Cần bổ sung “những người cô đơn không nơi nương tựa” vào “nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương”
(CLO) Góp ý cho dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), chuyên gia đề nghị bổ sung thêm một nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương là “nhóm hoặc tổ chức của những người yếu thế”. Ví dụ như những người cô đơn không nơi nương tựa...
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một chủ trương quan trọng được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng nhằm hoàn thiện thể chế, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu của công tác hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và giải trình, tiếp thu, chỉnh lý những ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật.

Ảnh minh họa (nguồn internet).
Sau 12 năm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam đã có bước phát triển rõ rệt. Hệ thống văn bản pháp luật, từ cấp cao nhất là Luật đến các văn bản dưới luật, như Nghị định, Chỉ thị, Thông tư đã được Nhà nước ban hành, tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được các cấp, ngành, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, cơ quan thông tấn báo chí thực hiện thường xuyên, bằng những hình thức phong phú, đa dạng, đã góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ Trung ương tới địa phương đã được hình thành và phát huy vai trò của mình.
Cùng với đó, các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phát triển, tích cực hoạt động, phát huy chức năng, nhiệm vụ, dần khẳng định vai trò là cầu nối giữa người tiêu dùng với cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Từ nhận thức được nâng lên, nhìn chung, cộng đồng doanh nghiệp đã có những chuyển biến cụ thể trong việc thực hiện các trách nhiệm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Công tác hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được đẩy mạnh hơn.
Có thể nói, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên, quyền lợi người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng.
Ngoài nguyên nhân chủ quan trong công tác thực thi pháp luật là chủ yếu, việc thi hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng phát sinh những vướng mắc, khó khăn, bất cập như công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa hiệu quả; hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa thiết thực; nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn nhiều hạn chế...

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử (ảnh minh họa).
Thông tin về quá trình cho ý kiến, hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan đã tiến hành nhiều hoạt động xây dựng và hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Sau Kỳ họp thứ tư của Quốc hội khóa XV, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Luật.
Bày tỏ về sự quan tâm đến việc bảo vệ nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, TS Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, trong dự thảo Luật quy định về “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương” có xác định các nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, bao gồm các nhóm người như: người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em... Với quy định này, TS Phạm Văn Tân đề nghị bổ sung thêm một nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương vào Khoản 1, Điều 3, cụ thể là: “nhóm hoặc tổ chức của những người yếu thế”. Ví dụ như những người cô đơn không nơi nương tựa, những người khuyết tật không phải một cá nhân mà là những người trong một nhóm hoặc trong một tổ chức…