Cấm xe máy, Hà Nội liệu có giảm ùn tắc ?

12/03/2019 21:20

(CLO) Vừa qua, Sở GTVT Hà Nội cho biết đang xây dựng đề án hạn chế, tiến tới cấm xe máy hoạt động trong khu vực nội thành Hà Nội vào năm 2030; nhằm giảm ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và hướng người dân sử dụng nhiều phương tiện công cộng.

Ùn tắc giao thông đang trở thành rào cản đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội

Ùn tắc giao thông đang trở thành rào cản đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội

Để thực hiện mục tiêu đó, Thành phố đang nghiên cứu thí điểm trước tại một số khu vực, tuyến đường có đủ điều kiện cơ sở, hạ tầng và hai tuyến đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương được lựa chọn để thí điểm cấm xe máy.

Quyết định này ngay lập tức nhận được rất nhiều sự quan tâm; chuyên gia và người dân không khỏi băn khoăn, lo lắng rằng: Cấm xe máy, Hà Nội liệu có giảm ùn tắc ?

Trao đổi với PV về vấn đề này, TS.Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT cho biết :“Tỷ lệ sử dụng xe máy ở nước ta hiện nay rất cao lên tới 70 - 80%. Đây là loại phương tiện vừa túi tiền, thậm chí còn được coi như "cần câu cơm" của nhiều người dân.

Nếu cấm xe máy thì giao thông công cộng phải đáp ứng 100% nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên giao thông công cộng hiện mới chỉ đáp ứng từ  8 - 10% nhu cầu và vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. 

Chưa kể đến, một chiếc xe máy chỉ chiếm dụng mặt đường bằng 1/5 - 1/10 một ô tô. Khi cấm xe máy, nhiều người dân sẽ mua ô tô làm phương tiện đi lại như vậy sẽ khiến tình trạng ùn tắc càng tăng thêm.

Về việc nghiên cứu thí điểm cấm xe máy trên 2 tuyến phố Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương là không khả thi vì giao thông là một dòng lưu thông nối tiếp nhau của các phương tiện. Khi cấm trên 2 tuyến đường này, xe máy sẽ đổ dồn sang các tuyến đường khác, tình trạng ùn tắc giao thông sẽ không được giải quyết triệt để.

Muốn giảm tình trạng ùn tắc giao thông tại những đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước hết là đầu tư về cơ sở hạ tầng; nâng cấp, mở rộng các tuyến đường và tăng tính hiệu quả của phương tiện công cộng. Cùng với đó là việc hạn chế xây dựng những nhà cao tầng trong trung tâm thành phố, đồng thời xây dựng những khu đô thị vệ tinh.

Bên cạnh đó là nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước, xóa bỏ các điểm đen về ùn tắc và tai nạn giao thông. Đồng thời khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện vận tải công cộng để di chuyển”. - TS.Nguyễn Xuân Thủy cho biết thêm.

Ô tô cá nhân tăng nhanh khiến tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô ngày càng nghiêm trọng

Ô tô cá nhân tăng nhanh khiến tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô ngày càng nghiêm trọng

Ngoài những ý kiến của các chuyên gia, nhiều người dân cũng không khỏi băn khoăn, lo lắng khi Hà Nội sẽ hạn chế, tiến tới cấm xe máy khu vực nội thành vào năm 2030; trước mắt là trên 2 tuyến phố Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương.

Anh Quân - một lái xe ôm truyền thống cho biết; hiện xe máy là phương tiện đi lại cũng như là nguồn thu nhập chính của nhiều người dân trong đó có anh. Nếu thành phố cấm xe máy thì không chỉ anh mà nhiều người dân khác cũng mất việc làm.

Điều làm anh băn khoăn nhất là trong khi ô tô cá nhân chiếm tới 4 đến 5 làn đường lại không bị cấm mà xe máy chỉ có một diện tích nhỏ mặt đường để lưu thông lại bị cấm...?

Nếu Hà Nội thí điểm cấm xe máy trên 2 tuyến phố Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương thì chắc chắn người dân sẽ tìm lối di chuyển trong những ngõ ngách nhỏ khi đó tình trạng ùn tắc giao thông sẽ càng nghiêm trọng hơn.

Chị Mai sống tại quận Hà Đông cho biết, chủ trương giảm thiểu phương tiện cá nhân (trong đó có xe máy) của Thành phố Hà Nội là đúng đắn.

Tuy nhiên, nhà chị ở trong ngõ, khá xa điểm đón xe buýt cũng như đường sắt trên cao nên sử dụng xe máy là phương tiện đi lại sẽ thuận tiện hơn và phù hợp với những người có thu nhập thấp như chị.

Chị mong rằng các ban, ngành chức năng của Thành phố có thêm những phương án, giải pháp cụ thể để giúp người dân làm quen với thay đổi trên. 

Thế Anh

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cấm xe máy, Hà Nội liệu có giảm ùn tắc ?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO