Cần bổ sung chính sách hỗ trợ cho nhà nghiên cứu, sáng tạo ‘hai lúa’
(CLO) Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám kiến nghị chính sách hỗ trợ cá nhân có sáng kiến, nhất là người nông dân tham gia nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Chiều 13/5, thảo luận về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cho biết, tại điều 23 dự thảo Luật về hướng dẫn triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát theo từng loại hình công nghệ và lĩnh vực. Theo đại biểu, đây là cơ chế cho phép thử cái mới có rủi ro thì kiểm soát, có sai thì sửa, không bị phạt ngay.
ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân nêu thực tế, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ tại địa phương, chúng ta đều nhận thấy một thực trạng đáng lo ngại là nhiều đề tài nghiên cứu sau khi nghiệm thu không được ứng dụng vào thực tiễn, gây lãng phí nguồn lực và làm suy giảm niềm tin vào hiệu quả đầu tư cho khoa học.

Lần đầu tiên quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát được đưa vào trong luật, cho phép Chính phủ quy định chi tiết về từng loại hình, lĩnh vực, đối tượng thử nghiệm, tạo khung pháp lý chung áp dụng đa lĩnh vực. Đặc biệt, trong công nghệ mới như AI, ứng dụng y tế số, chuyển đổi số.
“Đây là 'cánh cửa' rất quan trọng để các mô hình công nghệ mới ra đời và phát triển”, ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân nói và cho rằng: Để thực sự phát huy đúng ý nghĩa đề ra, đề nghị cần luật hóa cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, thống nhất; tăng cường vai trò điều phối của Chính phủ có trách nhiệm phối hợp liên ngành; bảo đảm quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia thử nghiệm được an toàn, hợp lý.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng cần quy định rõ đối tượng được cấp phép thử nghiệm theo đúng quy định của pháp luật thì không bị xử lý, nếu có sơ suất trong phạm vi thử nghiệm, trách nhiệm của Chính phủ và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc quy định ban hành danh mục ngành nghề được phép thử nghiệm, kiểm duyệt.
Thời gian thử nghiệm và đánh giá kết quả phối hợp triển khai thực hiện chặt chẽ, đồng bộ và công khai để mô hình tốt được nhân rộng.

Cùng quan tâm đến dự thảo Luật, ĐBQH Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) kiến nghị, có chính sách hỗ trợ cá nhân có sáng kiến, nhất là người nông dân tham gia nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
ĐBQH Tô Văn Tám nêu rõ, người dân, nhất là những người nông dân khi làm công việc nhà nông thực tế, họ sáng kiến được rất nhiều máy móc, thiết bị. Ví dụ như là nông dân các địa phương ở Đồng bằng Sông Cửu Long sáng chế ra máy gieo hạt ngô, hạt lúa đa năng; rồi tự chế tạo được máy phun thuốc trừ sâu có đường kết nối từ xa; và những sinh viên đã sáng tạo ra thiết bị cảnh báo lũ lụt, sạt lở đất... mà phương tiện thông tin đại chúng thường gọi họ là những nhà khoa học “hai lúa”.
“Những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của người dân được phổ cập rộng rãi rất phù hợp với điều kiện thực tiễn và đem lại hiệu quả tốt. Do vậy, tôi thấy là nên có cơ chế hỗ trợ phù hợp cho cá nhân có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật như thế này”, ĐBQH Tô Văn Tám đề xuất.