Cải thiện môi trường kinh doanh để kéo lại niềm tin phục hồi và phát triển kinh tế
(CLO) Hiện các động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế đều suy giảm mạnh, TS. Nguyễn Quốc Việt -Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, cần chú trọng động lực tăng trưởng từ bên trong, và phát huy nội lực của doanh nghiệp tư nhân trong nước nhằm đảm bảo sự tự chủ nền kinh tế.
Cộng đồng doanh nghiệp đang rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp mất đơn hàng, giảm quy mô, giảm lao động... Với những khó khăn, thách thức này, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay thế nào, thưa ông?
-Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách VEPR (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia) vừa đưa ra 3 kịch bản dự báo tăng trưởng GDP:
Kịch bản cao: đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, và lạm phát 4,2%.
Giả định của kịch bản này là kinh tế thế giới diễn biến tích cực, sự mở cửa của kinh tế Trung Quốc là cú hích quan trọng đối với kinh tế toàn cầu. Các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam hồi phục kinh tế và các chính sách điều hành nhanh chóng phát huy hiệu quả. Và tăng trưởng của Quý II đạt 5,42 %. Như vậy tăng trưởng GDP Quý III phải đạt 8,12% và Quý IV phải đạt 8,57. Với mức tăng này là thách thức rất rất lớn.

TS Nguyễn Quốc Việt. Ảnh: H.L
Kịch bản cơ sở: tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6%, CPI khoảng 4%. Đây là kịch bản được giả định trong điều kiện các yếu tố bên ngoài: xung đột Nga – Ukraine, sự suy giảm kinh tế Trung Quốc, Mỹ cũng như các đối tác thương mại lớn của Việt Nam không gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Việt Nam. Chính sách tài chính – tiền tệ được điều hành linh hoạt phù hợp, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định.
Với kịch bản này, với GDP Quý II tăng 5,42 %, thì GDP Quý III tăng 7,24% và Quý IV tăng 7,58 %. Đây là kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất.
- Kịch bản thấp: Tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,5%, CPI khoảng 3,5%, nếu diễn biến xung đột địa chính trị trên thế giới trở nên phức tạp hơn. GDP Quý II tăng 5,42%, GDP Quý III tăng 6,12% và GDP Quý IV tăng 6,87%.
Kịch bản này ít có khả năng xảy ra. Nhưng nếu tình hình như kịch bản này, sẽ gây cản trở tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những trong những tháng còn lại của năm 2023 mà còn là hậu quả xấu cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung hạn.
Trong khi tình hình thế giới rất khó lường, tăng trưởng GDP trên 7% là thách thức. Vậy VEPR nhìn thấy cơ hội, điều kiện gì để cho rằng kịch bản cơ sở dễ xảy ra nhất?
- Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn khi phải chống chịu những cơn gió ngược của nền kinh tế thế giới và cả những bất ổn nội tại xuất phát từ thể chế, môi trường kinh doanh. Nhưng đang có 4 cơ hội cho tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam:
Thứ nhất, các chính sách điều hành nền kinh tế gần đây cho thấy những quyết tâm thúc đẩy kinh tế trong nước.
Thứ hai, tăng điều kiện xuất nhập khẩu cho nhiều ngành hàng trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa trở lại.
Thứ ba, cơ hội từ làn sóng dịch chuyển chuỗi đầu tư.
Thứ tư, FTA tiếp tục là động lực tăng trưởng thương mại.
Những quyết tâm thúc đẩy kinh tế trong nước từ điều hành, chúng ta đã thấy: Từ đầu năm đến nay, đã giảm lãi suất 4 lần liên tục, và gia tăng hạn mức tín dụng tại một số ngân hàng được kỳ vọng góp phần giải quyết các khó khăn của khu vực sản xuất kinh doanh.
Chính phủ vẫn đang tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Giải ngân đầu tư công 5 tháng đầu năm tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Đây là động thái quan trọng của kích cầu trong nước, động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, đã có nhiều tín hiệu tích cực đã xuất hiện. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang cho thấy nền tảng khá vững và kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc. Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho việc huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp.
Ngành du lịch tăng trưởng tích cực, và sự hồi phục ngành du lịch dự kiến là động lực chính cho tăng trưởng khu vực dịch vụ và toàn nền kinh tế Việt Nam năm 2023.
Giá cả nhiên liệu thiết yếu như dầu thô vẫn giữ mức giá trung bình khá ổn định ở mức thấp, góp phần giảm chi phí sản xuất cũng như chi phí vận tải và các chi phí liên quan, qua đó góp phần giảm mức giá cả chung.
Và chúng ta đang có những cơ hội để phát triển như gia tăng đóng góp số hóa, công nghệ cao vào tăng trưởng, quá trình chuyển đổi xanh, cơ hội trở thành trung tâm trung chuyển. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ làm tăng thêm cơ hội cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu, đầu tư và du lịch.
Vậy, từ góc nhìn của nhà nghiên cứu, thì định hướng chính sách tới đây là gì, theo ông?
- Trước hết, cần chú trọng động lực tăng trưởng từ bên trong, nhất là các động lực nhằm đảm bảo sự tự chủ nền kinh tế, cải thiện năng lực của Việt nam nhằm chống đỡ các cú sốc kinh tế.
Bên cạnh các chính sách phát huy thế mạnh của Việt nam về kinh tế đối ngoại và định hướng sản xuất hướng tới thị trường xuất khẩu, Việt nam cũng nên chú trọng khôi phục thị trường trong nước, nhất là phát triển lĩnh vực thị trường dịch vụ.
Đồng thời cần phát huy nội lực của hệ thống doanh nghiệp tư nhân trong nước, chú trọng phát triển về năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, tính liên kết và hiệu quả kinh doanh.
Tiếp đó là cải cách thể chế và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phục hồi tăng trưởng nói chung và hỗ trợ phát triển của thành phần kinh tế tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Chúng tôi cũng cho rằng phải thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh. Cải thiện môi trường kinh doanh trong nước có ý nghĩa rất quan trọng để kéo lại niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào sự phục hồi và phát triển kinh tế năm 2023. Kinh nghiệm từ đại dịch Covid 19 cho thấy, khi các vướng mắc, khó khăn và rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh được tháo bỏ đã kéo lại niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào sự phục hồi.
Về chính sách vĩ mô cụ thể, VEPR có khuyến nghị gì, thưa ông?
- Chúng tôi thấy rằng xác định nhiệm vụ trọng tâm và hàng đầu trong thời gian tới là vừa cân bằng giữa mục tiêu duy trì “ổn định kinh tế vĩ mô” nhưng đồng thời tìm kiếm các giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế/phục hồi sản suất kinh doanh của doanh nghiệp một cách nhanh chóng và mạnh mẽ.
Các chính sách cần được phối hợp một cách nhịp nhàng và có sự điều phối tổng hợp, cũng như tham vấn của các bên liên quan, qua đó từ khâu hoạch địch, thực thi đều thông suốt và không giật cục, dựa tối đa vào các giải pháp thị trường, thay vì mệnh lệnh hành chính.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai hiệu quả hơn các chính sách tài khóa, đặc biệt các gói hỗ trợ phục hồi cho nền kinh tế, hướng vào các ngành có tác động tích cực. Tổng kết đánh giá việc triển khai chương trình hỗ trợ nhằm rút ngắn thời gian trong khâu thực hiện, triển khai đảm bảo tính kịp thời trong hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng vượt qua những cú sốc, hạn chế thiệt hại, nâng cao hiệu quả của các chương trình hỗ trợ; chính sách hỗ trợ phải đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện, đúng mục tiêu.
Còn chính sách tiền tệ cần duy trì trạng thái “thích ứng” với hiện trạng của nền kinh tế có nhiều rủi ro, tiếp tục cân bằng giữa rủi ro tài chính với hỗ trợ phục hồi kinh tế, khơi thông sự luân chuyển của dòng vốn.
Chúng tôi cũng thấy cần phát triển các nghiên cứu chính sách độc lập phối hợp Viện nghiên cứu độc lập với các bộ ngành hiệp hội doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất các giải pháp giải nguyết ngay các ách tắc, khó khăn trong đầu tư công, cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là tháo bỏ rào cản, tạo thuận lợi và khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước, thúc đẩy tính liên kết và tự chủ của kinh tế Việt nam.
-Xin cảm ơn ông
Hà Linh (thực hiện)