Cách kiểm soát và cải thiện chứng tăng sắc tố da
(CLO) Chứng tăng sắc tố da thường không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng khiến chị em thiếu tự tin. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến việc tăng sắc tố da? Kiểm soát việc tăng sắc tố da như thế nào cho đúng cách?
Một số loại tăng sắc tố da thường gặp là nám và sạm nắng. Trong đó nám là do sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mang thai. Các khu vực tăng sắc tố da xảy ra phổ biến ở bụng và mặt, tuy nhiên nó có thể diễn ra ở bất kỳ khu vực nào trên cơ thể.
Sạm nắng gây ra bởi bạn phơi nắng quá mức trong thời gian dài. Tăng sắc tố da biểu hiện dưới dạng xuất hiện các đốm da ở các khu vực tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như bàn tay, mặt.

Nám da và sạm nắng không quá nguy hiểm nhưng sẽ làm mất vẻ đẹp cũng như sự tự tin của phụ nữ.
Nguyên nhân tăng sắc tố da
Những nguyên nhân dẫn đến dư thừa melanin chủ yếu liên quan đến tia UV trong ánh nắng mặt trời. Khi da tiếp xúc với ánh nắng, các tế bào melanocytes tạo ra lượng sắc tố melanin làm cho da bị sạm. Ở một số người có làn da trắng, tế bào melanocytes sản xuất nhiều melanin hơn những người khác để phản ứng, bảo vệ da.
Bên cạnh đó, yếu tố cơ bản như di truyền, tuổi tác, nội tiết tố, sẹo, viêm nhiễm, dị ứng và các triệu chứng bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến việc tăng sắc tố da.
Cách kiểm soát và cải thiện chứng tăng sắc tố da
Cách kiểm soát và cải thiện chứng tăng sắc tố da khá phức tạp cũng như tốn nhiều thời gian, chi phí. Hơn nữa, không phải phương pháp nào cũng thu được hiệu quả lâu dài, bởi việc sửa chữa, phục hồi tế bào da, lớp màng bảo vệ là cả một quá trình.

Việc bôi kem chống nắng là rất quan trọng nếu muốn giữ cho da không đen sạm.
Điều cần làm nhất để bảo vệ da mỗi ngày là bôi kem chống nắng có SPF từ 30 trở lên; hạn chế tiếp xúc hoặc che chắn kỹ lưỡng dưới ánh nắng mặt trời, đặc biệt trong khoảng thời gian cao điểm từ 10h - 15h.
Chị em phụ nữ cũng cần tránh chạm/nặn mụn, làm trầy xước, tổn thương da. Nếu da đang trong tình trạng bỏng rát, sử dụng sản phẩm chiết xuất từ lô hội, tảo, trà xanh... để làm dịu, tránh sạm da.