Cách nhận diện thuốc giả, thuốc kém chất lượng
(CLO) Dược sĩ Nguyễn Thị Kim Yến, Trưởng khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sẽ cung cấp cho bạn đọc cách nhận biết thuốc giả, thuốc kém chất lượng trên thị trường dược phẩm.
Để giúp người dân phát hiện và tránh mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, Dược sĩ Nguyễn Thị Kim Yến, Trưởng khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Phương Đông đưa ra một số khuyến cáo chuyên môn:
Thứ nhất: Nên mua thuốc tại nơi uy tín, chỉ nên mua thuốc ở các nhà thuốc, quầy thuốc hợp pháp có giấy phép, biển hiệu rõ ràng và có dược sĩ tư vấn. Tránh mua thuốc trôi nổi tại chợ, qua mạng xã hội, livestream… vì những nguồn này khó kiểm soát chất lượng và dễ bán thuốc giả.
Thứ hai: Phải kiểm tra kỹ bao bì, nhãn mác, thuốc thật thường có bao bì in ấn sắc nét, thông tin đầy đủ về tên thuốc, hoạt chất, nhà sản xuất, số đăng ký, số lô, hạn sử dụng... Bao bì phải còn nguyên vẹn, không rách nát hay bị tẩy xóa. Nếu thấy bao bì mờ nhòe, in sai chính tả, thiếu thông tin quan trọng hoặc tem niêm phong bị rách, đó có thể là dấu hiệu thuốc giả hoặc thuốc đã bị can thiệp.
Thứ ba: Người tiêu dùng phải quan sát hình thức thuốc, kiểm tra trực tiếp viên thuốc hoặc lọ thuốc bên trong. Thuốc viên chất lượng phải có hình dạng, màu sắc đồng nhất; không xuất hiện mốc chấm đen, không bị ẩm ướt hay bể vụn. Trong vỉ thuốc không nên có nhiều bột vụn (do viên thuốc vỡ). Thuốc nước hoặc thuốc tiêm phải trong suốt, không được vẩn đục, đổi màu hay có cặn lắng bất thường. Nếu phát hiện thuốc có dấu hiệu ẩm mốc, biến chất, tuyệt đối không nên sử dụng.
.jpg)
Thứ tư: Kiểm tra mã xác thực (nếu có), nhiều thuốc chính hãng có mã vạch hoặc mã QR trên bao bì để người dùng kiểm tra thông tin nguồn gốc. Hãy dùng điện thoại thông minh quét mã hoặc sử dụng ứng dụng tra cứu của nhà sản xuất/Cục Quản lý Dược (nếu có) để đối chiếu xem thông tin thuốc quét được có trùng khớp với sản phẩm không. Một số thuốc có mã số bí mật dưới lớp phủ cào để nhắn tin xác thực hàng chính hãng – người dùng nên tận dụng nếu sản phẩm cung cấp tính năng này.
Thứ năm: Cảnh giác với giá cả bất thường, thuốc giả thường được chào bán với giá rẻ hơn nhiều so với thuốc thật do sản xuất bằng nguyên liệu kém hoặc không có hoạt chất. Vì vậy, nếu gặp một loại thuốc có mức giá quá rẻ bất thường so với mặt bằng chung, người mua nên thận trọng và kiểm tra kỹ nguồn gốc, chất lượng trước khi mua.
Thứ sáu: Tham khảo ý kiến chuyên gia, khi có bất kỳ nghi ngờ nào về thuốc đang sử dụng (ví dụ thuốc uống vào không thấy hiệu quả như trước, hoặc có biểu hiện lạ), người dân nên hỏi ý kiến dược sĩ hoặc bác sĩ để được tư vấn kiểm tra. Nếu phát hiện thuốc nghi là giả hoặc kém chất lượng, cần báo ngay cho cơ quan y tế (như Sở Y tế hoặc Cục Quản lý Dược) để cơ quan chức năng có biện pháp kiểm tra, thu hồi kịp thời. Điều này vừa bảo vệ bản thân người bệnh, vừa góp phần ngăn chặn thuốc giả lan rộng trên thị trường.
Theo Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): Người sản xuất, buôn bán thuốc giả có thể bị phạt ở mức cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, nếu: - Thu lời bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên; - Làm chết 02 người trở lên; - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; - Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. |