Xã hội

Cái giá của một bữa tiết canh: Hôn mê, thở máy, tử vong

Văn Hiền 17/07/2025 07:19

(CLO) Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận 3 ca bệnh nguy kịch do nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn, đều xuất phát từ cùng một lý do: ăn tiết canh. Đáng chú ý, các bệnh nhân đều đến từ xã Quỳnh An, Hưng Yên, nơi món ăn khoái khẩu này vẫn phổ biến tại các quán vỉa hè.

Một trong những trường hợp nhập viện là anh.H (38 tuổi, tài xế xe tải, tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu của gia đình). Sau hai ngày ăn tiết canh vịt, anh bắt đầu thấy nóng, sốt và cho rằng chỉ là cảm cúm thông thường.

Tôi uống thuốc hạ sốt rồi vẫn đi làm bình thường. Đến nửa đêm thì đau đầu, mệt mỏi, phải nằm lại xe cả ngày”, anh H kể.

z6810915022905_2753dbcda61c912ca73eb9bb9982d311.jpg
Sức khoẻ của anh H đã được ổn định sau quá trình cấp cứu vì ăn tiết canh lợn. Ảnh: Văn Hiền

Sau khi thăm khám ở bệnh viện Hải Phòng, anh được chẩn đoán sốt do cúm C. Tuy nhiên, khi biết ở làng có người ăn tiết canh rồi nhập viện, anh lập tức xin chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.

Tại đây, anh được xác định mắc viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn – loại vi khuẩn cực nguy hiểm lây truyền từ lợn sang người. Rất may, sau nhiều ngày điều trị tích cực, sức khỏe anh đã ổn định. Anh thừa nhận: “Trước tôi vẫn thi thoảng ăn tiết canh vịt, vì ở làng cũng chưa thấy ai bị sao. Nhưng giờ thì sợ rồi, nhìn thấy tiết canh là ám ảnh!”

Khác với may mắn của anh H., một bệnh nhân khác – ông N.V.T (63 tuổi) – cùng quê, thường xuyên ăn tiết canh (trung bình mỗi tuần một lần) lại rơi vào tình trạng nguy kịch hơn.

z6810915039692_38214270ff6237624e65d85182b2e839.jpg
Bệnh nhân nam 63 tuổi ở xã Quỳnh An, Hưng Yên thường xuyên ăn tiết canh, trung bình 1 tuần bệnh nhân ăn tiết canh một lần, thời gian gần đây sau khi ăn tiết canh lợn ở một quán quen, bệnh nhân có dấu hiệu mệt mỏi, buồn nôn.
z6810915045583_a97ce984dbc965583767396c37857466.jpg
Sau khi kiểm tra, làm xét nghiệm, bệnh nhân được xác định là nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn.

Sau khi ăn tiết canh lợn tại quán quen, ông thấy buồn nôn, chóng mặt rồi hôn mê. Ông được chuyển lên Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng phải thở máy. Xét nghiệm xác nhận: nhiễm liên cầu lợn.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Chúng tôi tiếp nhận ba bệnh nhân từ Hưng Yên, đều có biểu hiện sốt cao, đau đầu, trong đó có một bệnh nhân hôn mê sâu. Chùm ca bệnh này có liên quan rõ ràng đến việc ăn tiết canh, chúng tôi ghi nhận ít nhất 3 ca tử vong trước đó cũng liên quan đến liên cầu lợn”.

Vi khuẩn liên cầu lợn thường tồn tại trong tiết, thịt sống của lợn mang mầm bệnh. Khi ăn tiết canh chưa được nấu chín kỹ, nguy cơ lây nhiễm rất cao. PGS Cường cảnh báo: “Người mắc có thể nhanh chóng rơi vào tình trạng nhiễm trùng huyết, viêm màng não, suy đa tạng, thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời. Đây là bệnh truyền từ động vật sang người, không có vắc-xin phòng bệnh, chỉ có thể điều trị bằng kháng sinh nếu phát hiện sớm".

z6810915031449_b53e20800c3afd1b60c018e82aa12011.jpg
Bác sĩ khuyến cáo người dân không nên ăn tiết canh lợn, không ăn thịt lợn sống. Những người thường xuyên tiếp xúc với lợn cũng cần sử dụng đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động, đồng thời xử lý cẩn trọng các vết thương hở để phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh.

Không chỉ tiết canh lợn, nhiều người chủ quan nghĩ ăn tiết canh ngan, vịt hay dê là an toàn. Thạc sĩ Hoàng Quốc Thái Bình (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Thực tế, nhiều hàng quán pha lẫn tiết lợn vào các món tiết canh khác để tăng độ đông, màu sắc. Vì thế, nguy cơ nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn vẫn rất cao.

Bác sĩ Bình cũng lưu ý thêm: “Không chỉ tiết canh, các món ăn sống như nem chua, thịt lợn tái, lợn mán chưa nấu kỹ… đều tiềm ẩn nguy cơ cao lây nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn và ký sinh trùng.

Các chuyên gia khuyến cáo: người dân tuyệt đối không ăn tiết canh lợn, không ăn thịt sống, thịt tái. Những người làm nghề mổ lợn, chế biến thực phẩm từ thịt lợn cần sử dụng đầy đủ bảo hộ lao động, xử lý kỹ các vết thương ngoài da để tránh nguy cơ xâm nhập vi khuẩn.

Khi có biểu hiện như sốt cao, đau đầu, buồn nôn, xuất huyết, hôn mê… sau khi ăn thực phẩm nghi nhiễm, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tiết canh dù ngon đến đâu cũng không đáng đổi bằng tính mạng”, bác sĩ Cường nhấn mạnh.

Một bát tiết canh có thể chứa hàng triệu vi khuẩn, đừng để sự chủ quan trở thành cái giá phải trả bằng cả cuộc đời.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cái giá của một bữa tiết canh: Hôn mê, thở máy, tử vong
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO