Theo báo cáo phân tích chi phí để gây ảnh hưởng đến cử tri, những người tham gia một chiến dịch tranh cử có thể thao túng các cuộc bầu cử bằng việc bỏ ra 400.000 USD cho tin tức giả và việc tuyên truyền những thông tin này. Tờ The Guardian của Anh dẫn báo cáo của Trend Micro, công ty về an ninh mạng, cho rằng chỉ mất 55.000 USD để hạ thấp uy tín của một nhà báo và mất 200.000 USD để kích động một cuộc biểu tình trên đường phố dựa trên tin tức giả. Điều này cho thấy việc tuyên truyền trên "thế giới ảo" có thể tạo ra những hiệu quả ở "thế giới thực" như thế nào. Nghiên cứu của Trend Micro về tin tức giả xuất hiện đúng vào thời điểm ngày càng có nhiều lo ngại về việc tin tặc can thiệp vào các cuộc bầu cử và việc các tin tức giả trên mạng xã hội đã thao túng cử tri. Báo cáo đi sâu tìm hiểu cách những người tham gia chiến dịch, các đảng phái chính trị, công ty tư nhân và các tổ chức khác có thể tạo ra và lan truyền các nội dung giả mạo theo một chiến lược nhất định để thay đổi nhận thức của cộng đồng. Phân tích về các dịch vụ tin tức giả ở Trung Quốc, Nga, Trung Đông và Anh cho thấy cách làm này mang lại sự thay đổi đáng "đồng tiền bát gạo" hơn so với các kiểu quảng cáo truyền thống, thực hiện bằng cách thao túng các mạng xã hội để phát tán nội dung không rõ ràng. "Dù bạn ở Trung Quốc, Nga, châu Âu hay Mỹ, rất dễ dàng để mua được những dịch vụ này," ông Simon Edwards - chuyên gia an ninh mạng của Trend Micro cho biết. Nghiên cứu cũng cho thấy các nội dung giả mạo có thể châm ngòi cho các cuộc biểu tình thực tế. Chẳng hạn, những người thực hiện chiến dịch này có thể tạo ra các nhóm trên mạng xã hội thảo luận về các vấn đề liên quan với chi phí khoảng 40.000 USD, Trend Micro cho biết. Để tối đa hóa phạm vi tiếp cận nội dung, người ta có thể bỏ ra 6.000 USD để đạt được 40.000 lượt yêu thích (like) có chất lượng. Với những dịch vụ tin tức giả này, có thể bỏ ra 5.000 USD để có được 20.000 bình luận (comment) và chỉ mất 2.700 USD cho một câu chuyện giả mạo. Những người thực hiện chiến dịch cũng có thể mua retweet (lượt chia sẻ bài đăng trên Twitter) và các dịch vụ quảng cáo khác, chẳng hạn như đặt các video liên quan trên YouTube giúp cho câu chuyện dễ dàng được lan tỏa. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chỉ mất 10.000 USD để thông báo và thúc đẩy một cuộc biểu tình trên mạng xã hội. Báo cáo cũng ghi nhận một vấn đề quan trọng là "các tin tức giả được tạo ra như thật và hứa hẹn một sự ảo tưởng về tương lai, đủ để lôi kéo mọi người tham gia vào một mục tiêu tưởng tượng." Theo báo cáo, đối với các chính trị gia và các đảng phái, việc điều chỉnh kết quả bầu cử cũng tương đối rẻ. Một người điều hành chiến dịch có thể mua các trang web tin tức được nhắm đến với giá 3.000 USD mỗi trang, sau đó đăng tải các tin giả mạo này như là những tin tức hợp pháp. Việc duy trì các trang web với các nội dung giả mạo chỉ mất khoảng 5.000 USD một tháng, và chi phí quảng cáo các trang kiểu này vào khoảng 3.000 USD một tháng. Việc mua các bài đăng lại (reposts) và các bình luận sai lệch về nội dung có thể thúc đẩy chiến dịch. Một số trang mạng cũng có thể phát cả tin tức thật, ăn theo các trang khác, để tạo danh tiếng và sự nhập nhằng giữa tin tức thật, giả. Nghiên cứu cho thấy tổng cộng một chiến dịch dài 1 năm, với kinh phí 400.000 USD, có thể thao túng được các hành động mang tính quyết định. Nghiên cứu cũng cho thấy một nhóm muốn tấn công một phóng viên nào đó cũng có thể dễ dàng dựng lên một chiến dịch tin tức giả mạo trong 4 tuần để làm hạ uy tín nhà báo. Việc tuyên tuyền hàng tuần, quảng cáo với 50.000 retweet, thu hút 100.000 lượt truy cập sẽ tốn khoảng 2.700 USD/tuần. Ngoài việc làm mất uy tín của nhà báo, "hậu quả đáng lo ngại hơn là câu chuyện, quan điểm mà nhà báo muốn tiết lộ hoặc đưa ra sẽ bị át đi bởi sự ồn ào mà chiến dịch tin tức giả tạo ra." Báo cáo cũng chỉ ra rằng một tài khoản mạng xã hội có thể trở thành một người nổi tiếng trên mạng với 300.000 người theo dõi chỉ trong vòng một tháng, với chi phí khoảng 2.600 USD. Hiệu quả và chi phí thấp của các chiến dịch tuyên truyền kiểu này khiến nhiều người lo ngại rằng chúng có thể trở nên phổ biến trong các cuộc bầu cử lớn. "Điều quan trọng là chúng ta phải chấm dứt các kiểu tuyên truyền này càng sớm càng tốt, trước khi chúng trở thành một xu hướng chủ đạo," Edward nói. Sau cuộc tranh cãi về việc tin tức giả trên mạng xã hội đã góp phần như thế nào vào thành công của ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, các công ty như Facebook hay Google đã cam kết ngăn chặn việc phát tán các thông tin sai lệch. Tuy nhiên, một số sáng kiến được công khai để ngăn chặn các nội dung giả mạo trên Facebook cho đến nay mới chỉ có tác động rất ít. Simon Edwards - chuyên gia an ninh mạng của Trend Micro - cho biết nghiên cứu của công ty cũng nhấn mạnh độc giả và người sử dụng mạng xã hội cần được hướng dẫn nhiều hơn về việc phát hiện tin tức giả. "Điều quan trọng là suy nghĩ về những thứ mình tiếp nhận và đặt câu hỏi về những điều mình thấy," ông Edwards nói./.
Theo Vietnam+