Các yếu tố bên ngoài đang đe dọa quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam

26/04/2023 17:03

(CLO) Nhận định kinh tế Việt Nam có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần thực hiện những giải pháp ưu tiên để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bền vững và bao trùm.

Lo lắng từ những cơn gió ngược

Cuốn báo cáo đầu tiên về kinh tế Việt Nam đầu tiên do OECD và ADB thực hiện vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ADB công bố sáng nay (26/4) dự kiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khá vững chắc cho dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, tăng trưởng GDP năm 2023 đạt khoảng 6,5% và năm 2024 là 6,6%. Tuy nhiên các điều kiện bên ngoài đang đe dọa quá trình phục hồi.

“Việc tham gia tích cực vào thương mại toàn cầu là một yếu tố góp phần vào sự thịnh vượng của Việt Nam, nhưng điều đó có nghĩa rằng Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi đột ngột của điều kiện bên ngoài”, bản báo cáo này nhận định.

cac yeu to ben ngoai dang de doa qua trinh phuc hoi kinh te viet nam hinh 1

Ông Vincent Koen, Phó Vụ trưởng Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD lưu ý: Triển vọng kinh tế toàn cầu hiện nay có nhiều bất ổn và thế giới vẫn tiếp tục lo lắng về những “cơn gió ngược” đã quan sát được với nhiều rủi ro và nguy cơ.

Những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới, ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Lạm phát cao, chuỗi cung ứng gián đoạn, cầu thế giới giảm, nhiều ngân hàng trung ương tiếp tục nâng cao lãi suất để đối phó với lạm phát khiến các chi phí cho hoạt động kinh tế tăng cao trong tương lai gần, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của một số quốc gia.

Cũng theo báo cáo này: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo là vững chắc, nhưng có những rủi ro suy giảm đáng kể. Gián đoạn các chuỗi cung ứng có thể tiếp tục ảnh hưởng tới thương mại toàn cầu. Và rủi ro suy giảm gồm cả lạm phát cao ngoài dự kiến và việc nhanh chóng thắt chặt chính sách tiền tệ ở Việt Nam để ứng phó với áp lực lạm phát hoặc áp lực giảm tỷ giá hối đoái

Theo ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng ADB, trong hơn 3 thập niên, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ kinh tế nổi bật, duy trì mức tăng trưởng gần 7% là điều rất ít quốc gia đạt được. “Đại dịch Covid-19 đã làm chậm lại bước tiến này, nhưng Việt Nam đã nỗ lực rất lớn để kiểm soát dịch bệnh, linh hoạt các giải pháp điều hành, mở cửa mạnh mẽ nên tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì, dù phải đối mặt với nhiều bất lợi”, ông Cường nói.

Nhưng vị chuyên gia này lưu ý: Nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là tình trạng dân số sẽ già hoá nhanh sẽ gây áp lực với chi tiêu công khi độ bao phủ của hệ thống hưu trí vẫn ở mức thấp. Lao động làm việc tự do và lao động làm việc không thường xuyên đang có xu hướng gia tăng, đòi hỏi Chính phủ cần tăng mức độ bảo trợ xã hội.

Quá trình biến đổi khí hậu cũng đang là một thách thức đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong trước mắt và dài hạn. Và tỷ trọng thuế/GDP tương đối cao so với các nước trong khu vực; Bên cạnh đó, mức độ tích luỹ vốn còn ít và năng năng suất lao động thấp. Đây là những yếu tố then chốt cần lưu ý.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đã nhanh chóng hồi phục sau những đợt suy thoái do đại dịch gây ra, nhờ phản ứng chính sách nhanh nhạy. Sau 3 năm bùng phát đại dịch Covid-19, nền kinh tế đã bộc lộ nhiều vấn đề. Bên cạnh những thách thức từ bên ngoài thì thách thức lớn nhất vẫn là các yếu tố nội tại của nền kinh tế đến từ những bất ổn về thị trường tài chính, thị trường lao động, tình trạng già hoá dân số, chất lượng thể chế chưa cao... ngày càng bộc lộ rõ nét khi chịu tác động kép từ đại dịch Covid-19 và các yếu tố bên ngoài.

Những thông điệp chính

Báo cáo đưa ra một số thông điệp chính, đó là: Chính sách kinh tế vĩ mô cần giúp tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế. Trong ngắn hạn, cần ưu tiên giảm thiểu tác động của giá năng lượng cao thông qua hỗ trợ có đối tượng mục tiêu cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương, thay vì thực hiện những biện pháp tài khóa mở rộng hơn nữa.

Giải pháp trong trung hạn là củng cố các khung chính sách kinh tế vĩ mô bằng cách cải thiện tính bền vững tài khóa thông qua mở rộng cơ sở thuế. Đồng thời tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội và giảm quy mô của khu vực kinh tế phi chính thức.

Thứ hai, để duy trì tăng trưởng cao sau khi phục hồi, cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số. Việc khơi dậy sức sống và tinh thần doanh nhân đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực theo hướng tinh giản các quy định, tăng tính minh bạch của các quy trình điều tiết và tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các bên tham gia thị trường.

Thứ ba, cần có hành động chính sách mạnh mẽ hơn để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Cần phải duy trì mức đầu tư cao cho năng lượng tái tạo và theo đuổi hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn. Định hướng này có thể được hiện thực hóa thông qua cách tiếp cận chính sách toàn diện, trong đó ưu tiên đầu tư nhà nước và tư nhân hiệu quả, thiết lập các quy định tạo thuận lợi, tạo cơ chế để giá cả thị trường phản ánh tốt hơn hàm lượng carbon.

Thứ tư, cần tăng tốc chuyển đổi số trên mọi mặt trận. Chuyển đổi số đang làm thay đổi mọi mặt của nền kinh tế. Cần tăng cường môi trường tạo thuận lợi để đẩy nhanh quá trình số hóa. Rất nhiều quy định, gồm cả các quy định về dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới cần được nới lỏng nhưng cần ăng cường bảo vệ quyền riêng tư và an ninh mạng. Những cải cách này cũng rất quan trọng để nâng cao mức độ tinh vi trong sản xuất, giúp tăng cường sự hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến các giải pháp dài hạn, trong đó tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu. Về ngắn hạn các chuyên gia cũng lưu ý đến các vấn đề của thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản và áp lực của điều hành kinh tế vĩ mô.

Gánh nặng lên chính sách tiền tệ rất lớn, nếu cứ dồn gánh nặng lên chính sách tiền tệ có thể tạo rủi ro lớn trong tương lai, nợ xấu sẽ tăng lên. Nếu trái phiếu doanh nghiệp vỡ nợ sẽ tăng nợ xấu. Nhưng nếu chính sách tiền tệ nếu cứ loay sẽ hoay tắc nghẽn thị trường vốn. Trong bối cảnh thị trường vốn đang tắc nghẽn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp then chốt để tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm gánh nặng vốn vào hệ thống ngân hàng và thị trường tiền tệ.

"Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023 là một tài liệu quan trọng, lần đầu tiên OECD thực hiện cho Việt Nam với những đánh giá khoa học, khách quan và có tính xây dựng. Báo cáo sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng đối với nhiều bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu của Việt Nam trong quá trình tham mưu xây dựng chính sách trong thời gian tới", Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu trong buổi công bố báo cáo.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Các yếu tố bên ngoài đang đe dọa quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO