Cách nào lấy lại niềm tin của người dân với quản lý thị trường dược phẩm?
(NB&CL) Nhiều vụ việc thuốc giả bị phanh phui, người dân hoang mang không biết đặt niềm tin vào đâu, trong khi chính các cơ sở kinh doanh thuốc cũng hoang mang. Cần chế tài chặt chẽ trong kiểm nghiệm để hạn chế tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
Cơ sở bán thuốc chỉ biết “tin tưởng”
Chị Nguyễn Thị H. có thâm niên hơn 10 năm kinh doanh trong nghề dược phẩm tại quận Hoàng Mai, Hà Nội. Trước thông tin nhiều về sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng giả, chị H. vô cùng hoang mang và chỉ lựa chọn sản phẩm ở các nhà thuốc lớn, uy tín và xuất được hóa đơn đỏ.
Chị H. chia sẻ: “Từ sau các sự việc vừa qua, mỗi lần đi nhập thuốc tôi phải kiểm tra kỹ hơn về thời hạn sử dụng thuốc, nguồn gốc của công ty sản xuất. Đặc biệt, tôi luôn yêu cầu phải có hóa đơn đỏ để đề phòng khi cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra. Nếu tất cả làm đúng theo quy định thì ít có vấn đề xảy ra”.

Theo chị H, thường các nhà kinh doanh luôn tin tưởng vào nhà phân phối, nhà sản xuất những công ty lớn. Các công ty không thể vì lợi nhuận mà đánh mất đi danh tiếng, thương hiệu.
Chị P. T. T. N (ở Hà Nội) đã có thâm niên làm việc 20 năm tại một công ty dược phẩm chia sẻ: “Sau các vụ thuốc giả vừa qua, việc kinh doanh tại nhà thuốc của tôi bị ảnh hưởng khá nhiều. Hệ thống bán lẻ cũng cẩn trọng hơn trong quá trình nhập thuốc. Đa số người mua hàng tin vào người bán vì theo quy định chúng tôi phải được Sở Y tế cấp phép khi đứng quầy thuốc. Tuy nhiên, với mặt hàng thực phẩm chức năng hiện vẫn còn đang khá buông lỏng”.
Theo chị N. thời điểm này chính là “thời điểm thanh lọc”, những công ty làm ăn không minh bạch, không đúng quy định sẽ không tồn tại được. Cơ quan quản lý nhà nước cần làm mạnh để thanh lọc “con sâu làm rầu nồi canh” ở thị trường dược phẩm Việt Nam.
Dược sĩ N. N. D - chủ một Công ty Dược trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Cửa hàng chúng tôi cũng tăng cường kiểm tra công tác kiểm tra nhất là lúc nhập hàng. Phải có giấy thẩm định, kiểm nghiệm thuốc đạt yêu cầu, chúng tôi mới nhập hàng”.
Tăng cường truy xuất nguồn gốc
Theo Ths. Chu Đăng Trung, Trưởng phòng Pháp chế hội nhập, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế thông tin về vấn đề quản lý thuốc, nguyên liệu làm thuốc thì phân cấp thẩm quyền thu hồi thuốc cho Sở Y tế các tỉnh thành trong trường hợp thu hồi bắt buộc đối với thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng được phát hiện trên địa bàn. Điều này nhằm mục đích kịp thời xử lý và thu hồi thuốc vi phạm chất lượng trên địa bàn quản lý, đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.

Liên quan đến câu chuyện hạn chế tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, TS. Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược chia sẻ về các giải pháp mà Bộ Y tế đang triển khai. Bộ đang thực hiện rà soát các quy định của pháp luật theo hướng tăng cường chế tài xử lý để đảm bảo tính răn đe; tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các cấp quản lý; xây dựng cơ sở dữ liệu thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành, kết nối liên thông các cơ sở kinh doanh dược để truy xuất thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của thuốc.
“Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp; và tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan và lực lượng quản lý thị trường để xử lý các trường hợp kinh doanh, bán thuốc qua mạng không đúng quy định”, TS. Tạ Mạnh Hùng thông tin thêm.