Camera AI thay cảnh sát, xử lý vi phạm giao thông trong 2 giờ
(CLO) Trung tâm chỉ huy Cục CSGT ứng dụng camera AI hoạt động 24/24h, tự động phát hiện và gửi thông báo vi phạm giao thông chỉ sau 2 giờ, không cần chặn xe trực tiếp.
Rạng sáng 17/7, hơn 10 cán bộ, chiến sĩ của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cùng các đơn vị phối hợp vẫn ứng trực tại Trung tâm thông tin chỉ huy. Công việc được chia thành các ca, vận hành liên tục 24/7. Đây là trung tâm quản trị cấp 1 của lực lượng CSGT, được trang bị hệ thống công nghệ hiện đại và tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) trong giám sát và xử lý vi phạm giao thông.

Với hệ thống camera giám sát kết hợp AI, trung tâm có khả năng tự động phát hiện vi phạm, nhận diện hành vi gây rối trật tự, truy vết phương tiện nghi vấn và gửi thông báo vi phạm tới chủ xe chỉ trong vòng 2 giờ.
Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, Cục trưởng Cục CSGT, cho biết mục tiêu là từng bước xây dựng dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống", qua đó kết nối và phân tích dữ liệu để phục vụ quản lý và nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông trong xã hội.
"Nếu trước kia chúng ta duy trì bằng con người - tức là cán bộ chiến sĩ phải xuất hiện, thì tới đây sẽ duy trì bằng công nghệ, hoạt động 24/24 giờ, công bằng và khách quan", Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông nói.

Thay vì lực lượng trực tiếp dừng xe trên đường, hệ thống AI sẽ tự động ghi nhận hình ảnh phương tiện vi phạm, xác định hành vi, thời gian, địa điểm và chủ phương tiện qua dữ liệu đăng ký.
Sau đó, thông tin được gửi qua ứng dụng VNeTraffic để người dân tiếp nhận và thực hiện xử phạt theo quy trình điện tử. AI hiện đã nhận diện được khoảng 20 hành vi vi phạm phổ biến với cả ô tô và xe máy, và đang được tiếp tục cập nhật.

Trung tâm chỉ huy còn có khả năng quản trị toàn bộ hoạt động của lực lượng CSGT trên toàn quốc. Qua bản đồ số, có thể theo dõi vị trí từng cán bộ đang làm nhiệm vụ, trạng thái xe tuần tra, trang bị đi kèm và chuyên đề công tác tại từng tuyến đường cụ thể. Khi xảy ra vụ việc khẩn cấp, trung tâm có thể điều phối lực lượng nhanh nhất đến hiện trường.
Ngoài ra, trung tâm hỗ trợ tích cực trong điều tra tai nạn giao thông. Ví dụ, từ mô tả của nhân chứng về màu xe và đặc điểm tài xế, hệ thống có thể rà soát hàng loạt dữ liệu camera, truy vết hành trình phương tiện và giúp nhận diện nghi phạm.
Trung tâm cũng có khả năng phát hiện các hành vi gây rối an ninh trật tự như tụ tập đông người, mang hung khí, hoặc nhận diện đối tượng truy nã thông qua camera AI.

Hiện lực lượng CSGT đang triển khai thí điểm ứng dụng cảnh sát giao thông chuyên dụng, cho phép kiểm tra thông tin tài xế qua căn cước công dân, vân tay hoặc ảnh chụp, thay vì phải yêu cầu giấy tờ bản cứng. Khi xác nhận hành vi vi phạm, biên bản sẽ được lập điện tử và kết nối ngay với hệ thống xử phạt, kho bạc, ngân hàng và cổng dịch vụ công. Người dân có thể nộp phạt online mà không cần tới trụ sở công an.
Thông qua ứng dụng VNeTraffic, người dân có thể tra cứu lộ trình, kiểm tra thông tin vi phạm, tham gia đấu giá biển số xe, và gửi hình ảnh vi phạm mà họ ghi nhận trên đường cho lực lượng chức năng xử lý.
Hiện ứng dụng có 4 tính năng chính. Thứ nhất là đọc thông tin về an toàn giao thông, tài xế có thể kiểm tra lộ trình, hướng đi sắp tới có sự cố, ùn tắc hay không.
Thứ hai là tra cứu thông tin vi phạm thông qua biển số xe. Thứ ba là tra cứu thông tin về đấu giá biển số.
Thứ tư, mỗi người dân có thể cung cấp thông tin hình ảnh về vi phạm giao thông trên các tuyến đường mà họ bắt gặp. Từ đây, cảnh sát sẽ xác minh và xử lý từ dữ liệu này.

Theo Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, Cục trưởng Cục CSGT trong giai đoạn 1, Trung tâm thông tin chỉ huy của Cục Cảnh sát giao thông sẽ vừa chạy vừa hiệu chỉnh ổn định, tìm ra những kinh nghiệm. Trong giai đoạn 2, Cục Cảnh sát giao thông sẽ lắp đặt dày hơn các camera trên cao tốc, sao cho ổn định, sắc nét và thông minh.
Hiện Cục Cảnh sát giao thông đã triển khai thí điểm gửi cảnh báo vi phạm giao thông thông qua ứng dụng VNeTraffic đối với các xe vi phạm trên 4 tuyến cao tốc: Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP.HCM - Trung Lương.