, Khoa học vật liệu... sang Đài Loan học tập 2 tuần.

Bên cạnh đó các trường truyền thống như Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng đã mở các chuyên ngành như Thiết kế vi mạch, Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano, tập trung vào lĩnh vực thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử vi mạch.

Trường Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đào tạo các ngành như Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Kỹ thuật Máy tính, và Công nghệ Kỹ thuật Cơ Điện tử, hướng đến lĩnh vực thiết kế và sản xuất vi mạch bán dẫn.

Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã đặt mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, với các chương trình đào tạo tại các trường thành viên như Đại học Bách khoa và Đại học Công nghệ Thông tin. 

Đại học Đà Nẵng bao gồm các trường thành viên như Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm Kỹ thuật, và Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn cũng đã triển khai đào tạo ngành thiết kế vi mạch bán dẫn với tổng chỉ tiêu khoảng 200 sinh viên.

Đại học FPT cũng đã phối hợp với Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT, trường đã thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn, dự kiến đón sinh viên đầu tiên vào năm 2024, tập trung vào đào tạo thiết kế vi mạch và nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức đào tạo chuyên ngành Vi mạch bán dẫn trong ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử, tập trung vào công nghệ bán dẫn.

Được biết, hiện nay có 18 trường đại học được ưu tiên đầu tư ngân sách để hình thành, nâng cấp phòng thí nghiệm bán dẫn nhằm đảm bảo năng lực đào tạo ngành này.

Ngân sách sẽ đầu tư trang thiết bị, phần mềm bản quyền để hình thành, nâng cấp và hiện đại hóa các phòng thí nghiệm bán dẫn tại 18 trường công lập. Có 1.300 giảng viên ở các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp... sẽ được đào tạo chuyên sâu về ngành công nghiệp bán dẫn.

18 trường được đầu tư xây dựng phòng nghiệm gồm Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh: Đại học Đà Nẵng; Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Thái Nguyên; Đại học Huế; Học viện Kỹ thuật Quân sự; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; Đại học Giao thông Vận tải;

Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Đại học Công nghiệp Hà Nội; Đại học Vinh; Đại học Cần Thơ; Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh; Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh; Đại học Việt-Đức; Đại học Điện lực; Học viện Kỹ thuật Mật mã.

Việc có nhiều trường tham gia đào tạo cùng với sự đầu tư có hệ thống tạo cơ hội lớn cho sinh viên theo học.

cac truong dua nhau mo nganh ban dan sinh vien co nhieu co hoi viec lam thu nhap cao hinh 2

Công nghiệp bán dẫn sẽ là ngành công nghiệp mũi nhọn (ảnh minh họa- nguồn internet).

Cơ hội việc làm sau tốt nghiệp

Học ngành bán dẫn hiện được đánh giá có nhiều ưu điểm và cơ hội phát triển do đây là lĩnh vực công nghệ cao, có tiềm năng lớn trong tương lai. Ngành công nghiệp bán dẫn đang phát triển mạnh và thiếu hụt nhân lực trên toàn cầu, đặc biệt là tại Việt Nam khi các tập đoàn lớn như Samsung, Intel, Amkor, Synopsys, TSMC, NVIDIA đang đầu tư mạnh.

Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ở nhiều vị trí như thiết kế vi mạch, chế tạo chip, kiểm định vi mạch, phát triển công nghệ vật liệu bán dẫn, nghiên cứu AI hardware, IoT, robot....

Theo thống kê, mức lương của kỹ sư ngành bán dẫn rất cao, đặc biệt khi làm việc tại các công ty công nghệ lớn.

Ở Việt Nam, mức lương khởi điểm từ 15 - 30 triệu đồng/tháng và có thể lên đến hàng nghìn USD/tháng nếu có kinh nghiệm.

Làm việc trong ngành này thường có các chế độ phúc lợi tốt như bảo hiểm cao cấp, thưởng dự án, và cơ hội đào tạo nước ngoài.

Bán dẫn được xem là "trái tim" của mọi thiết bị điện tử, từ smartphone, laptop, ô tô điện, AI, IoT cho đến công nghệ vũ trụ.

Xu hướng phát triển công nghệ như AI, điện toán lượng tử, 5G/6G, xe tự hành, chip RISC-V đều cần đến vi mạch bán dẫn, giúp ngành này luôn có đà tăng trưởng mạnh mẽ.

Sinh viên học ngành này có nhiều cơ hội làm việc cho các công ty đa quốc gia như Intel, AMD, Qualcomm, NVIDIA, TSMC, Samsung, Apple, Google.

Một số công ty tài trợ khóa học, cử nhân viên đi đào tạo ở Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Sinh viên có cơ hội nghiên cứu, tiếp cận với công nghệ chế tạo chip tiên tiến như 5nm, 3nm, EUV Lithography.

Làm việc trong lĩnh vực này giúp bạn tiếp xúc với các kỹ thuật hiện đại nhất, nâng cao năng lực chuyên môn.

Bán dẫn là lĩnh vực cốt lõi giúp phát triển nền kinh tế số, công nghệ AI, công nghiệp 4.0. Làm việc trong ngành này giúp đóng góp vào sự phát triển của khoa học và công nghệ toàn cầu.

Nếu có kiến thức chuyên sâu về thiết kế vi mạch, bạn có thể tự khởi nghiệp trong lĩnh vực chip, phát triển AI hardware hoặc giải pháp công nghệ cao.

Chính sách hấp dẫn

Hiện nay, Chính phủ nước ta đang triển khai nhiều chính sách nhằm hỗ trợ và khuyến khích sinh viên theo học ngành công nghiệp bán dẫn, một lĩnh vực công nghệ cao đang phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang nghiên cứu và đề xuất cơ chế miễn, giảm học phí cho sinh viên theo học các chuyên ngành liên quan đến công nghiệp bán dẫn.

Ngoài việc miễn, giảm học phí, Bộ GD&ĐT cũng đề xuất bổ sung các chính sách học bổng nhằm hỗ trợ tài chính cho sinh viên ngành này.

Bộ GD&ĐT cũng đang khẩn trương xây dựng chương trình đào tạo chuẩn về vi mạch bán dẫn, dự kiến hoàn thành trong quý I/2025.

Chính phủ cũng đầu tư phòng thí nghiệm, các trường đại học được khuyến khích đầu tư vào phòng thí nghiệm, trang thiết bị hiện đại để phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực bán dẫn.

Bên cạnh đó, các trường cũng đang có chính sách thu hút giảng viên, chuyên gia là người nước ngoài hoặc Việt kiều đang làm việc trong lĩnh vực bán dẫn về giảng dạy và nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo trong nước.

Hiện, các trường đại học được đề nghị có chính sách ưu tiên như học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ tài chính và chỗ ở ký túc xá cho sinh viên theo học chương trình đào tạo về bán dẫn.

Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn để hỗ trợ kinh phí, cấp học bổng, tạo điều kiện thực hành, thực tập và tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Những chính sách trên nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn, đáp ứng nhu cầu của thị trường và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Các trường đua nhau mở ngành bán dẫn, sinh viên có nhiều cơ hội việc làm, thu nhập cao
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO