Bệnh có tính chất nhịp điệu và chu kỳ
Cháu Đặng Ngọc Lan (14 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) đang học trên lớp bỗng nhiên thấy đau bụng dữ dội và nôn ra máu, nhà trường phải gọi xe cấp cứu đưa cháu vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BV108). Sau 4 ngày được điều trị tích cực và truyền máu tại phòng cấp cứu, tình trạng sức khỏe cháu đã dần ổn định. Nhìn con thiêm thiếp trên giường bệnh, chị Bành Thị Thanh, mẹ cháu Ngọc Lan cho biết, những lần trước con bị đau bụng ngâm ngẩm, chị cứ nghĩ con đau bụng chu kỳ kinh nguyệt nên không để ý. Cách đây 2 tháng thấy cháu đau nhiều, đưa con đi nội soi thì bác sĩ phát hiện cháu bị viêm loét dạ dày. Chị Thanh cho biết: “Mặc dù bác sĩ cũng dặn dò về nhà ngoài việc uống thuốc, phải sinh hoạt, học hành và ăn uống điều độ; kiêng thịt gà, chuối tiêu, đu đủ, nước có gas… Nhưng thời gian này, cháu học thêm quá nhiều để chuẩn bị cho đợt thi chuyển cấp nên hay thức khuya dậy sớm. Có lúc con bỏ ăn sáng, chỉ uống cà phê cho đỡ buồn ngủ”.
Theo anh Lê Thanh Khải (46 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội), mấy hôm trời trở lạnh, bệnh dạ dày lại tái phát, phải nhập viện. Anh Khải cứ ân hận mãi vì mấy ngày qua, anh đi công tác ở Hải Phòng, bữa nào anh cũng nhâm nhi rượu khi thưởng thức món đặc sản bún cá. “Tôi bị viêm bờ cong và loét dạ dày cũng lâu rồi, nhưng những lúc trời lạnh thì hay tái phát. Mặc dù biết bệnh của mình nhưng khi vui, việc quá chén với bạn bè là khó tránh”, anh Khải chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Cảnh Bình đang nội soi dạ dày cho bệnh nhân
Theo PGS.TS Nguyễn Cảnh Bình, Phó Chủ nhiệm khoa Nội tiêu hóa, BV108, bệnh đau dạ dày ngoài việc điều trị dùng thuốc thì yếu tố tâm lý và chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng quyết định kết quả điều trị và giúp người mắc căn bệnh này ổn định không bị tái phát. Các bệnh dạ dày thường do nhiều nguyên nhân gây nên như stress, áp lực công việc, đặc biệt những bệnh này có tính chất nhịp điệu và chu kỳ - nghĩa là tính chất đau của nó thay đổi trong ngày và tái phát từng đợt theo mùa, đặc biệt thời tiết lạnh là thời điểm rất thuận lợi để bệnh dạ dày tái phát.
Điều đáng nói, hiện nay có nhiều bệnh nhân đến BV108 để điều trị bệnh viêm loét dạ dày khi ở tuổi học trò do chế độ sinh hoạt thiếu khoa học như thường thức quá khuya để học bài, hôm sau dậy muộn lại không kịp ăn uống… và do áp lực học hành gây nên stress.
Nên thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt
PGS.TS Nguyễn Cảnh Bình chỉ ra rằng, đau dạ dày có thể do viêm hoặc loét dạ dày. Cơ chế sinh bệnh này là do tác động của axit và pép sin làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Những chất axit có thể do dạ dày tăng tiết hoặc cộng thêm từ thức ăn đưa vào. Người bệnh phải nhận biết được những tổn thương ở dạ dày và những triệu chứng của nó: Thứ nhất là đau ở vùng thượng vị (trên rốn và ức); Thứ hai là bệnh gây ra chướng bụng, đầy bụng và đau tức bụng; Thứ ba là hay ợ hơi, ợ chua. Điều cần chú ý, những triệu chứng liên quan đến bữa ăn là: lượng và chất trong thức ăn. Xét về mặt cơ học, khi ăn nhiều quá làm dạ dày căng giãn nhiều, dễ kích thích gây đau và gây tổn thương dạ dày. Còn về mặt hóa học, ở trong thức ăn có những chất cay, chua… là những chất “chỉ điểm” làm cho những người bị bệnh dạ dày khi ăn vào có triệu chứng ngay như: đau, nóng, rát… Chẳng hạn bắt đầu từ một đợt viêm cấp (có thể do ngộ độc thức ăn, dùng thuốc chống viêm giảm đau hoặc nhiễm khuẩn H.Pylori (Helicobacter Pylori)…), những yếu tố này được coi là yếu tố tấn công lên hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày. Nếu không chữa trị kịp thời dứt điểm, sẽ gây viêm loét hoặc xung huyết dạ dày và dễ dẫn đến viêm mạn tính. Nếu chẳng may ăn uống phải chất dễ gây kích ứng dạ dày như chuối tiêu, đu đủ, rượu, thậm chí đồ nhiễm khuẩn… niêm mạc dạ dày có thể lại bị kích ứng và tái phát viêm bất cứ lúc nào.
“Người bệnh dạ dày cần tránh những đồ ăn lạnh, các chất kích thích và hút thuốc lá bởi những yếu tố đó khiến mạch máu ở bề mặt niêm mạc co lại, ảnh hưởng tới việc cung cấp máu cho thành dạ dày. Thiếu máu, khiến dạ dày dễ tổn thương hơn”, PGS.TS Nguyễn Cảnh Bình. |
“Khi đau, người bệnh có cảm giác lo sợ, buồn chán, gây mất ngủ, càng làm cho bệnh nhân căng thẳng, stress, các xung động dẫn truyền qua các sợi thần kinh ly tâm trong trục thần kinh não - nội tạng kích thích bề mặt niêm mạc dạ dày, khi ấy axit và pép sin trong dạ dày càng tiết ra nhiều, hàng rào bảo vệ niêm mạc bị tổn thương, tạo điều kiện cho chúng tấn công vào niêm mạc dạ dày, khiến niêm mạc dạ dày cũng bị tổn thương, bệnh nhân đau nhiều hơn; từ đó lại gây mất ngủ và lo sợ… Như vậy, tạo thành vòng xoắn bệnh lý khép kín”, PGS.TS Cảnh Bình phân tích.
Do vậy, bệnh nhân cần hiểu cơ chế sinh bệnh và biết cách ăn uống, giúp hỗ trợ bài tiết có lợi cho tiêu hóa, như: Ăn uống điều độ, ăn đúng bữa. Việc nhai kỹ sẽ tiết ra nhiều nước bọt hơn, rất tốt cho việc bảo vệ niêm mạc dạ dày; không nên ăn no quá hoặc để đói quá. Nên ăn nhiều bữa và hạn chế những chất kích thích và đồ uống có gas như pepsi, cocacola, rượu, bia. Cần hâm nóng thức ăn để trong tủ lạnh; Tránh thực phẩm chiên rán và đồ chua cay, đồ có nhiều axit như dưa, cà muối. Ngoài ra, bệnh nhân cần tăng cường sức đề kháng cho dạ dày bằng cách bổ sung các loại vitamin từ các loại rau, củ, quả.
PGS.TS Cảnh Bình cũng lưu ý, nguy cơ tăng đau dạ dày (trong bệnh cảnh rối loạn chức năng tiêu hóa nói chung) nếu không biết cách giữ ấm và để cơ thể lạnh đột ngột, chẳng hạn như buổi sáng thức giấc, tung chăn vùng dậy, khi ấy đường tiêu hóa dễ bị kích thích. Do vậy, cần một thời gian nhất định để cơ thể thích nghi, tránh bị nhiễm lạnh bằng cách che áo kín bụng và dậy từ từ./.
Lưu Hường