“Cảm ơn vì chúng ta đã cùng vượt qua”

Thứ tư, 02/02/2022 10:30 AM - 0 Trả lời

(CLO) Đó có lẽ là xúc cảm của không riêng gì người trai Sài Gòn Quý Bửu. Sau những ngày tháng gồng mình chống dịch, giờ đây, mỗi người dân, y bác sĩ, tình nguyện viên,… của Thành phố này đều đọng lại trong mình một đoạn ký ức đáng nhớ.

Có người nghĩ về sự yêu thương của đồng bào, có người không nén được nước mắt khi nhớ lại cảnh mất mát, đau thương.

“Tôi nhớ nhất những ngày làm việc liên tục 7, 8 tiếng”

Vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, Đinh Hoàng Bảo Trâm (18 tuổi, ngụ phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM) đã đăng ký làm tình nguyện viên khi nhìn thấy thông báo kêu gọi tham gia tình nguyện của Thành Đoàn TP.HCM.

cam on vi chung ta da cung vuot qua hinh 1

Bảo Trâm luôn quan tâm, chăm sóc các bệnh nhân trong suốt quá trình làm tình nguyện viên tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM).

Sau hơn nửa tháng làm việc, nữ sinh 18 tuổi không may bị nhiễm COVID-19 trong một lần xét nghiệm định kỳ. Thời điểm đó, Trâm không tránh khỏi hụt hẫng vì cảm thấy bản thân vô cùng khỏe mạnh, không có bất kỳ triệu chứng nào. Gọi về nhà báo tin, ba mẹ Trâm vô cùng lo lắng bởi con gái chưa từng đi xa nhà, nay lại bị nhiễm bệnh.

Nhờ vào sự lạc quan và nghe theo lời tư vấn của y bác sĩ, Trâm đã hoàn toàn bình phục sau gần 1 tuần chữa trị. Sau khi khỏi bệnh, cô đã tiếp tục đăng ký làm tình nguyện viên.

Đến ngày 10/10, khi TP.HCM bước vào giai đoạn bình thường mới, cũng là lúc Trâm dừng công việc làm tình nguyện viên, trở lại tập trung cho việc học. Song, cô gái 18 tuổi vẫn không quên được những ký ức “để đời” ấy.

“Nhắc tới khoảng thời gian đi chống dịch, tôi nhớ nhất là những ngày làm việc liên tục 7, 8 tiếng liền vì không đủ nhân lực. Có những lúc đỉnh điểm, tiếp nhận hàng chục, hàng trăm bệnh nhân, chúng tôi phải làm việc liên tục 15 tiếng. Không những thế, tôi luôn cảm thấy xót xa khi nhớ về hình ảnh những sản phụ mắc COVID-19, họ đi lại và thở rất khó khăn. Sau khi thành phố mở cửa, bệnh viện ngưng tiếp nhận sản phụ mắc COVID-19 và thu nhỏ khu vực cách ly. Vậy nên dù rất tiếc và muốn tiếp tục ở lại hỗ trợ, nhưng tôi đã ngưng công việc là một tình nguyện viên để trở lại tập trung cho việc học”, Trâm nói.

cam on vi chung ta da cung vuot qua hinh 2

Công Thoại vẫn không thể quên những ký ức vui, buồn lẫn lộn sau khi trở về nhịp sống như trước.

Trâm nhớ lại, thời gian đầu khi bước chân vào khoa Sản Bệnh - Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), nữ sinh 18 tuổi trở nên vô cùng bỡ ngỡ vì chưa quen với các lối đi giữa các tòa nhà. Tại đây, Trâm phụ trách những công việc như tiếp nhận, sàng lọc bệnh nhân, hướng dẫn sản phụ đi khám bệnh, siêu âm, gửi và lấy kết quả xét nghiệm, làm thủ tục nhập viện, làm giấy chứng sinh, mua đồ giúp các sản phụ là F0 có triệu chứng nhẹ.

Tương tự với hành trình của Trâm, anh Huỳnh Trần Công Thoại (28 tuổi, ngụ Bình Thạnh, TP.HCM) tham gia chống dịch từ những ngày đầu của đợt dịch thứ 4. Vốn là một tiếp viên hàng không, chưa có kinh nghiệm đi chống dịch, ấy thế mà, Công Thoại đã vận dụng hết những kiến thức về sơ cứu rồi ứng dụng vào công tác hỗ trợ người dân. Chàng tiếp viên hàng không kể lại:

“Những ngày đỉnh điểm, tôi và các bạn tình nguyện khác phải cùng nhau đi vào các vùng đỏ. Nhiều khi đi ra khỏi nhà từ 7h sáng và về nhà lúc 21h. Thật sự khi nhắc tới đợt dịch này, điều đầu tiên hiện lên trong đầu tôi là sự mất mát, đau thương. Đợt dịch lần này quá khủng khiếp, nó cho chúng ta một bài học về sức khoẻ và tinh thần đoàn kết chống dịch. Số lượng ca nhiễm đang giảm dần theo từng ngày, đó cũng là nhờ sự cố gắng của tất cả mọi người. Khoảnh khắc trở lại công việc chính, tôi cảm thấy trân quý mạng sống hơn, thấy biết ơn vì vẫn có thể cống hiến cho cuộc đời”.

Vừa hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ điều trị COVID-19 ở bệnh viện dã chiến số 24 huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An), bác sĩ Huỳnh Tuấn Kiệt (28 tuổi) nay đã được trở về nhà. Nghỉ ngơi trong khu cách ly y tế, bác sĩ Kiệt viết:

“Nhớ như in ngày 29/10/2021, lần này tôi được phân công đi hỗ trợ công tác điều trị ở bệnh viện dã chiến số 24 (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Lúc nhận nhiệm vụ mới, tôi có nhiều suy nghĩ về chuyên môn và về gia đình. Sợ nhiệm vụ mới sẽ vượt quá khả năng của bản thân, sợ gia đình lo lắng và sợ đứa con gái 4 tuổi sẽ rất nhớ cha.

Khi đến nơi, tôi thấy nơi công tác là một khu công nghiệp, ít bóng người qua lại. Tôi được phân công hỗ trợ tầng 1, với nhiệm vụ là khám điều trị và tiếp nhận bệnh. Có những ngày đỉnh điểm phải tiếp nhận bệnh đến 1h sáng hôm sau. Có một đợt tôi tiếp nhận và khám điều trị cho bé gái cùng tuổi con mình. Bé rất ngoan, ngày nào vào khám bé đều nói “chú bác sĩ ơi, con hết bệnh rồi nè”. Nhìn thấy bé hồn nhiên, tôi vừa thương vừa xót.

Lần khác khi xong việc, tầm 20h hơn, từ khu điều trị về khu nghỉ thì gặp 2 cha con đang ngồi chờ ở cửa ra. Hỏi mới biết hai cha con về trước, còn mẹ bé chưa khỏi bệnh, đang là F0 điều trị ở khu khác. Lúc đó cũng chỉ biết lấy bánh, nước đưa cho hai cha con ăn đỡ đói. Những trường hợp như vậy chúng tôi gặp rất nhiều, nhưng vẫn không kiềm được xúc động. Có nhiều người chạy tới trước cổng đứng nhìn người thân từ xa, rồi lại gục ngã khi hay tin họ không qua khỏi.

Ngày  29/11, là ngày có quyết định tôi được trở về nhà, cũng là lúc bệnh viện dã chiến đóng cửa. Thật sự thấy nhẹ người, mừng thầm trong lòng tình hình dịch bệnh đang chuyển hướng theo chiều hướng tốt. Mừng vì sắp được về thăm gia đình, được về bên đứa con 4 tuổi đang trông cha.

Hy vọng 1 ngày không xa, các bệnh viện dã chiến sẽ không còn tồn tại nữa. Nhìn dòng người khỏe mạnh rời khỏi bệnh viện, phía sau bộ đồ bảo hộ, chúng tôi thầm vui thay cho họ”.

cam on vi chung ta da cung vuot qua hinh 3

Nhiều lần bác sĩ Kiệt gạt nước mắt vì nhớ con, để dốc sức chữa trị cho bệnh nhân.

“Bài học về trân trọng cuộc sống”

Chị Lâm Hồng Hoa (ngụ quận 10, TP.HCM) vẫn chưa quên được những ngày thành phố “vật vã” nhất. Chị chia sẻ, khoảng thời gian ấy, thời gian như ngừng lại.

“Đường sá vắng tanh không một ai, việc kinh doanh của tôi cũng phải ngừng lại, thu nhập không có, ăn uống phải tiết kiệm. Lúc đó có người thân trong nhà nhiễm COVID-19, chúng tôi đã tự cách ly nhau, vệ sinh, xịt khuẩn kỹ càng. Sợ lắm, vì ca mắc ngày một tăng, tỉ lệ lây nhiễm lại cao nên chúng tôi chỉ biết cầu nguyện có thể vượt qua được. Rất may, người thân của tôi khỏi bệnh, tôi cũng không bị nhiễm”, chị Hoa chia sẻ.

Cùng tâm trạng với chị Hoa, anh Tấn Đạt (ngụ quận 3) cho biết, anh rất vui khi nghe tin thành phố hết giãn cách, vì điều đó đồng nghĩa với việc dịch bệnh đang dần được kiểm soát.

“Trước đây mình có sở thích hay ra quán cà phê để nhâm nhi và làm việc, giờ cũng đã quen với việc cà phê tại ban công và nhìn ngắm đường xá qua hành lang, cửa sổ. Tôi hạn chế đứng gần người khác khi ra ngoài. Dù thành phố đã và đang dần mở cửa, tôi hy vọng người dân sẽ luôn giữ khoảng cách 5K, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tôi cũng mong các cơ quan ban ngành sẽ chăm lo tốt cho an sinh thành phố, có nhiều chính sách thúc đẩy kinh tế và các biện pháp y tế kịp thời cho giai đoạn mới”, anh Đạt nói.

cam on vi chung ta da cung vuot qua hinh 4

Đường sá vắng tanh, sự mất mát, đau thương là thứ mà nhiều người dân không thể quên khi nhắc tới đại dịch.

Bên cạnh đó, anh Quý Bửu (ngụ quận 4) vẫn chưa thôi bàng hoàng về sự mất mát của đợt dịch này. Anh Bửu nói:

“Thật may mắn vì tôi, người thân của tôi còn sống để nhìn được mặt nhau lúc này. Cho đến khi thành phố ngưng giãn cách, bắt đầu tiêm phủ vaccine ngừa COVID-19, từ người già, trẻ nhỏ, ai cũng được tiêm vaccine, tôi cảm thấy yên tâm hơn. Giờ thành phố không còn hối hả như trước, nhưng ít nhất nó cũng đã trở về với nhịp sống vốn có. Chúng ta đã trải qua một chặng đường dài, để giờ đúc kết được sự yêu thương, bài học về trân trọng cuộc sống. Ngày Tưởng nhớ đồng bào mất vì COVID-19, tôi đã không kiềm được nước mắt. Cảm ơn những người đã căng mình chống dịch, cảm ơn những người đã tin tưởng chính quyền địa phương và hơn hết là cảm ơn vì chúng ta đã cùng vượt qua giai đoạn khó khăn. Đây sẽ là đoạn ký ức khiến tôi không thể quên trong suốt cuộc đời mình”.

Thúy Vy

Bình Luận

Tin khác

Người anh hùng phá hơn 100 quả bom trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Người anh hùng phá hơn 100 quả bom trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

(CLO) Ở độ tuổi 97 nhưng cụ Cao Xuân Thọ (xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vẫn hừng hực khí thế khi kể lại những ngày tham gia phá bom, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

Đời sống
Gần 80 người thương vong trong ngày đầu nghỉ lễ

Gần 80 người thương vong trong ngày đầu nghỉ lễ

(CLO) Ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, toàn quốc xảy ra 60 vụ tai nạn giao thông khiến gần 80 người thương vong.

Đời sống
120 giàn pháo hoa phục vụ Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024

120 giàn pháo hoa phục vụ Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024

(CLO) 120 giàn pháo hoa được lực lượng chức năng thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá lắp đặt trước bờ biển đối diện sân khấu Quảng trường biển Sầm Sơn để chuẩn bị cho Lễ hội du lịch biển năm 2024.

Đời sống
Quảng Ninh: Đã tìm thấy thi thể thứ 4 trong vụ lật thuyền nan trên sông Chanh

Quảng Ninh: Đã tìm thấy thi thể thứ 4 trong vụ lật thuyền nan trên sông Chanh

(CLO) Thông tin được lãnh đạo Ủy ban nhân dân thị xã Quảng Yên xác nhận, sau khi lực lượng chức năng địa phương này đã tìm được thi thể thứ 4 của vụ tai nạn vào hồi 8 giờ 10 phút ngày 27/4.

Đời sống
Hà Nam: Phát động Tháng Công nhân và hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024

Hà Nam: Phát động Tháng Công nhân và hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024

(CLO) Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân và hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024.

Đời sống