Cùng quẫn và tuyệt vọng giữa "hỏa ngục"
Sẽ khó có thể dùng từ ngữ nào để tả lại, kể lại, khái quát lại cảm giác của hàng ngàn con người ở Carina Plaza. Họ đã không biết đi đâu, làm gì, chạy đường nào, kêu cứu ai… khi khói ùn ùn xộc vào nhà lúc nửa đêm (dù phát cháy ở tầng hầm) và xung quanh như hỏa ngục bởi hiệu ứng "lò cao"; không một còi hụ nào kêu; không một đèn báo cháy nào lóe sáng; không một giọt nước nào rơi xuống; không một nhân viên quản lý nào đủ khả năng ngăn chặn thảm họa. Họ như bị đẩy và hỏa ngục giữa cơn ngái ngủ.
Tại Carina Plaza, các căn hộ nóng và khói như hỏa ngục vì hiệu ứng lò cao - Ảnh TL
Nỗi đau đớn, tuyện vọng của ngàn ngàn con người, cả đã chết, thoát chết và đang sống đã được Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc CA TP.HCM đề cập thẳng.Theo vị tướng đầu bạc này, nguyên nhân dẫn đến hậu quả lớn như vậy là do hệ thống cửa ngăn cháy đã bị kê lại. Việc này dẫn tới lối thoát hiểm là cầu thang bộ bị hiệu ứng "lò cao", khí độc, khói bốc lên tới tầng 14 của chung cư. Ông Minh cũng nói, ngoài những vi phạm về cửa ngăn cháy, lối thoát hiểm, thì các tầng không có tín hiệu báo cháy, hướng dẫn thoát hiểm (?)
Còn vị Quyền Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết: Chung cư Carina không có hệ thống báo cháy, không có lực lượng chữa cháy tại chỗ lúc lửa bùng phát. Các tầng hầm thông với nhau (22.000 m2), cửa ngăn cháy từ tầng hầm lên tầng 1 để hở do bị chèn đá, khiến khói bốc lên bao trùm toàn bộ tòa nhà (?)
Nhiều người dân đã bị bất ngờ, phải tự cứu mình và hàng xóm - Ảnh TL.
Không hệ thống báo cháy, không lực lượng chữa cháy tại chỗ, khói nóng ngùn ngụt vì hiệu ứng lò cao…, hơn 1000 con người ở Carina Plaza đã rơi vào cảnh cùng quẫn và tuyệt vọng. Họ tự tuột xuống và rơi tự do. Họ nhảy từ độ cao vài chục mét xuống sàn bê tông. Họ dẫm đạp nhau. Họ không thấy đường đi giữa khói lửa mịt mùng và đành quay về phòng để cùng nhau ngạt khói… Thật may, lực lượng chữa cháy đã có mặt và cứu trực tiếp được 20 người, giúp hơn 1.000 người thoát hiểm.
Có một cuộc chữa cháy và giải cứu được xem là "ngoạn mục". Nhưng hơn 1.000 con người đã được cứu sống sẽ ra sao nếu thảm họa xảy ra vào lúc tan tầm, xe cộ nhích từng centimet?
Điểm mặt những "sát nhân"
Có quá lời hay không khi gọi những chủ đầu tư không quan tâm tới hệ thống báo cháy, PCCC tại chỗ, những cán bộ quản lý về PCCC làm việc cẩu thả, tắc trách là những sát nhân?
Chung cư "5 sao" Sài Gòn Pearl cũng bị cháy - Ảnh: KTĐT
Báo chí, dư luận suốt nhiều năm qua đã ra rả những bài viết, chia sẻ về tình trạng nhà chung cư mất an toàn cháy nổ. Nhưng họ tự nói, tự viết, rồi tự đọc, tự nghe. Tất cả như chìm vào im lặng. Thực tế, có rất nhiều chung cư, thậm chí được gắn mác cao cấp nhưng không đảm bảo các quy chuẩn an toàn PCCC; Hệ thống kỹ thuật vận hành tòa nhà thỉnh thoảng lại bị trục trặc, báo động cháy giả; Sống mãi với những báo động giả thật lẫn lộn, người dân đã trở nên chủ quan, khinh suất…
Mới đây thôi, rạng sáng ngày mùng 4 Tết Mậu Tuất (19/2/2018), cư dân sống tại chung cư Phố Đông (Quận 9, TP.HCM) bỗng nghe chuông báo cháy, loa yêu cầu di tản ra ngoài. Cư dân chạy như ong vỡ tổ vì báo động "nhầm".
Và khoảng cách giữa "giả" và "thật" ở đây (hệ thống báo cháy, vật liệu, tiêu chuẩn an toàn...) cũng thật... mong manh.
Một mẫu cửa Công ty Cổ phần gỗ An Cường có sử dụng ván MDF - Ảnh: KTĐT
Trường hợp điển hình đã xảy ra tại chung cư HQC Plaza do Địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư (Huyện Bình Chánh, TP.HCM). Chung cư này đã bốc cháy trong đêm, nguyên nhân ban đầu được xác định là do chập điện. Và khi đó, chung cư này chưa được nghiệm thu hệ thống PCCC nhưng vẫn cho dân vào ở (?)
Hay như vụ cháy tại chung cư “5 sao” Saigon Pearl cao 37 tầng (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) vào 17/4/2017 vừa qua. Rất may, Cảnh sát PCCC kịp thời có mặt, dập tắt đám cháy. Hơn 1.000 người dân ở 296 căn hộ nơi nay gặp một phen "hồn xiêu phách lạc".
Đó là những trường hợp may mắn. Còn nếu lực lượng chữa cháy không kịp dập lửa, thì các vật liệu cấu thành căn hộ hiện nay có chịu đựng được ngọn lửa và luồng khói độc hay không?Theo quy chuẩn xây dựng nhà chung cư Việt Nam (Quy chuẩn 06), hệ thống cửa thoát hiểm, cửa chính căn hộ chung cư phải có thanh chặn khói; Chất liệu của thoát hiểm phải là cửa thép; Cửa chính căn hộ phải bằng chất liệu chống cháy, có khả năng chống chịu ít nhất trong 45 phút… Những quy định trên là để nếu có hỏa hoạn, lực lược PCCC có thời gian triển khai nhiệm vụ, người dân có đủ thời gian thoát ra khỏi tòa nhà.
Nhưng trên thực tế, hầu hết các chung cư từ trung bình tới cao cấp mà báo chí phản ánh đều không đáp ứng được các tiêu chuẩn kể trên, khi cửa chính làm từ gỗ ép, gỗ tự nhiên, thậm chí là cửa nhựa lõi sắt rất dễ cháy; khoảng hở giữa cửa và nền nhà cũng thênh thang mời khói độc tràn vào… Ai đã nghiệm thu hệ thống PCCC, tiêu chuẩn PCCC... của các chung cư này để dân vào ở, để treo mạng sống của họ, con cái họ, cha mẹ họ lên những sợi chỉ mành?
Đừng hoài mãi sợi dây kinh nghiệm
Người Sài Gòn có lẽ không bao giờ thôi ám ảnh bởi vụ cháy tòa nhà ITC năm 2002 làm 60 người chết, 70 người bị thương với những đau đớn đeo mang suốt cuộc đời. Tưởng rằng thảm họa ITC sẽ thay đổi hoàn toàn suy nghĩ và hành động của người dân và lãnh đạo TP.HCM về PCCC. Nhưng không, các vụ hỏa hoạn vẫn liên tiếp xảy ra, với hàng loạt lỗ hổng về trách nhiệm phòng cháy và công tác quản lý PCCC. Sẽ có bao nhiêu nhân mạng thương vong nếu 34 xe và 205 cán bộ chiến sĩ PCCC gặp cảnh tắc đường?
Cửa chính căn hộ tại Homyland 2 và Homyland 3 không có tác dụng chống cháy - KTĐT
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã sớm có mặt ở hiện trường, đã nắm được việc "phần lớn người người chết đều do ngạt khói; có 2 trường hợp đu ra ngoài rồi rơi xuống". Ông tự hỏi: Mỗi năm đều kiểm tra việc PCCC nhưng khi xảy ra cháy, hệ thống báo cháy không hoạt động…?
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng băn khoăn: Tại sao cháy ở tầng hầm mà người dân ở trên lại chết? Rút kinh nghiệm gì qua sự việc đau lòng này? Nếu khi chuông báo cháy reo thì người dân sẽ thoát thân như thế nào? Chúng ta cần phải rút ra bài học, cháy ban đêm xử lý sao…?
Thưa ông Nguyễn Thiện Nhân, ông Nguyễn Thành Phong, đây không phải lần đầu TP.HCM xảy ra cháy chung cư, không phải báo chí và dư luận chưa từng gào thét về sự bất an đối với những dự án căn hộ cẩu thả, thu tiền xong để dân "may nhờ rủi chịu".
Nhiều hậu quả thảm khốc đã xảy ra khi cảnh sát chữa cháy không thể tới ngay lập tức.
Nhân dân và công luận đã và đang thống thiết: Điều cần làm ngay là điều tra nguyên nhân vụ hỏa hoạn; Khởi tố vụ án, truy cứu trách nhiệm hình sự chủ đầu tư, Ban quản lý chung cư, các cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động PCCC…
Lúc này, cơ quan Công an TP.HCM đang gấp rút giải quyết khâu pháp y để trao trả thi thể nạn nhân cho gia đình – một việc làm nhân văn và cần thiết. Vậy là, đã có 13 nhân mạng nằm xuống, 27 con người nhận thương tích nặng nề giữa thời bình, kèm theo đó là mất mát và nỗi đau khôn cùng cho thân nhân, bạn bè, đồng nghiệp họ. Đó là cái giá quá đắt cho niềm tin họ lỡ ký thác vào chủ đầu tư, các cán bộ, cơ quan quản lý, giám sát việc đảm bảo công tác PCCC.
Và nỗi đau thương và mất mát ở Carina Plaza sẽ càng trở nên oan nghiệt và vô nghĩa, nếu chúng ta im lặng, chúng ta thỏa hiệp với cái sai, cái ác!
Kiên Giang